Ấn Độ - Pakistan sẽ không kích ăn miếng trả miếng?
Xung đột Ấn Độ - Pakistan lần này không chỉ đơn thuần là phản ứng đối với một vụ tấn công khủng bố đẫm máu mà còn là kết quả của những mâu thuẫn lịch sử sâu sắc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, và việc sử dụng các nhóm ủy nhiệm làm công cụ chiến lược. Thời gian tới, hai bên có thể có những hành động quân sự có kiểm soát, tương tự sau vụ không kích Balakot năm 2019.
Dù chiến tranh toàn diện không phải là điều tất yếu, nhưng sai lầm trong tính toán hoặc áp lực chính trị nội bộ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường nếu cộng đồng quốc tế không sớm can thiệp.

Một chiếc xe tải chở xe tăng của quân đội trên đường ở Muridke, Pakistan, ngày 7/5/2025. Ảnh: Getty Images.
Nguy cơ xung đột giới hạn trong ngắn hạn
Với việc cả Ấn Độ và Pakistan đã sử dụng vũ lực và công khai tuyên bố sẽ tiếp tục đáp trả, nguy cơ chiến tranh tổng lực là rất nghiêm trọng, dù khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn thấp. Hiệp định ngừng bắn năm 2021 gần như đã sụp đổ, và các vụ tấn công qua biên giới đang gia tăng.
Kịch bản có khả năng cao nhất trong ngắn hạn là xung đột giới hạn kiểu “ăn miếng trả miếng” tương tự sau vụ không kích Balakot năm 2019; mỗi bên sẽ muốn tránh leo thang vượt quá ngưỡng có thể kiểm soát hoặc gây ra phản ứng mạnh từ cộng đồng quốc tế.
Ngày 26/2/2019, Ấn Độ không kích một địa điểm gần Balakot, thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ tiến hành không kích sâu vào lãnh thổ Pakistan kể từ chiến tranh năm 1971, và là lần đầu máy bay chiến đấu vượt qua Đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) trong nhiều thập kỷ. Vụ việc đánh dấu một sự thay đổi trong học thuyết quân sự của Ấn Độ, thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong việc đối phó với khủng bố xuyên biên giới.
Cụ thể, mục tiêu bị tấn công được cho là trại huấn luyện khủng bố của nhóm Jaish-e-Mohammed (JeM) - tổ chức đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom liều chết ở Pulwama (Kashmir do Ấn Độ kiểm soát) trước đó 12 ngày (14/2/2019), khiến 40 dân quân Ấn Độ thiệt mạng.
Ấn Độ tuyên bố đây là cuộc tấn công “phòng ngừa” nhằm vào trại huấn luyện chính của JeM, và đã tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố. Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh họ đã tránh tấn công vào mục tiêu dân sự hoặc quân sự của Pakistan.
Pakistan phủ nhận có thiệt hại nhân mạng và tuyên bố các máy bay Ấn Độ đã không đánh trúng mục tiêu. Hôm sau (27/2/2019), Pakistan trả đũa bằng các cuộc không kích qua LoC và bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu MiG-21 của Ấn Độ. Phi công Ấn Độ, Abhinandan Varthaman, bị bắt giữ nhưng sau đó được thả như một cử chỉ thiện chí.
Vụ việc khiến căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân leo thang nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Liên Hợp Quốc, Mỹ, Trung Quốc… kêu gọi kiềm chế và hạ nhiệt căng thẳng.
So sánh: Balakot 2019 và Sindoor 2025


Các quan chức an ninh đứng gác khi xe cứu thương chở những người bị thương do vụ tấn công bằng tên lửa nghi là của Ấn Độ đến một bệnh viện ở Bahawalpur, Pakistan, ngày 7/5/2025. Ảnh: AP.
“Giải pháp quân sự không phải là giải pháp”
Liên Hợp Quốc, Mỹ, UAE… đang kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres lên án vụ tấn công hồi tháng 4 ở Kashmir và kêu gọi Ấn Độ và Pakistan “tránh một cuộc đối đầu quân sự có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát”.
“Đừng nhầm lẫn: Giải pháp quân sự không phải là giải pháp”, ông Guterres viết trong một bài đăng trên X, lưu ý rằng căng thẳng giữa hai nước láng giềng đang “ở mức cao nhất trong nhiều năm”.
Nếu có thêm thương vong dân sự, áp lực quốc tế sẽ tăng lên và có thể thúc đẩy vai trò hòa giải từ các bên thứ ba như Trung Quốc hoặc Nga.
Xung đột Ấn Độ-Pakistan lần này có thể dẫn đến tái định hình các liên minh. Trung Quốc khẳng định tiếp tục hậu thuẫn Pakistan, trong khi Ấn Độ tích cực vận động các nước lớn như Mỹ, Nga và thế giới Ảrập để nhận sự ủng hộ.
Cả hai bên có thể tăng cường quân sự hóa Kashmir, khiến tình hình càng thêm bất ổn.

Người dân địa phương và đại diện báo chí-truyền thông kiểm tra một tòa nhà bị hư hại do vụ tấn công bằng tên lửa nghi của Ấn Độ gần Muzaffarabad, thủ phủ của Kashmir do Pakistan kiểm soát, ngày 7/5/2025. Ảnh: AP.
Nguyên nhân xung đột
Vụ tấn công khủng bố ở Kashmir là nguyên nhân trực tiếp. Ngày 22/4/2025, các tay súng tấn công một điểm du lịch nổi tiếng ở Pahalgam, khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 26 dân thường thiệt mạng, gồm 25 người Ấn Độ và 1 người Nepal.
Ấn Độ cáo buộc các nhóm khủng bố có trụ sở tại Pakistan như Lashkar-e-Taiba (LeT) và Jaish-e-Mohammed (JeM) đứng sau vụ việc, dù chưa có nhóm nào chính thức nhận trách nhiệm.
Pakistan phủ nhận liên quan và kêu gọi một cuộc điều tra trung lập do quốc tế thực hiện.
Chiến dịch trả đũa của Ấn Độ mang tên “Sindoor”. Ấn Độ đã phát động các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào 9 mục tiêu trong lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, tuyên bố chỉ nhắm vào các cơ sở hạ tầng khủng bố.
Pakistan nói rằng, các cuộc không kích đã làm nhiều dân thường thiệt mạng, trong đó có trẻ em, đồng thời cáo buộc Ấn Độ đã tấn công các địa điểm dân sự và đền thờ, gọi đây là một “hành động chiến tranh trắng trợn”.
Kashmir chính là gốc rễ của mâu thuẫn kéo dài. Khu vực Kashmir là điểm nóng tranh chấp giữa hai nước kể từ sau Phân chia Ấn Độ-Pakistan năm 1947. Cả hai đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng lãnh thổ này.
Vụ không kích hôm 7/5 là cuộc tấn công sâu nhất của Ấn Độ vào lãnh thổ không tranh chấp của Pakistan kể từ chiến tranh 1971.
Một nguyên nhân khác dẫn tới vụ xung đột mới nhất là áp lực chính trị và chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chịu áp lực lớn từ công chúng và truyền thông sau vụ thảm sát ở Pahalgam. Dư luận và truyền thông theo khuynh hướng dân tộc cực đoan tại Ấn Độ liên tục kêu gọi trả đũa bằng vũ lực, củng cố hình ảnh mạnh tay của chính quyền Thủ tướng Modi.

Ảnh cắt từ video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy khoảnh khắc xảy ra cuộc tấn công ở Bahawalpur, miền đông Pakistan ngày 7/5/2025. Nguồn: X.
Pakistan phủ nhận việc hỗ trợ khủng bố và tuyên bố đã bắn rơi nhiều chiến đấu cơ của Ấn Độ cũng như một máy bay không người lái. Lãnh đạo Pakistan cam kết sẽ trả đũa tại thời điểm và cách thức mà họ lựa chọn, và thực tế đã có các cuộc pháo kích qua Đường Ranh giới Kiểm soát.