An ninh siết chặt tại Rome trước tang lễ Giáo hoàng Francis
Từ các cuộc tuần tra trên sông Tiber đến máy bay không người lái giám sát và lính bắn tỉa quanh Quảng trường Thánh Peter, Rome đang dựng một lá chắn an ninh hiện đại để đảm bảo an toàn cho đám đông dự tang lễ Giáo hoàng Francis.

Một chiếc trực thăng cảnh sát bay phía trên mái vòm của Vương cung thánh đường Thánh Peter. (Ảnh: Reuters)
Công ty vận tải công cộng Rome cho biết, dự kiến sẽ có hơn 200.000 người tham dự tang lễ Giáo hoàng Francis, diễn ra ngày 26/4 tại quảng trường rộng lớn nằm trước Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Trong số đó sẽ có hàng chục lãnh đạo thế giới - bao gồm các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thành viên hoàng gia từ Tây Ban Nha, Thụy Điển và Bỉ.
"Vấn đề phức tạp nhất là sự xuất hiện của nhiều chức sắc từ khắp nơi trên thế giới, những người sẽ tụ họp tại Rome để tham dự sự kiện", cảnh sát trưởng Rome, Roberto Massucci, trả lời đài phát thanh RTL 102.5.
Khoảng 2.000 cảnh sát địa phương sẽ được huy động làm nhiệm vụ, cùng hàng nghìn cảnh sát khác từ lực lượng an ninh quốc gia. Các biện pháp an ninh sẽ bao gồm tuần tra trên sông Tiber, triển khai máy bay không người lái, thiết bị quân đội để vô hiệu hóa các vật thể bay, và lính bắn tỉa, một nguồn tin cảnh sát tiết lộ với Reuters.
Các tuyến đường xung quanh Vatican sẽ bị phong tỏa. Cơ quan chức năng đang đánh giá tuyến đường phù hợp nhất cho đoàn rước đưa linh cữu giáo hoàng từ lễ tang đến nơi chôn cất tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.

Cảnh sát kiểm tra tư trang người dân trên con đường dẫn đến Quảng trường Thánh Peter. (Ảnh: Reuters)
Giáo hoàng Francis qua đời ngày 21/4 ở tuổi 88. Hàng chục nghìn người vào viếng giáo hoàng kể từ khi linh cữu của ông được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Peter. Các nhân viên an ninh đã tuần tra liên tục trên Quảng trường Thánh Peter để đảm bảo an ninh.
Fabio Ciciliano, người đứng đầu Cục Bảo vệ Dân sự quốc gia, cho biết những người muốn tiễn đưa giáo hoàng lần cuối có thể tập trung không chỉ ở Quảng trường Thánh Peter mà còn dọc theo quãng đường 4 km giữa Vatican với Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, phía bên kia sông Tiber.

Linh cữu Giáo hoàng Francis. (Ảnh: Reuters)
Cơ quan chức năng đã công bố vùng cấm bay ở Rome trong tuần này, đồng thời phải đón các máy bay liên tục hạ cánh tại các sân bay của thủ đô để phục vụ sự kiện.
"Một số phái đoàn sẽ muốn ở lại Rome một thời gian. Những người khác sẽ rời đi ngay sau lễ tang", Ciciliano cho biết, nhấn mạnh sự khó khăn khi phải xử lý quá nhiều lượt đến và đi.
Ông thông báo sân bay quân sự Pratica di Mare, phía nam Rome, sẽ là sân bay dự phòng cho hai sân bay thành phố Fiumicino và Ciampino trong trường hợp cần thiết.
Công ty đường sắt quốc gia sẽ bổ sung thêm khoảng 260.000 chỗ ngồi trên các chuyến tàu đến Rome.
Những người đổ về Rome có thể sẽ chưa rời đi sau lễ tang, mà ở lại chờ kết quả của mật nghị hồng y bầu ra giáo hoàng mới. Dự kiến, quá trình này sẽ không bắt đầu trước ngày 6/5.