An ninh, an toàn mùa lễ hội - đến hẹn lại... lo

Cứ đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các địa phương trên khắp cả nước lại nô nức tổ chức các lễ hội. Tuy nhiên, đây cũng là lúc các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải trăn trở với bài toán làm sao để đảm bảo an ninh, an toàn cho mùa lễ hội.

Những ngày đầu Xuân, mỗi ngày có hàng ngàn người đổ về các lễ hội. Ảnh: Quốc Phong

Những ngày đầu Xuân, mỗi ngày có hàng ngàn người đổ về các lễ hội. Ảnh: Quốc Phong

1.001 vấn nạn

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện, cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó, 7.039 lễ hội dân gian, 322 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 64 lễ hội văn hóa du lịch, ngày hội văn hóa. Như vậy, trung bình một ngày, cả nước diễn ra 22 lễ hội, ấy vậy mà lễ hội nào cũng nhộn nhịp, đông vui, nhất là những lễ hội trong tháng Giêng hằng năm, thường được cho là "tháng ăn chơi". Tuy nhiên, với số lượng lễ hội nhiều như vậy, lại tập trung chủ yếu vào mùa Xuân, thì khó tránh khỏi các biểu hiện tiêu cực, những vấn đề nổi cộm gây bức xúc.

Điều dễ nhận thấy nhất, là thời gian qua, do số lượng du khách tăng nhanh đến mức đột biến, nhất là ở những lễ hội lớn như Lễ hội Đền Trần (Nam Định), Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội chùa Yên Tử (Quảng Ninh), hội Lim (Bắc Ninh)... làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý, dẫn đến tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, gây ùn tắc giao thông, mất trật tự, văn minh lễ hội; tình trạng tư thương tự do nâng giá, ép giá các loại dịch vụ như: giá nhà trọ, gửi xe, ăn uống... làm phiền lòng và gây không ít bức xúc cho du khách. Rồi vấn nạn trộm cắp, móc túi, chèo kéo khách... diễn ra khá phổ biến. Một số lễ hội còn xuất hiện các hiện tượng cờ bạc trá hình dưới hình thức vui chơi có thưởng, mê tín dị đoan, ban hành một số ấn phẩm không được phép xuất bản đem bán cho khách du lịch chưa giảm ở một số lễ hội lớn.

Một số địa phương còn coi di tích, lễ hội là nguồn lợi của địa phương nên chỉ chú trọng tập trung khai thác giá trị kinh tế để thương mại hóa hoạt động lễ hội, cũng như biến lễ hội mang tính văn hóa thành các hoạt động mê tín dị đoan... làm phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội. Nhiều nơi lập quá nhiều bàn thờ, hòm công đức tại di tích, nhiều du khách đặt nhiều tiền lẻ lộn xộn ở mọi nơi mọi chỗ, làm mất đi sự trang nghiêm, thanh tịnh, gây phản cảm cho sinh hoạt lễ hội. Văn hóa giao tiếp ứng xử trong lễ hội và ý thức của du khách vẫn còn hạn chế, tình trạng xả rác tùy tiện, đốt vàng mã còn nhiều...

Thêm vào đó, các lễ hội thường tổ chức ngoài trời nên dịch vụ ăn uống cũng mang tính tạm bợ, chật chội, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu thu gom chất thải, điều kiện bảo quản, chế biến thực phẩm không an toàn. Môi trường ô nhiễm với khói bụi, ruồi muỗi... càng tăng độ mất an toàn cho thực phẩm đường phố.

Tăng cường quản lý Nhà nước về lễ hội

Để bảo đảm cho các lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 ở tất cả các địa phương trên cả nước diễn ra văn minh, an toàn và tiết kiệm, ngay từ đầu năm, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những chỉ đạo, yêu cầu đối với công tác quản lý và tổ chức tốt các lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025, cụ thể là phải tổ chức, thực hiện nghiêm công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định; bảo đảm tổ chức các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025 theo đúng quy định, bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân các địa phương.

Lễ hội Gò Đống Đa năm 2025 được tổ chức trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm. Ảnh: Quốc Phong

Lễ hội Gò Đống Đa năm 2025 được tổ chức trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm. Ảnh: Quốc Phong

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 5672/BVHTTDL-VP về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Tại công văn này, Bộ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp quản lý; các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở cần xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn sông nước đối với hoạt động lễ hội, thể thao, du lịch; đảm bảo hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí...

Về phía Cục Văn hóa cơ sở, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 26/12/2024, Cục Văn hóa cơ sở cũng đã khẩn trương ban hành Công văn số 1179/VHCS-NSVH gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể các biện pháp tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đồng thời, đối với địa phương có nhiều lễ hội tập trung đông người như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Phú Thọ, Cục Văn hóa cơ sở cũng đã ban hành các văn bản đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao của các địa phương tăng cường tổ chức các biện pháp quản lý Nhà nước về lễ hội.

Các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc

Trong mùa lễ hội năm nay, để thực hiện tốt nếp sống văn minh, các địa phương cần xác định rõ ràng, cụ thể về hướng phát triển, quy mô cũng như hình thức hoạt động... nhằm khuyến khích phục hồi và tổ chức các lễ hội, các trò chơi dân gian mang tính truyền thống, lành mạnh; đảm bảo không trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; không gây mất trật tự, an ninh xã hội; đặc biệt là không lợi dụng, dưới bất kỳ hình thức nào để thương mại hóa hoạt động lễ hội, cũng như biến lễ hội mang tính văn hóa thành các hoạt động mê tín dị đoan... Phải coi nội dung của hoạt động lễ hội là hoạt động văn hóa - du lịch; từ đó, thông qua du lịch để quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội cũng như giá trị văn hóa của các di tích vật thể hiện có; đồng thời khai thác phát huy các giá trị văn hóa lễ hội nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch ngày càng đông hơn, hoạt động du lịch sầm uất, phong phú và đa dạng hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và các tệ nạn xã hội, đồng thời, tích cực tuyên truyền, cảnh báo để người dân, du khách nâng cao ý thức, văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường..., góp phần bảo đảm trật tự, văn minh, an toàn cho chính mình và mọi người trong lễ hội. Đây vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp, nhằm làm cho lễ hội phát triển đúng hướng, tạo ra nét đẹp văn hóa lễ hội cho hiện tại và tương lai, phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới.

Quốc Phong

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/an-ninh-an-toan-mua-le-hoi-den-hen-lai-lo-post486508.html
Zalo