Ăn ngon và sạch: Chuyện tưởng dễ mà khó

Thời nay đi chợ mua thực phẩm hay vào các quán xá mọi người chọn theo tiêu chí đồ ăn ngon. Nhưng ăn ngon liệu đã đủ? Với hàng loạt các vụ việc thực phẩm bẩn bị phát hiện, mọi người lại thêm giật mình về chữ 'sạch' của những thực phẩm mà mình ăn mỗi ngày.

"Ăn sạch" vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, nhưng đa số mọi người chỉ dừng lại ở việc nhìn món ăn có đẹp mắt không, quán ăn có sạch sẽ không, hay nhân viên có đeo găng tay khi chế biến không… Nhưng những yếu tố quan trọng hơn như: nguyên liệu có được bảo quản đúng cách không, thực phẩm có còn tươi hay đã hết hạn, gia vị có bị lạm dụng hóa chất hay không,... thì gần như không ai kiểm tra được.

Cuối cùng, cái người tiêu dùng cảm nhận chỉ là: Ăn thấy ngon miệng, về nhà không bị đau bụng, vậy là ổn.

“Ăn ngon và sạch” - nhìn tưởng như đơn giản, nhưng lại vô cùng phức tạp. Đôi khi, cái “sạch” mà chúng ta thấy chỉ là “sạch bên ngoài”, mà bên trong có thể còn nhiều điều không ai biết.

Đồ ăn nhìn ngon mà chưa chắc đã sạch

Trên phố Phủ Doãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tại hàng chục cửa hàng ăn dành cho bệnh nhân, thịt, rau không được che chắn, bảo quản trong nhiệt độ phù hợp; dụng cụ ăn uống được phơi ngoài đường, với nhiều ruồi muỗi vây quanh.

Tình trạng này vẫn đang diễn ra tại những con phố tại trung tâm Hà Nội. Xiên bẩn - món ăn đường phố được học sinh yêu thích bởi tiêu chí rẻ, dễ ăn, phù hợp với điều kiện của học sinh, nhưng chưa chắc đã đảm bảo được về an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồi, chuyên viên Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cho biết: "Đối với các sản phẩm thức ăn đường phố, trong quy định yêu cầu về điều kiện vệ sinh bắt buộc phải được che đậy và phải sử dụng nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, vẫn còn hạn sử dụng".

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã kiểm tra đột xuất và phát hiện 6 mặt hàng thực phẩm hết hạn sử dụng tại kho của Bếp Lang Liêu (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).

Bất chấp vì lợi nhuận, một số cơ sở kinh doanh vẫn nhập và tiêu thụ hàng trăm cân thực phẩm hết hạn, bốc mùi, không còn sử dụng được để về sơ chế lại và bán cho các nhà hàng ăn uống.

Cuối tháng 4, phòng Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 10 tấn nội tạng bò có dấu hiệu hư hỏng bên trong 3 kho lạnh ở huyện Phú Xuyên. Ông Nguyễn Đình Chiểu (huyện Phú Xuyên), chủ số hàng này thừa nhận: "Tôi thu mua số hàng này trôi nổi, sau đó về bán dần cho các tiểu thương. Dù tôi cũng không biết hàng hóa có vệ sinh hay không nhưng tôi vẫn nhập về bán".

Ngày 6/5, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội QLTT số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện 2.560 kg trứng non, 200 kg trứng gà, 3.050 kg nầm heo, 1.200 kg tràng lợn (khoảng hơn 7 tấn) là thực phẩm đông lạnh chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tại điểm tập kết, kinh doanh thực phẩm có địa chỉ tại Km12, đường Ngọc Hồi (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Nếu không kịp thời bị bắt giữ, số lượng thực phẩm bẩn đang bốc mùi này sẽ được tuồn vào hàng trăm quán ăn để phục vụ người dân.

Nạn nhân của thực phẩm bẩn, có thể là bất kì ai. Bởi thực khách không truy xuất được nguồn gốc của thực phẩm, mà chỉ căn cứ vào giá tiền, mùi vị và sự hấp dẫn của các loại gia vị và sơ chế, để che lấp sự thật về các loại thực phẩm kém chất lượng.

Ăn uống lành mạnh là tôn trọng cơ thể

Không phải món ăn nào ngon miệng cũng tốt cho cơ thể và không phải sự tiện lợi nào cũng đồng nghĩa với an toàn. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh táo, sáng suốt khi lựa chọn thực phẩm và xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Ăn uống lành mạnh không phải là sự hy sinh mà chính là sự đầu tư cho một cơ thể khỏe mạnh, cho một tương lai lâu dài đầy năng lượng và hạnh phúc.

Mỗi lựa chọn của chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà còn góp phần tạo nên một cộng đồng khỏe mạnh hơn. Vậy nên, hãy để những món ăn lành mạnh trở thành lựa chọn hàng đầu trong mỗi bữa ăn của chúng ta, để không chỉ tôn trọng cơ thể mà còn bảo vệ sức khỏe và duy trì một cuộc sống chất lượng hơn.

Chế độ và thói quen ăn uống quyết định rất nhiều tới sức khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng, đó là tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì. Việc dùng thực phẩm không an toàn, sẽ đưa các chất gây hại cho sức khỏe vào bên trong cơ thể nhanh nhất.

TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết: "Chế độ ăn có thể làm tăng cholesterol xấu, tăng nguy cơ tim mạch. Việc ăn nhiều muối gia tăng bệnh huyết áp. Chế độ ăn lành mạnh phòng ngừa bệnh mãn tính, làm giảm đi mức độ trầm trọng của bệnh. Do vậy, hiểu biết về chế độ ăn lành mạnh giúp sức khỏe chúng ta được đảm bảo hơn. Trong bối cảnh thực phẩm bẩn khó kiểm soát, chúng ta nên chọn lựa thực phẩm dinh dưỡng cao, ở những cơ sở uy tín, phải có kiến thức về bảo quản, chế biến thực phẩm, tham khảo kiến thức dinh dưỡng ở những kênh uy tín, chính thống".

Thay vì lựa chọn những món ăn ngon nhưng có thể chứa các thành phần gây hại cho sức khỏe, nhiều người dân bắt đầu thực hành chế độ ăn uống lành mạnh hơn với mong muốn nâng cao sức khỏe. Việc ăn uống lành mạnh không nhất thiết phải là từ bỏ tất cả các thói quen xấu ngay lập tức mà bạn nên bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/an-ngon-va-sach-chuyen-tuong-de-ma-kho-328629.htm
Zalo