Ấn Độ xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm có ảnh hưởng đến Việt Nam?
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA) vừa kêu gọi chính phủ nước này dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm sau khi lượng tồn kho tăng vọt, gấp gần 9 lần mục tiêu đề ra. Nếu được chấp thuận, động thái này có thể giúp giải phóng nguồn cung lớn ra thị trường toàn cầu, đặc biệt là các nước châu Phi và nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, ethanol ở châu Á.
Với vụ mùa bội thu gần đây, chính phủ Ấn Độ đang chịu áp lực phải tháo gỡ các hạn chế thương mại để giảm bớt lượng dư thừa trong kho. Dữ liệu của Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI) cho thấy tính đến ngày 1/2, tổng dự trữ gạo (bao gồm cả lúa chưa xay xát) đã lên tới 67,6 triệu tấn – cao gấp gần 9 lần mục tiêu dự trữ chỉ 7,6 triệu tấn của chính phủ. Trong đó, lượng gạo tấm tồn kho quá lớn đã khiến Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA) yêu cầu chính phủ nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu loại gạo này để giảm áp lực kho bãi.
Ấn Độ dư thừa lượng lớn gạo tấm
Chủ tịch REA, ông BV Krishna Rao, cho rằng với nguồn cung dồi dào như hiện tại, việc tiếp tục cấm xuất khẩu gạo tấm là không cần thiết. Ông nhấn mạnh: "Chính phủ có nhiều gạo hơn mức cần thiết, và không có vấn đề gì về nguồn cung. Vì vậy, họ nên cho phép xuất khẩu gạo 100% tấm ngay lập tức." REA đã gửi đề xuất chính thức lên Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Sự cạnh tranh từ gạo tấm Ấn Độ có thể khiến giá gạo Việt tiếp tục chịu áp lực giảm.
Trước đó, vào tháng 9/2022, Ấn Độ đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm nhằm đảm bảo an ninh lương thực nội địa. Đến năm 2023, nước này tiếp tục áp dụng hạn chế đối với tất cả các loại gạo khác do lo ngại sản lượng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, sau khi đạt được vụ mùa kỷ lục gần đây, Ấn Độ đã nới lỏng hầu hết các hạn chế xuất khẩu – ngoại trừ gạo 100% tấm.
Ông Himanshu Agrawal, Giám đốc điều hành Satyam Balajee – một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Ấn Độ, cũng đồng quan điểm với REA. Ông cho rằng chính phủ đã cho phép FCI bán gạo dư thừa để sản xuất ethanol trong nước, nên cũng cần mở cửa xuất khẩu gạo tấm để giảm tồn kho.
Gạo tấm là sản phẩm phụ trong quá trình xay xát gạo nguyên liệu, có giá thành thấp hơn các loại gạo hạt dài tiêu chuẩn. Do đó, khi Ấn Độ xuất khẩu loại gạo này, các quốc gia nghèo tại châu Phi như Senegal, Djibouti sẽ được hưởng lợi do có thể nhập khẩu gạo giá rẻ hơn để làm thực phẩm.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường nhập khẩu chính của gạo tấm Ấn Độ, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Theo số liệu năm 2022, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 3,9 triệu tấn gạo tấm, phần lớn sang Trung Quốc và các nước châu Phi. Nếu lệnh cấm được dỡ bỏ, các ngành chăn nuôi và sản xuất ethanol tại châu Á cũng sẽ có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định hơn.
Tác động đến thị trường gạo Việt Nam
Nếu Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm, một lượng lớn gạo giá rẻ sẽ tràn vào thị trường, tạo áp lực lên các quốc gia xuất khẩu gạo khác, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm sâu, duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn – thấp nhất trong nhóm bốn nước xuất khẩu lớn (Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Việt Nam). Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 18/2, giá gạo 5% tấm chỉ còn 395 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 372 USD/tấn, còn gạo 100% tấm xuống chỉ còn 310 USD/tấn.
Sự cạnh tranh từ gạo tấm Ấn Độ có thể khiến giá gạo Việt tiếp tục chịu áp lực giảm, đặc biệt trong phân khúc thị trường châu Phi – nơi lâu nay Việt Nam vẫn có thị phần nhất định.
Theo giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Đông phân tích: "Khi Ấn Độ xuất khẩu trở lại, giá gạo tấm toàn cầu sẽ giảm sâu hơn nữa, và điều này có thể khiến gạo xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn trong việc duy trì mức giá cạnh tranh."
Nếu Ấn Độ chính thức nối lại xuất khẩu gạo 100% tấm, thị trường có thể chứng kiến đợt giảm giá mạnh hơn trong thời gian tới. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới hoặc tập trung vào phân khúc gạo chất lượng cao để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, thay vì cạnh tranh trong phân khúc gạo giá rẻ, Việt Nam nên tập trung vào các dòng gạo thơm, gạo hữu cơ và gạo đặc sản như ST25 để tiếp cận thị trường cao cấp hơn.
Ngoài các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng sang các khu vực mới, đặc biệt là châu Âu, Trung Đông – những nơi có nhu cầu tiêu thụ gạo cao cấp ổn định. Việc cải thiện logistics, giảm chi phí trung gian có thể giúp hạ giá thành sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Thay vì chỉ xuất khẩu gạo thô, ngành gạo Việt có thể đẩy mạnh chế biến sản phẩm gạo giá trị gia tăng như bột gạo, mì gạo, snack từ gạo để đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng lợi nhuận.
Nhìn chung, nếu Ấn Độ quay trở lại xuất khẩu gạo tấm, thị trường gạo toàn cầu chắc chắn sẽ có nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, ngành gạo Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt để vừa duy trì thị phần, vừa đảm bảo lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp trong nước.