Ấn tượng với dự án ứng dụng AI bảo vệ mắt, robot cứu hộ mini của học sinh

Sau 6 tháng phát động, cuộc thi thu hút 331 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 tham gia với 43/71 sản phẩm vào chung kết, trưng bày và chấm điểm ngày 12/4/2025.

Cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ EDITECH năm học 2024-2025 là sân chơi sáng tạo thường niên do Hệ thống Trường Phổ thông liên cấp Edison tổ chức dành cho học sinh từ 9-16 tuổi.

Trải qua 6 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 71 sản phẩm từ 331 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, trong đó 43 sản phẩm đã lọt vào vòng chung kết và được trưng bày triển lãm, thuyết trình, chấm điểm vào ngày 12/4/2025.

8 lĩnh vực “Y tế, Sức khỏe; Giáo dục; Môi trường và phát triển bền vững; Văn hóa, Xã hội; Kinh tế; Giao thông; Nông nghiệp; An ninh mạng” được chia theo 2 bảng: Bảng dành cho các sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và bảng dành cho các sản phẩm công nghệ/STEAM đã được các học sinh tiếp cận theo các hướng khác nhau.

Các sản phẩm đa dạng như ứng dụng AI, STEAM, Robotics, lập trình, website, công nghệ thực tế ảo AR/VR đã thể hiện được năng lực nhận thức, kỹ năng làm việc, thực hành và trên hết là sự dám nghĩ, dám làm của học sinh.

Giải pháp AI hướng tới vì cộng đồng

Cô Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Hội đồng trường, Hệ thống Trường Phổ thông liên cấp Edison chia sẻ: “EDITECH không chỉ là một cuộc thi công nghệ, mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để khơi dậy tinh thần tự học, trí tò mò và khát vọng sáng tạo của học sinh.

Khi học sinh được trao cơ hội để nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng vào thực tế, chính học sinh sẽ chủ động mở rộng hiểu biết, nuôi dưỡng ý tưởng, và hình thành năng lực làm chủ công nghệ, trở thành hành trang thiết yếu cho tương lai.

Tôi thực sự ấn tượng với chất lượng các sản phẩm lọt vào chung kết Editech năm nay, đặc biệt là ở bảng AI mặc dù đây mới là lần đầu tiên bảng này được tổ chức riêng biệt. Không chỉ thể hiện sự hiểu biết và khả năng ứng dụng công nghệ, các sản phẩm còn cho thấy chiều sâu tư duy, sự thấu cảm với các vấn đề xã hội và cách học sinh lựa chọn giải pháp AI một cách phù hợp, có trách nhiệm và nhân văn. Đó không chỉ là công nghệ tốt mà là công nghệ vì con người”.

 Cô Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Hội đồng trường, Hệ thống Trường Phổ thông liên cấp Edison.

Cô Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Hội đồng trường, Hệ thống Trường Phổ thông liên cấp Edison.

Trên cơ sở các môn học như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, STEAM - Robotics, cũng như được đào tạo về AI trong chương trình giảng dạy, các em học sinh được tiếp cận với các ngôn ngữ lập trình Scratch, Python, Arduino, cách sử dụng AI hiệu quả, an toàn… và sớm hình thành các ý tưởng độc đáo để tạo ra các sản phẩm hỗ trợ cuộc sống, bắt nguồn từ nhu cầu của chính bản thân mình.

Học sinh khối tiểu học đã thể hiện tư duy sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ vượt bậc với những sản phẩm như Kính bảo vệ mắt AI - Eyebuddy, giúp bảo vệ thị lực bằng trí tuệ nhân tạo; Hand-Tech (Bộ phận thay thế) mang đến giải pháp hỗ trợ vận động thông minh; hay CalmCloud - Trợ lý ảo giúp học sinh quản lý cảm xúc và học tập hiệu quả hơn. Các bạn còn phát triển Eco Hero - ứng dụng phân loại rác nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ngay từ lứa tuổi nhỏ.

Học sinh khối trung học thể hiện được tình yêu với môi trường và ý thức cộng đồng rõ nét qua sản phẩm như PlantIQ - Ứng dụng AI nhận diện và tư vấn chăm sóc cây trồng, giúp phát hiện sâu bệnh, thiếu dinh dưỡng để can thiệp kịp thời; FloodSafe AI - ứng dụng giúp người dùng theo dõi và giảm thiểu tác động cá nhân đến môi trường thông qua đo lường lượng khí thải carbon và các hành động xanh.

Bên cạnh đó là những sản phẩm ứng dụng AI để hỗ trợ cuộc sống, như Echoguide - thiết bị hỗ trợ người khiếm thị di chuyển và tương tác với môi trường, sử dụng camera và AI để truyền thông tin qua tai nghe; Trợ lý AI - điểm tựa tuổi vàng, tích hợp dữ liệu sức khỏe từ các thiết bị thông minh và đưa ra khuyến nghị y tế cá nhân hóa hay ứng dụng AI bổ trợ kiến thức học sinh, giúp tối ưu hóa hành trình học tập.

Học sinh cũng đặc biệt quan tâm tới giáo dục hòa nhập và an toàn cá nhân với các sản phẩm như HomeGuardian - thiết bị hỗ trợ bảo vệ trẻ tự kỷ, cảnh báo và gửi thông tin kịp thời về cho phụ huynh; Găng tay chuyển ngữ - thiết bị chuyển ngôn ngữ ký hiệu thành giọng nói, giúp người khiếm thính giao tiếp hiệu quả hơn với thế giới xung quanh.

Tại sự kiện, ông Hoàng Viết Tiến - Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số, đồng thời là Phó Chủ tịch Quỹ Mars Connect chia sẻ: “Là ban giám khảo của cuộc thi EDITECH trong nhiều năm, tôi thấy rõ sự chuyển dịch từ việc áp dụng công nghệ chung sang các công nghệ mới hơn như AI. Tính thực tiễn trong sản phẩm cũng ngày càng cao, phản ánh sự tiến bộ rất rõ ràng của học sinh.

Việc các bạn được tiếp cận với công nghệ và thị trường từ sớm không chỉ là một lợi thế cạnh tranh mà còn là tiền đề để hình thành tư duy toàn cầu. Đây chính là một thành công lớn của cuộc thi và nhà trường”.

 Ông Hoàng Viết Tiến - Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số, đồng thời là Phó Chủ tịch Quỹ Mars Connect.

Ông Hoàng Viết Tiến - Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số, đồng thời là Phó Chủ tịch Quỹ Mars Connect.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi học sinh khối tiểu học đã có thể nắm khá chắc quy trình ứng dụng AI để giải quyết các vấn đề thực tế, điều này cho thấy các em được hướng dẫn rất bài bản và nghiêm túc.

Học sinh hiểu rõ quy trình, quan tâm đến đạo đức, bảo mật thông tin và đã biết cách vận dụng AI vào học tập, cuộc sống, đó là nền tảng cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, các ý tưởng như dự án Chatbot hỗ trợ tâm lý hay dự án Robot nhắc nhở thời gian cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến nhu cầu thực tế trong cuộc sống dành cho con người và sự trưởng thành trong tư duy sáng tạo của học sinh”.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

EDITECH sẽ là cuộc thi thường niên và trong tương lai, cuộc thi không chỉ giới hạn trong phạm vi nhà trường hoặc những lĩnh vực cố định mà sẽ tạo ra một sân chơi sáng tạo, rộng mở cho các em học sinh trong cả nước.

Dùng AI khuyến khích tự học

Vòng chung kết cuộc thi EDITECH được chia thành hai bảng thi: Bảng A dành cho các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi bảng B tập trung vào các sản phẩm công nghệ và giáo dục STEAM.

Em Nguyễn Phương Thi - học sinh lớp 10BA1, Trường Phổ thông liên cấp Edison, đại diện nhóm dự án AI bổ trợ kiến thức cho học sinh (Learn Buddy) thuộc bảng AI chia sẻ: “Nhóm ấp ủ ý tưởng phát triển một ứng dụng học tập trực tuyến, hướng tới hỗ trợ học sinh trên toàn quốc, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện tiếp cận đa dạng hơn với các nguồn tri thức.

Đặc biệt, trong bối cảnh Thông tư 29 cấm dạy thêm, học thêm, ứng dụng của chúng em sẽ đóng vai trò như một “người thầy online”, hỗ trợ học sinh học thêm ngoài giờ chính khóa một cách linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với quy định hiện hành”.

 Em Nguyễn Phương Thi (thứ 2 từ phải sang) cùng các thành viên trong nhóm dự án Learn Buddy. (Ảnh: Thúy Hiền)

Em Nguyễn Phương Thi (thứ 2 từ phải sang) cùng các thành viên trong nhóm dự án Learn Buddy. (Ảnh: Thúy Hiền)

Bên cạnh nội dung học tập, ứng dụng Learn Buddy của nhóm sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo động lực và khuyến khích tinh thần học tập cho học sinh.

“Chúng em cũng có định hướng kết nối với các trường đại học, nhằm tạo cầu nối giữa sinh viên tình nguyện và học sinh ở các vùng khó khăn, từ đó hình thành mạng lưới hỗ trợ học tập rộng khắp. Ứng dụng sẽ phục vụ cho học sinh ở tất cả các cấp học với chương trình học được xây dựng theo lộ trình rõ ràng.

Về vai trò trong nhóm, em phụ trách mảng nội dung và cung cấp thông tin còn các bạn khác đảm nhận phần liên quan đến công nghệ, đặc biệt là tích hợp AI. Trong quá trình lên ý tưởng và thiết kế sản phẩm, nhóm đã đầu tư bài bản, dành nhiều thời gian nghiên cứu và hoàn thiện từng khâu. Khó khăn lớn nhất có lẽ là việc làm sao tạo được động lực giúp các thành viên trong nhóm không bỏ cuộc giữa chừng và hoàn thành tiến độ”, em Nguyễn Phương Thi cho biết.

 Nhóm dự án Learn Buddy giành được giải Nhất bảng A3 (khối 9-10-11-12) tại cuộc thi.

Nhóm dự án Learn Buddy giành được giải Nhất bảng A3 (khối 9-10-11-12) tại cuộc thi.

Em Nguyễn Nhật Linh - học sinh lớp 11B1, Trường Phổ thông liên cấp Edison cho biết, nhóm đã lên ý tưởng và sáng chế thiết bị kiểm tra độ tương thích mỹ phẩm bằng AI, hướng tới bảo vệ người dùng, không thử nghiệm trên động vật mang tên Bioskin (thuộc bảng AI).

“Sản phẩm của chúng em là một thiết bị tích hợp trí tuệ nhân tạo có khả năng phân tích mức độ tương thích của mỹ phẩm đối với làn da người. Ý tưởng tạo ra sản phẩm này xuất phát từ thực tế hiện nay, khi người tiêu dùng chỉ có thể đánh giá hiệu quả mỹ phẩm bằng cách thử trực tiếp trên da. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu chính xác, vì vậy, nhóm em mong muốn tạo ra một giải pháp công nghệ thay thế, khách quan và an toàn hơn.

Đồng thời, hiện nay nhiều thương hiệu mỹ phẩm trên thế giới vẫn thử nghiệm sản phẩm trên động vật để kiểm tra độc tố và độ tương thích, gây ra nhiều tranh cãi. Chính vì vậy, nhóm hướng đến một mục tiêu nhân đạo là góp phần loại bỏ dần việc thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật bằng cách phát triển một thiết bị có khả năng mô phỏng và đánh giá hiệu quả mỹ phẩm thông qua phân tích dữ liệu sinh học”, em Nguyễn Nhật Linh cho hay.

 Nhóm dự án Bioskin gồm 5 thành viên đến từ lớp 11B1, Trường Phổ thông liên cấp Edison. Ảnh: Thúy Hiền

Nhóm dự án Bioskin gồm 5 thành viên đến từ lớp 11B1, Trường Phổ thông liên cấp Edison. Ảnh: Thúy Hiền

Theo em Nguyễn Nhật Linh, trong quá trình thực hiện, thách thức lớn nhất mà nhóm gặp phải là việc hiện thực hóa ý tưởng thông qua lập trình và tích hợp AI. Việc thiết kế thuật toán để thiết bị có thể tính toán chính xác mức độ tương thích của mỹ phẩm với làn da người dùng đòi hỏi sự cẩn trọng tuyệt đối, bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây tác động trực tiếp đến sức khỏe làn da.

Dù đối mặt với không ít áp lực trong quá trình thực hiện, các thành viên trong nhóm vẫn giữ vững tinh thần và kiên trì theo đuổi dự án. Chính mục tiêu tạo ra một sản phẩm ý nghĩa, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng đã trở thành động lực lớn giúp cả nhóm vượt qua những giai đoạn căng thẳng để từng bước hoàn thiện sản phẩm.

 Mô phỏng sản phẩm Bioskin của nhóm học sinh lớp 11B1, Trường Phổ thông liên cấp Edison. Ảnh: Thúy Hiền

Mô phỏng sản phẩm Bioskin của nhóm học sinh lớp 11B1, Trường Phổ thông liên cấp Edison. Ảnh: Thúy Hiền

Bên cạnh đó, một dự án nổi bật khác thuộc bảng công nghệ và giáo dục STEAM là Robot cứu hộ mini.

Về mặt ý tưởng, nhóm học sinh bày tỏ mong muốn thiết bị có thể trở thành giải pháp phổ biến trong việc xử lý rác thải trên mặt nước, tương tự như cách robot hút bụi đang được sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình. Với thiết kế gọn nhẹ, linh hoạt, robot có thể hoạt động hiệu quả tại các tuyến kênh, rạch nhỏ mà các thiết bị cỡ lớn khó tiếp cận. Ưu điểm nằm ở chi phí thấp, vật liệu dễ tìm và quy trình lắp ráp đơn giản, phù hợp với điều kiện triển khai tại nhiều địa phương.

 Sản phẩm mẫu của Robot cứu hộ mini được làm từ các nguyên vật liệu đơn giản như bìa formex, băng chuyền, bo mạch, pin, chân vịt,...

Sản phẩm mẫu của Robot cứu hộ mini được làm từ các nguyên vật liệu đơn giản như bìa formex, băng chuyền, bo mạch, pin, chân vịt,...

Theo nhóm chia sẻ, dự án có tính khả thi cao bởi hiện nay trên thị trường, nhiều robot hút rác mặt nước có thiết kế cồng kềnh, giá thành cao, khó tiếp cận với người dùng có kinh phí hạn chế. Trong khi đó, sản phẩm của nhóm có thể sản xuất hàng loạt với số lượng nhân lực ít, không yêu cầu trình độ chuyên môn cao. Nguyên vật liệu dễ tìm, dễ gia công, có thể tận dụng vật liệu tái chế và dễ dàng lắp ráp.

 Nhóm học sinh với dự án Robot cứu hộ mini thuộc bảng B (Công nghệ và giáo dục STEAM). Ảnh: Thúy Hiền

Nhóm học sinh với dự án Robot cứu hộ mini thuộc bảng B (Công nghệ và giáo dục STEAM). Ảnh: Thúy Hiền

Kết quả vòng chung kết EDITECH năm học 2024-2025 được chia theo 3 hạng Nhất, Nhì, Ba và các giải triển vọng. Bảng A là nhóm sản phẩm ứng dụng AI được chia thành ba bảng nhỏ gồm A1 (khối 3, 4, 5), A2 (khối 6, 7, 8) và A3 (khối 9,10,11,12). Ở bảng A1, giải Nhất thuộc về dự án Kính bảo vệ mắt AI – Eyebuddy; giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về dự án Calm Cloud và Robot quản lý thời gian.

 Dự án Kính bảo vệ mắt AI - Eye Buddy giành giải Nhất bảng A1 của cuộc thi.

Dự án Kính bảo vệ mắt AI - Eye Buddy giành giải Nhất bảng A1 của cuộc thi.

Giải Nhất bảng A2 thuộc về dự án PlantIQ; giải Nhì thuộc về 2 dự án Echoguide và Trợ lý AI - điểm tựa tuổi vàng; giải Ba thuộc về 2 dự án Future Track và AI Explore. Ở bảng A3, giải Nhất thuộc về dự án AI bổ trợ kiến thức cho học sinh (Learn Buddy); giải Ba thuộc về 2 dự án AI - Tester và Thiết bị quản lý điện tích hợp AI.

Bảng B là nhóm sản phẩm công nghệ/STEAM cũng được chia thành ba bảng nhỏ gồm B1 (khối 3, 4, 5), B2 (khối 6, 7, 8) và B3 (khối 9,10,11,12). Ở bảng B1, ba giải Nhất, Nhì, Ba lần lượt thuộc về 3 dự án Hand-Tech (bộ phận thay thế); Eco Hero; Camera cảm biến. Giải Nhất bảng B2 là dự án HomeGuardian; giành giải Nhì là dự án App học KHTN (ứng dụng học khoa học tự nhiên); 2 giải Ba thuộc về dự án Tủ locker thông minh và Trí Văn AI.

Bảng B3 không có giải Nhất, giải Nhì thuộc về dự án Găng tay chuyển ngữ và giải Ba là dự án Robot vận chuyển thức ăn.

 Cô Lê Tuệ Minh trao giải cho nhóm học sinh đạt giải Nhất bảng A2 và B2 của cuộc thi.

Cô Lê Tuệ Minh trao giải cho nhóm học sinh đạt giải Nhất bảng A2 và B2 của cuộc thi.

 5 nhóm dự án nhận giải triển vọng bảng A2 tại cuộc thi EDITECH năm học 2024-2025.

5 nhóm dự án nhận giải triển vọng bảng A2 tại cuộc thi EDITECH năm học 2024-2025.

 Dự án Robot quản lý thời gian ở bảng B1 và dự án Camera cảm biến ở bảng B2 đồng nhận giải Ba của cuộc thi.

Dự án Robot quản lý thời gian ở bảng B1 và dự án Camera cảm biến ở bảng B2 đồng nhận giải Ba của cuộc thi.

 1 nhóm dự án bảng A2 và 2 nhóm dự án bảng B2 đồng giành giải Ba.

1 nhóm dự án bảng A2 và 2 nhóm dự án bảng B2 đồng giành giải Ba.

 4 đội thi nhận được giải triển vọng ở bảng B1.

4 đội thi nhận được giải triển vọng ở bảng B1.

 4 nhóm dự án giành giải triển vọng tại bảng B2 của cuộc thi.

4 nhóm dự án giành giải triển vọng tại bảng B2 của cuộc thi.

Một số hình ảnh khác tại sự kiện

 Bên cạnh các dự án dự thi của học sinh, Trường Phổ thông liên cấp Edison cũng đầu tư sản phẩm STEAM-Robotics nhằm hỗ trợ học sinh học tập và tham gia các cuộc thi.

Bên cạnh các dự án dự thi của học sinh, Trường Phổ thông liên cấp Edison cũng đầu tư sản phẩm STEAM-Robotics nhằm hỗ trợ học sinh học tập và tham gia các cuộc thi.

 Sản phẩm Robot khác tại cuộc thi.

Sản phẩm Robot khác tại cuộc thi.

 Chung kết cuộc thi EDITECH năm học 2024-2025 đón nhận đông đảo sự quan tâm của các em học sinh và phụ huynh.

Chung kết cuộc thi EDITECH năm học 2024-2025 đón nhận đông đảo sự quan tâm của các em học sinh và phụ huynh.

 EDITECH tạo ra một sân chơi sáng tạo với những ý tưởng đột phá ứng dụng AI và công nghệ STEAM vào đời sống.

EDITECH tạo ra một sân chơi sáng tạo với những ý tưởng đột phá ứng dụng AI và công nghệ STEAM vào đời sống.

Thúy Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/an-tuong-voi-du-an-ung-dung-ai-bao-ve-mat-robot-cuu-ho-mini-cua-hoc-sinh-post250562.gd
Zalo