Chính quyền Trump 'quay xe' về chủ quyền Crimea, Ukraine vạch lằn ranh đỏ
Bán đảo Crimea đang nằm ở trung tâm của cuộc chiến lớn nhất châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Khi cả Nga và Ukraine đều từ chối nhượng bộ vùng lãnh thổ này, nhiều nhà quan sát đã có những ý kiến trái chiều về tương lai của Crimea.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này từ năm 2014. Nhưng Ukraine và phương Tây chưa bao giờ công nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với khu vực này. Hiện tại, Crimea đã trở thành trọng tâm chính trong các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine. Đối với Nga, Crimea là biểu tượng của sự thành công, đồng thời là khu vực quan trọng giúp Moscow mở rộng chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong khi đó, Ukraine coi đây là vấn đề chủ quyền và sự sống còn của đất nước.

Một cuộc tấn công của Ukraine vào cầu Crimea. Ảnh: Reuters
Ukraine vạch rõ lằn ranh đỏ
Khi chính quyền Tổng thống Trump đề xuất một kế hoạch hòa bình công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea. Ukraine đã đưa ra phản ứng cứng rắn. Phát biểu với báo chí, Tổng thống Zelensky cho biết: “Điều đó sẽ vi phạm Hiến pháp Ukraine. Việc Kiev công nhận Crimea là một phần của Nga sẽ không bao giờ xảy ra, dù Moscow muốn đánh đổi bằng việc chấm dứt cuộc chiến ác liệt chủ yếu ở xa vùng lãnh thổ này”. Tuyên bố của Tổng thống Zelensky cho thấy ông vẫn giữ nguyên lằn ranh đỏ này bất chấp việc phải đối mặt với thực tế chính trị khắc nghiệt.
Tổng thống Trump bày tỏ sự bối rối và thất vọng trước phản ứng của ông Zelensky hôm 23/4. Trong bài viết trên mạng xã hội ông cho rằng Ukraine đã mất Crimea “từ nhiều năm trước”, đồng thời ám chỉ rằng nhà lãnh đạo Ukraine đang kéo dài xung đột vì “một giấc mơ viển vông”.
Bên trong Ukraine, các chính trị gia coi việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea sẽ là sự nhượng bộ nguy hiểm.
“Không có một chính trị gia Ukraine nào bỏ phiếu hợp pháp hóa việc từ bỏ các vùng lãnh thổ của Ukraine bị chiếm giữ. Đối với các thành viên của Quốc hội, điều đó còn tệ hơn việc chấm dứt sự nghiệp chính trị”, ông Kostyantyn Yeliseyev, cựu phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, một quan chức quân sự cấp cao của Nga sau đó tuyên bố, việc bảo đảm một hành lang trên bộ từ Nga đến Crimea bằng cách giành quyền kiểm soát các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine là một trong những mục tiêu chính của Điện Kremlin trong chiến dịch này.
Trước khi xung đột xảy ra, Tổng thống Zelensky đã tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để giành lại Crimea, nhưng sau khi quân đội Nga tràn qua biên giới, Kiev bắt đầu công khai cân nhắc việc giành lại bán đảo bằng vũ lực.
Bán đảo này nhanh chóng trở thành chiến địa nóng bỏng, khi Ukraine tiến hành các cuộc không kích và sử dụng ồ ạt phương tiện không người lái để làm suy yếu sự kiểm soát của Nga. Các cuộc tấn công này nhắm vào căn cứ và tài sản của Hạm đội Biển Đen cũng như các kho đạn dược, sân bay, cầu Kerch nối Crimea với Nga.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tuần này cho biết, Washington "đã đưa ra một đề xuất rất rõ ràng cho cả Nga và Ukraine. Đã đến lúc hai bên phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình hoặc Mỹ sẽ từ bỏ tiến trình này.
Phát biểu với báo chí trong chuyến thăm Ấn Độ, ông Vance khẳng định, đây là "một đề xuất rất công bằng" sẽ "đóng băng các ranh giới lãnh thổ ở một mức độ nào đó gần với vị trí hiện tại", mặc dù cả hai bên sẽ phải từ bỏ một số lãnh thổ mà họ đang nắm giữ.
Còn Tổng thống Trump nói rằng "không ai" yêu cầu Ukraine công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga.
Đàm phán có nguy cơ đổ vỡ vì Crimea
Vẫn chưa rõ Mỹ có ý định công nhận quyền kiểm soát của Nga với bán đảo Crimea hay không. Nếu chính quyền ông Trump làm như vậy thì điều này sẽ đảo ngược chính sách đối ngoại của chính họ trong nhiệm kỳ đầu. Vào năm 2017, Ngoại trưởng Rex Tillerson trong chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận việc Nga chiếm giữ và cố gắng sáp nhập Crimea".
Trong các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian, Ukraine đã hy vọng các bên sẽ không thảo luận về vấn đề kiểm soát Crimea. Thay vào đó, Kiev muốn tìm kiếm một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đóng băng xung đột dọc theo tuyến đầu, cũng như sự đảm bảo an ninh chống lại các cuộc tấn công mới của Nga chẳng hạn như triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine hoặc được nhận tư cách thành viên trong NATO. Với bước tiến hiện tại của Nga trên chiến trường, Ukraine thừa nhận các yếu tố trên có thể có lợi cho họ.
Nhưng chính quyền Tổng thống Trump đã bác bỏ cách tiếp cận đó trong tuần này. Đề xuất của Mỹ bao gồm việc chấp nhận quyền kiểm soát của Nga với bán đảo Crimea và lệnh cấm Ukraine gia nhập NATO. Đổi lại, các cuộc giao tranh sẽ bị dừng lại dọc theo tuyến đầu.
Các quan chức Ukraine cho biết, điều quan trọng hơn cả là phải xác định ranh giới ngừng bắn nằm ở vị trí nào, cũng như đảm bảo Moscow sẽ không lợi dụng lệnh ngừng bắn để tập hợp lại và chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới. Về phần mình, Nga cũng cảnh báo Ukraine có thể sử dụng lệnh ngừng bắn để tái vũ trang, nhưng Moscow phần lớn hoan nghênh đề xuất của Mỹ.
Tuy vậy, ông Mykhailo Samus, giám đốc Mạng lưới nghiên cứu địa chính trị mới tại Kiev lưu ý, các cuộc đàm phán hòa bình có nhiều khả năng đổ vỡ do vấn đề Crimea hơn là lệnh ngừng bắn ở tiền tuyến.
"Vấn đề Crimea là lý do chính khiến đàm phán có khả năng thất bại", ông Mykhailo Samus cảnh báo.