An Giang: Dân vận khéo – cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân
Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh An Giangluôn quan tâm lãnh, chỉ đạo công tác dân vận, phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua 'Dân vận khéo' và 'Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới (NTM)', phát huy vai trò của Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), xây dựng Đảng và chính quyền.
Nhiều mô hình “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, những năm qua, Đảng bộ tỉnh lãnh, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Dân vận khéo” trong phát triển KTXH, đảm bảo an sinh xã hội.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Võ Nguyên Nam cho biết, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”, nhất là xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình trên các lĩnh vực được cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng quan tâm, triển khai nghiêm túc, sâu rộng, đi vào đời sống xã hội.
Năm 2021 - 2022, toàn tỉnh có 9.944 mô hình của tập thể, cá nhân đăng ký ở 2 nhóm danh hiệu “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”; thực hiện 8.926 mô hình. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, có 2.386 tập thể, cá nhân đăng ký ở 2 nhóm danh hiệu trên cả 4 lĩnh vực (kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh), 290 mô hình đăng ký “Dân vận khéo trong xây dựng NTM nâng cao”.
Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang vận động xây dựng 40 căn nhà “Nghĩa tình Dân vận” (gần 2,5 tỷ đồng), góp phần cùng địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KTXH, quốc phòng - an ninh và các chương trình mục tiêu quốc gia.
“Dân vận khéo” trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị được thể hiện thông qua các hoạt động: Giám sát về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt duy trì tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với đại diện Nhân dân.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Châu Đốc Đinh Văn Bảo cho biết: “Thời gian qua, địa phương tăng cường tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Qua đó, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của người dân, có giải pháp tháo gỡ kịp thời, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đánh giá cao và ghi nhận kết quả trong công tác dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển KTXH của tỉnh. Đồng chí Lê Văn Nưng đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, ban dân vận cấp ủy tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp sự phát triển của tỉnh, địa phương theo phương châm “Đổi mới trong cách nghĩ, sáng tạo trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp”, “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp và giải quyết kịp thời yêu cầu chính đáng của Nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền…
Công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân TP. Châu Đốc được quan tâm, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững. Từ năm 2020 đến giữa năm 2023, Quỹ Vì người nghèo thành phố vận động trên 52,6 tỷ đồng, chi gần 45 tỷ đồng; cất mới, sửa chữa 349 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá trên 14 tỷ đồng; hỗ trợ 51.570 học sinh khó khăn, hỗ trợ khám, chữa bệnh, trợ giúp khó khăn đột xuất cho 15.600 lượt người, tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng; thực hiện các công trình an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 trị giá trên 18 tỷ đồng.
“Dân vận khéo”còn nhận được sự chung tay góp sức của doanh nghiệp. Ông Tạ Minh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Qua tuyên truyền của cấp ủy Đảng, chính quyền, tôi ý thức phải góp sức, đồng hành với cấp ủy Đảng, chính quyền trong phát triển KTXH, chăm lo an sinh xã hội tại địa phương”.
Năm 2021, Siêu thị Tứ Sơn hỗ trợ Quỹ Vaccine phòng COVID-19 của tỉnh và TP. Châu Đốc gần 150 triệu đồng; đồng hành với UBMTTQVN tỉnh hỗ trợ hàng hóa thiết yếu (hơn 200 triệu đồng); cung cấp nhu yếu phẩm cho TX. Tịnh Biên, Tân Châu, huyện An Phú, Châu Phú chăm lo cho người dân trong đợt dịch COVID-19; hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ trực chốt biên giới... Từ năm 2012 - 2022, Siêu thị Tứ Sơn dành riêng kinh phí 2 tỷ đồng/năm cho công tác an sinh xã hội. Năm 2023, đơn vị tặng hàng trăm phần quà Tết cho người nghèo, khó khăn trên địa bàn thành phố…
“Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”
“Xác định “dân vận khéo” là một trong những yếu tố mang lại thành công trong xây dựng NTM, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp luôn nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng “gần dân, sát dân, lắng nghe dân”, nắm bắt và có biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM” - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Nguyên Nam cho biết.
Nhiều địa phương, đơn vị triển khai “dân vận khéo” theo cách thức phù hợp thực tế. Từ năm 2020 đến cuối năm 2022, toàn huyện Chợ Mới có 1.012 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo xây dựng NTM” được triển khai, thực hiện và đạt nhiều kết quả.
"Doanh nghiệp, nhà hảo tâm và Nhân dân đóng góp trên 344 tỷ đồng để xây dựng cầu bê-tông, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây nhà ở cho người nghèo, mua xe cứu thương chuyển bệnh miễn phí, xây dựng hệ thống đèn đường giao thông nông thôn… và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác” - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Chợ Mới Huỳnh Văn Sáu chia sẻ.
Xã Hòa Bình cách trung tâm huyện Chợ Mới 24km, có gần 5.000 hộ dân. Cái khó lớn nhất trong xây dựng NTM của xã là công tác xóa nhà tre lá cho hộ nghèo. Để thực hiện được, cần số tiền lớn, rất khó vận động, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Từ sự nỗ lực vận động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang tài trợ 3 tỷ đồng cho xã xây dựng 60 căn nhà Đại đoàn kết. Chủ tịch Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang Trần Văn Lắm cho biết, công ty chia sẻ cùng địa phương, góp phần chăm lo nhà ở cho hộ nghèo. Qua đó, mong muốn bà con có được mái ấm khang trang để vươn lên thoát nghèo.
Được hỗ trợ xây nhà mới, ông Nguyễn Tấn Đảm (ngụ ấp An Lương) rươm rướm nước mắt: “Hơn nửa đời người mưu sinh đủ nghề, gần 20 năm tôi tá túc trong căn nhà bằng tre, lá đã xuống cấp mà không có tiền sửa chữa. Mỗi khi trời mưa gió, vợ chồng tôi phải thức suốt đêm để chống dột, chằng néo nhà cửa, chờ đợi cho luồng gió qua đi. Căn nhà mới giúp hiện thực hóa ước mơ an cư của gia đình. Tôi rất biết ơn lãnh đạo địa phương và nhà tài trợ”.
Ông Nguyễn Văn Khoa (nông dân ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Hội Đông) chia sẻ: “Khi chính quyền địa phương phát động xây dựng NTM, nhận thức rõ mình là người hưởng lợi đầu tiên trong xây dựng NTM nên bà con chúng tôi ý thức giữ gìn, tạo cảnh quan môi trường thông thoáng. Bộ mặt NTM ngày càng khởi sắc, người dân được hưởng lợi từ các công trình cầu, đường xây dựng mới, kinh tế cũng phát triển hơn”.
Bà Nguyễn Thị Bé (ngụ xã Nhơn Mỹ) phấn khởi: “Chủ trương xây dựng NTM được sự đồng thuận rất cao. Nhiều tuyến đường ra đồng lầy lội sình bùn trước kia được thay bằng đường nhựa, bê-tông, xe 4 bánh có thể chạy bon bon, vận chuyển nông sản dễ dàng, người dân rất vui”.
Là huyện biên giới, công tác “Dân vận khéo xây dựng NTM” trên địa bàn huyện An Phú được các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh, chỉ đạo triển khai với phương châm “gần dân, sát dân, hướng về cơ sở”, vì dân, chăm lo cho dân.
Theo Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức, nhằm hỗ trợ người dân “an cư lạc nghiệp”, huyện tăng cường vận động nhà hảo tâm hỗ trợ khu nhà Đại đoàn kết ở các địa phương: Xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Trường, Vĩnh Hội Đông, thị trấn An Phú, thị trấn Đa Phước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. “Dân vận khéo” chính là sự đổi mới về phương thức, nội dung hoạt động công tác dân vận của Đảng nhằm khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Thay vào đó là mô hình cụ thể, có địa chỉ và cách làm cụ thể, mang lại thiết thực cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tập hợp rộng rãi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia phát triển KTXH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
thời gian tới, toàn tỉnh, nhất là ban dân vận các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị là một cán bộ làm công tác dân vận một cách tích cực, hiệu quả. Công tác vận động, tuyên truyền được thực hiện bằng cách thức phù hợp, hiệu quả, mang lại thu nhập kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giải quyết lợi ích thiết thân của Nhân dân. Từ đó, đưa phong trào “Dân vận khéo” dần trở thành phương thức quan trọng trong vận động Nhân dân; góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết Nhân dân.