Chính phủ Mỹ thách thức sự thống trị mạng xã hội của Meta liên quan việc mua lại Instagram, WhatsApp

Ngày 14.4, Meta Platforms sẽ đối mặt với chính phủ liên bang Mỹ trong một phiên tòa chống độc quyền mang tính bước ngoặt về các cáo buộc rằng công ty này đã bóp nghẹt đối thủ cạnh tranh bất hợp pháp bằng cách mua lại Instagram và WhatsApp.

Sau khi Mark Zuckerberg đồng sáng lập Facebook trong phòng ký túc xá tại Đại học Harvard (Mỹ) vào năm 2004, mạng xã hội này đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Khoảng một thập kỷ sau, Facebook lại tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ sau khi mua lại các đối thủ nhỏ hơn là Instagram và WhatsApp, từ đó củng cố vị thế trong lĩnh vực mạng xã hội.

Ngày 14.4, Thẩm phán James Boasberg thuộc Tòa án quận Columbia sẽ bắt đầu xem xét vụ kiện độc quyền mang tính bước ngoặt liên quan đến công ty (hiện có tên Meta Platforms) xoay quanh một câu hỏi pháp lý mới mẻ: Liệu Meta Platforms có vi phạm pháp luật để duy trì vị thế thống trị bằng cách thâu tóm các công ty khởi nghiệp cản đường mình?

Vụ việc, do Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) kiện Meta Platforms, sẽ lần đầu tiên tìm cách mở rộng lý thuyết về luật chống độc quyền của Mỹ để bao gồm cả chiến lược mà các cơ quan quản lý gọi là “mua hoặc chôn vùi”. FTC lập luận rằng Meta Platforms đã vi phạm pháp luật bằng cách mua lại những đối thủ mới nổi nhằm duy trì vị thế độc quyền của mình trên mạng xã hội. Các cơ quan quản lý đang tìm cách buộc Meta Platforms phải thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp.

Meta Platforms phản bác rằng họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ TikTok, Snap, Reddit, LinkedIn, và rằng hai thương vụ mua lại này đã được các cơ quan quản lý phê duyệt thời điểm đó. Meta Platforms cũng chưa từ bỏ ý định dàn xếp vụ việc khi đầu tháng 4, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã đến Nhà Trắng để cố gắng thuyết phục chính quyền Trump tránh đưa vụ việc ra tòa.

Kết quả phiên tòa dự kiến kéo dài nhiều tuần (vụ kiện công nghệ lớn đầu tiên được chính quyền Trump theo đuổi) có thể định hình lại bối cảnh chống độc quyền của Mỹ khi các công ty bị giám sát gắt gao hơn về việc sáp nhập và mua lại. Nếu chính phủ Mỹ thắng kiện, điều đó cũng có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa với Thung lũng Silicon, nơi nhiều công ty khởi nghiệp đặt kỳ vọng lớn vào việc được các hãng công nghệ lớn mua lại để thu lợi nhuận.

Tuy vậy, các chuyên gia pháp lý cho rằng FTC sẽ phải đối mặt với trận chiến cam go để chứng minh vụ kiện của mình. Lập luận pháp lý của chính phủ Mỹ dựa trên việc chứng minh rằng Meta Platforms sẽ không đạt được (hoặc duy trì) vị thế thống trị nếu không mua lại Instagram và WhatsApp — giả định khó chứng minh do sự phát triển của công ty phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

“Đây là một vụ án thử nghiệm quan trọng nhằm xác định liệu luật chống độc quyền có thể được sử dụng để đảo ngược các vụ sáp nhập nhằm loại bỏ đối thủ mới nổi hay không. Nếu chính phủ thắng, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn và dễ dàng chuyển đổi giữa các nền tảng mạng xã hội mà không phải lệ thuộc vào Facebook”, Gene Kimmelman, cựu quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ, nói.

Vụ kiện nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng và là một phần trong nỗ lực chống độc quyền quyết liệt nhất của các cơ quan liên bang kể từ Gilded Age, khi Google, Meta Platforms, Amazon, Apple đều đang bị chất vấn về quyền lực kiểm soát cách người tiêu dùng mua sắm, tìm kiếm thông tin và giao tiếp.

Gilded Age là thuật ngữ được nhà văn Mark Twain và Charles Dudley Warner đặt ra để mô tả giai đoạn lịch sử phức tạp của Mỹ từ khoảng những năm 1870 đến khoảng năm 1900, đặc trưng bởi sự tăng trưởng kinh tế và giàu có đáng kể, nhưng đồng thời cũng đi kèm với tham nhũng chính trị và bất bình đẳng xã hội sâu sắc.

Năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ đã thắng một vụ kiện chống độc quyền với Google vì độc quyền mảng tìm kiếm trực tuyến và một phiên tòa nhằm tìm ra biện pháp khắc phục dự kiến bắt đầu vào ngày 21.4. Google cũng đang chờ phán quyết trong một vụ kiện riêng cáo buộc hãng bóp nghẹt cạnh tranh bất hợp pháp trên thị trường công nghệ quảng cáo.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng kiện Apple vì cáo buộc hệ sinh thái thiết bị và phần mềm khép kín của họ khiến người tiêu dùng khó rời bỏ. Trong khi đó, FTC kiện Amazon, cáo buộc hãng này bảo vệ trái phép vị thế độc quyền trong bán lẻ trực tuyến. Các vụ này dự kiến sẽ được xét xử vào năm 2026.

Kết quả của phiên tòa có thể định hình lại cách người tiêu dùng chia sẻ thông tin trực tuyến - Ảnh: The New York Times

Kết quả của phiên tòa có thể định hình lại cách người tiêu dùng chia sẻ thông tin trực tuyến - Ảnh: The New York Times

"Không có ý định dừng lại"

Ngành công nghệ sẽ dõi theo sát sao vụ kiện Meta Platforms, một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Tổng thống Trump sẽ mạnh tay như thế nào trong việc kiểm soát các hãng công nghệ lớn. Vụ kiện này bắt đầu dưới nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump, trước khi được chuyển giao vào năm 2021 cho Chủ tịch FTC là Lina Khan — người được cựu Tổng thống Biden bổ nhiệm và thu hút sự chú ý vì nỗ lực phá vỡ tình trạng độc quyền công nghệ.

Hiện Andrew Ferguson, được Tổng thống Trump đề cử làm lãnh đạo FTC, đã tiếp quản vai trò này. Andrew Ferguson từng cảnh báo về quyền lực tập trung quá lớn của Meta Platforms, đồng thời cũng chia sẻ quan điểm với nhiều đảng viên Cộng hòa rằng các nền tảng công nghệ đã kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là tiếng nói bảo thủ.

“Chúng tôi không có ý định dừng lại”, Andrew Ferguson nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg News vào tháng 3.

Với Meta Platforms, ngay cả ý tưởng bị buộc phải tách Instagram và WhatsApp cũng là điều đáng lo ngại. Công ty đã mua Instagram với giá 1 tỉ USD vào năm 2012 và WhatsApp với giá 19 tỉ USD trong năm 2014. Khi đó, các ứng dụng này còn nhỏ. Instagram chỉ có 30 triệu người dùng và 13 nhân viên, trong khi WhatsApp có 450 triệu người dùng và 50 nhân viên. Kể từ đó, cả hai đã trở thành những phần quan trọng với Meta Platforms, có tốc độ tăng trưởng và mức độ tương tác của người dùng còn vượt cả Facebook.

Phiên tòa dự kiến sẽ có khoảng 7 giờ làm chứng của Mark Zuckerberg (nhân chứng chính của vụ kiện) cùng cựu giám đốc vận hành Meta Platforms - Sheryl Sandberg và nhà sáng lập Instagram, WhatsApp.

Meta Platforms có đội ngũ luật sư đắt giá và giàu kinh nghiệm nhất để bào chữa, do Mark C. Hansen (đối tác tại công ty luật Kellogg, Hansen, Todd, Figel & Frederick) dẫn đầu. Meta Platforms dự định lập luận rằng sự phát triển nhanh chóng của nền tảng chia sẻ video TikTok nói riêng cho thấy thị trường đang có sự cạnh tranh lành mạnh.

“Chúng tôi tin rằng các bằng chứng tại phiên tòa sẽ cho thấy việc mua lại Instagram, WhatsApp là có lợi cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh. FTC đang sai lầm khi tiếp tục muốn xem lại các thương vụ đã được phê duyệt từ nhiều năm trước, và rằng các doanh nghiệp có thể bị trừng phạt vì đổi mới sáng tạo”, Chris Sgro, phát ngôn viên Meta Platforms, cho hay.

Mark Zuckerberg sẽ là nhân chứng chính trong phiên tòa sắp tới - Ảnh: The New York Times

Mark Zuckerberg sẽ là nhân chứng chính trong phiên tòa sắp tới - Ảnh: The New York Times

FTC lần đầu tiên khởi kiện Meta Platforms vào tháng 12.2020, cùng với một vụ kiện tương tự do 46 bang ở Mỹ cùng đệ trình. Lập luận pháp lý của FTC dựa vào Điều 2 thuộc Đạo luật Chống Độc quyền Sherman năm 1890, quy định rằng việc duy trì độc quyền bằng cách sử dụng các hành vi phi cạnh tranh là bất hợp pháp. Trong trường hợp này là mua lại các công ty với giá cao như một chiến lược để loại bỏ họ khỏi thị trường cạnh tranh.

Để hỗ trợ lập luận, FTC dự kiến trình bày một email từ năm 2008 của Mark Zuckerberg với nội dung: “Mua lại tốt hơn là cạnh tranh”, cùng một bản ghi chú năm 2012 do ông viết, trong đó nói rằng động cơ mua Instagram là "để vô hiệu hóa một đối thủ tiềm năng”.

Thẩm phán James Boasberg, người từng tham gia vào cuộc chiến pháp lý gay gắt với chính quyền Trump về việc sử dụng một đạo luật thời chiến mạnh mẽ để trục xuất ngay lập tức những người di cư Venezuela, sẽ đưa ra phán quyết trong vụ kiện này. Trong một buổi hướng dẫn trước phiên tòa gần đây, James Boasberg nói ông chưa bao giờ có tài khoản Facebook hoặc Instagram cá nhân.

James Boasberg đã bác bỏ đơn kiện ban đầu của FTC vào tháng 6.2021, cho rằng cơ quan này cần đưa ra định nghĩa rõ ràng hơn về thị trường mạng xã hội và cách Meta Platforms chiếm lĩnh thị trường này. Ông chấp nhận phiên bản đơn kiện sửa đổi vào tháng 1.2022, nhưng cảnh báo rằng đây không phải là vụ dễ thắng.

Trong một phán quyết bác bỏ yêu cầu của Meta Platforms nhằm đình chỉ vụ kiện vào năm ngoái, James Boasberg cho biết FTC “đang đối mặt với những câu hỏi hóc búa về việc liệu các lập luận của họ có đứng vững được ở môi trường thử thách khắc nghiệt của phiên tòa hay không”.

“Thực tế, lập trường của FTC đôi khi khiến hệ thống luật chống độc quyền đang cũ kỹ ở đất nước này bị đẩy đến giới hạn”, ông nói thêm.

Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định đây là vụ kiện khó chứng minh vì phụ thuộc vào việc xác định ý định của các giám đốc từ hơn một thập kỷ trước, trong thời kỳ internet hoàn toàn khác. Các thương vụ khi đó đều đã được các cơ quan quản lý phê duyệt, và nhiều năm tích hợp giữa các ứng dụng (Facebook, Instagram, WhatsApp) khiến chúng chia sẻ cùng hệ thống nội bộ lẫn dữ liệu, thế nên việc chia tách sẽ trở nên phức tạp.

“Vụ kiện này giống như yêu cầu một thẩm phán xác định liệu Meta đã cố tình tiêu diệt sự cạnh tranh, hay chỉ đơn giản là may mắn và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Nó dựa trên giả định phản thực tế mà chúng ta không thể biết chắc”, Jennifer Huddleston, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Cato (tổ chức tư vấn chính sách), nhận định.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chinh-phu-my-thach-thuc-su-thong-tri-mang-xa-hoi-cua-meta-lien-quan-viec-mua-lai-instagram-whatsapp-231514.html
Zalo