Ấn Độ mở khóa bán gạo ra thế giới, gạo Việt bị ảnh hưởng ngay lập tức

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tăng cung xuất khẩu gạo chất lượng cao như gạo thơm, gạo đặc sản có giá tốt

Sau hơn 1 năm cấm xuất khẩu một số loại gạo thì vừa qua, Ấn Độ đã quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng từ ngày 28-9, điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này ở mức 490 USD/tấn.

Gạo Ấn Độ quay trở lại thị trường thế giới đã ngay lập tức gây áp lực giảm giá lên các loại gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam và nhiều nước.

Gạo Việt rớt giá nhưng khách hàng vẫn chưa mua

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt cho biết, Ấn Độ mở cửa xuất khẩu khiến giá gạo trắng Việt Nam rớt giá mấy ngày nay, chỉ có gạo thơm là không giảm. Giá gạo trắng xuất khẩu giảm nhưng cũng không có khách hàng nước ngoài mua vì họ chờ đợi những động thái tiếp theo từ thị trường Ấn Độ để có mặt bằng giá mới.

“Giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 540-550 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo trắng Ấn Độ cùng loại có mức giá sàn khoảng 490 USD/tấn, cộng với thuế 10% nữa thì giá gạo nước này ở mức khoảng 530 USD/tấn. Như vậy giá gạo Ấn Độ đã gây áp lực rất lớn đến giá gạo các nước xuất khẩu nhất là Việt Nam”- ông Long nói.

Đặc biệt theo ông Long, loại gạo trắng IR50404 của Việt Nam sẽ bị áp lực giảm giá trong nước, tạo cơ hội cho các thương nhân nước ngoài mua gạo Việt Nam ép giá. Thái Lan cũng đang vào thu hoạch vụ 2 trong năm nên họ tìm cách bán ra để tránh tồn kho. Bên cạnh đó, giá gạo trắng của Pakistan khá rẻ chỉ 520 USD/tấn thấp hơn Việt Nam, lại có vị trí gần những thị trường như châu Phi, Trung Đông…

"Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long vào vụ 3, chất lượng gạo rất tốt vì vụ lúa này nước nhiều, phù sa nhiều. Như vậy nguồn cung sẽ nhiều chứ không ít. Hơn nữa, sau một thời gian dài ngừng xuất khẩu, lượng gạo tồn kho của Ấn Độ rất lớn, để giải quyết bài toán này, giá sàn của nước này có thể điều chỉnh giảm bất cứ lúc nào"- ông Long phân tích.

 Ngay sau khi Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới trong đó có gạo Việt Nam đã rớt giá. Ảnh: QH

Ngay sau khi Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới trong đó có gạo Việt Nam đã rớt giá. Ảnh: QH

Ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) cho biết, quan sát sát thị trường giá gạo thế giới cho thấy, sau khi Ấn Độ mở cửa cho thị trường gạo trắng non-basmati (gạo xát một phần hoặc xát toàn bộ, đã đánh bóng hoặc xát qua), giá gạo xuất khẩu cùng phân khúc của một số nước như Myanmar, Pakistan đã giảm nhẹ, trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân là do khi Ấn Độ mở cửa trở lại thì nguồn cung phong phú hơn, các nhà nhập khẩu cũng nhiều chọn lựa hơn, dẫn tới giá gạo giảm.

“Nếu để nhận định về xu hướng giá gạo Việt trong thời gian tới, tôi cho rằng sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên về mức độ ảnh hưởng ra sao tới giá gạo trong nước, theo tôi phải chờ ít nhất tới năm 2025 mới định hình được rõ ràng hơn.

Bởi lúc đó Ấn Độ đã có lượng gạo nhập kho mới để cung ứng ra thị trường, và Việt Nam cũng bắt đầu vào thu hoạch chính, từ đó sẽ hình thành mặt bằng giá thế giới mới”- ông Tâm chia sẻ.

Cơ hội từ gạo thơm

Khi Ấn Độ mở cửa xuất khẩu giá gạo trắng bị ảnh hưởng ngay lập tức vì loại gạo trắng thông dụng ở các nước xuất khẩu đều có nguồn cung lớn, nhưng giá gạo thơm không hề rớt giá.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, hiện giá gạo thơm trung bình từ 640 – 700USD/tấn như gạo Jasmine, Đài Thơm, OM4800. Riêng các loại gạo thơm đặc sản như ST24, ST25… nguồn cung không đủ xuất khẩu gạo.

Trong thời gian tới, khi thị trường Ấn Độ xuất khẩu bình thường, lượng gạo lớn của họ chào bán thì giá gạo xuất khẩu thế giới giảm là chuyện bình thường. Do đó, các doanh nghiệp gạo Việt Nam cần tính toán kỹ thị trường, tính toán tồn kho, không kỳ vọng quá. Còn nông dân khi giá có có lãi cứ bán, đừng trữ.

Các cơ quan quản lý ngành lúa gạo, hiệp hội cần theo dõi sát tình hình thị trường, cảnh báo sớm chứ không nên duy trì kiểu dự báo "kỳ vọng tăng giá" nữa.

Đặc biệt gạo Việt Nam cần cần duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng gạo xuất khẩu, tạo uy tín, giữ vững thị trường. Lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao chiếm hơn 75% cơ cấu gạo xuất khẩu, chứng tỏ gạo Việt Nam đang có thay đổi rõ rệt theo hướng bền vững, chất lượng cao.

 Việt Nam cạnh tranh bằng xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo thơm. Ảnh: QH

Việt Nam cạnh tranh bằng xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo thơm. Ảnh: QH

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cũng nhìn nhận, giá gạo thế giới bị ảnh hưởng một phần trước thông tin Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, nhất là phân khúc gạo cấp thấp.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đã cân đối nguồn cung gạo xuất khẩu, phân khúc gạo cấp thấp không nhiều, nước ta tập trung trồng gạo chất lượng cao để xuất khẩu.

Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam cũng bắt đầu chuyển sang ăn gạo cấp cao. Như Philippines cũng đã hiện nhập khẩu gạo phân khúc cao, chỉ có Indonesia vẫn nhập khẩu cả gạo thông thường lẫn gạo cấp cao.

“Chất lượng gạo của Việt Nam tốt hơn nên giá có thể giảm nhưng sẽ không nhiều, và khó dưới mức 500 USD/tấn”- ông Đôn lạc quan.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), khi Ấn Độ quay lại thị trường thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta cũng phải chuẩn bị những phương án kinh doanh cho thị trường mới. Nguồn cung tăng thì giá sẽ giảm.

Tuy nhiên, theo ông Nam, lợi thế gạo Việt Nam là chất lượng, gạo cấp cao, gạo thơm. Do đó, ngoài các thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đa dạng thị trường hơn, khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.

Việt Nam sẽ còn tăng nhập khẩu gạo Ấn Độ?

Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2024, giá trị nhập khẩu gạo vào Việt Nam gần 850 triệu USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lý giải nhập khẩu gạo tăng do giá gạo trong nước cao, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm buộc phải nhập gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan vào để làm các loại bánh, bún, phở…

Với việc giảm thuế xuất khẩu các loại gạo, mở cửa xuất khẩu gạo thì chắc chắn sắp tới giá gạo trắng, gạo cấp thấp của Ấn Độ sẽ còn giảm giá. Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn tăng nhập khẩu gạo giá rẻ từ nước này.

Việt Nam cần kiểm soát gạo nhập khẩu. Ảnh: QH

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ hay Campuchia vì đã có ký kết hợp tác thương mại là chuyện bình thường, tuy nhiên cần phải có quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng đối với gạo nhập khẩu. Đặc biệt phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ gạo nhập vào Việt Nam.

Theo ông Bình, cơ quan quản lý thị trường cần lưu ý kiểm tra mục đích sử dụng của lượng gạo nhập khẩu về nước ta. Nếu họ nhập khẩu gạo tấm Ấn Độ hoặc nước khác về sử dụng cho nhu cầu làm bánh, thức ăn chăn nuôi... do rẻ hơn gạo tấm trong nước thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu các doanh nghiệp nhập về, gian lận thương mại, xuất xứ “khoác áo” gạo Việt Nam rồi xuất bán sang nước khác để trục lợi thì phải kiểm tra, kiểm soát và phạt nặng để răn đe các đơn vị khác.

QUANG HUY - THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/an-do-mo-khoa-ban-gao-ra-the-gioi-gao-viet-bi-anh-huong-ngay-lap-tuc-post812813.html
Zalo