Cao Bằng đổi thay nhờ OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định hướng đi đúng đắn của một chương trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả và bền vững tại tỉnh biên giới Cao Bằng.
OCOP khẳng định vị trí sản phẩm cho người sản xuất
Trước những năm 2020, do nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện chương trình OCOP ở tỉnh Cao Bằng gặp không ít khó khăn. Nhưng bằng nỗ lực của các ban ngành, địa phương, chương trình OCOP đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Với niềm đam mê trồng trọt, chăn nuôi, chị Ma Thị Kim Oanh, xóm Giang Sơn, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình bắt đầu tìm hiểu và nuôi ong mật địa phương từ năm 2018. Ban đầu chỉ nuôi thử hơn 30 tổ, vừa nuôi vừa học hỏi những người nuôi ong mật lâu năm. Qua mỗi năm, số lượng tổ tăng dần lên, sản lượng mật thu hàng năm cũng ngày càng cao.
Năm 2021, sản phẩm mật ong Đoàn Linh của chị Oanh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hiện nay, mỗi năm cơ sở nuôi ong mật của chị Oanh tiêu thụ được 2.000 - 3.000 lít mật, tuy nhiên thị trường vẫn chủ yếu bán tại tỉnh. Ngoài sản xuất, cơ sở của chị Oanh còn liên kết với một số hộ nuôi ong, bao tiêu những sản phẩm mật ong sản xuất theo đúng quy trình mà cơ sở yêu cầu như cùng giống ong, cùng loại hoa.
Năm 2024, cơ sở đầu tư máy hạ thủy phần để tách nước trong mật ong, giúp tỷ lệ nước trong mật ong đảm bảo dưới 20% (nếu không dùng máy, tỷ lệ nước trung bình từ 24 - 25%), giúp mật đặc hơn, không bị lên men, uống sẽ ngon hơn, giúp bảo quản mật ong được lâu hơn, chị Oanh cho biết thêm.
Giống như mật ong của chị Ma Thị Kim Oanh, nhiều sản phẩm do người nông dân nhiều địa phương tỉnh Cao Bằng đã vươn tầm nhờ tham gia chương trình OCOP. Từ sản xuất manh mún, cầm chừng, thời vụ, rất nhiều hộ dân, HTX trong tỉnh đã biết sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, quan tâm chú trọng mẫu mã, chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh Cao Bằng có năng lực sản xuất lớn, tiêu thụ ổn định như: lạp sườn, thịt xông khói (HTX Tâm Hòa); miến dong Tân Việt Á (HTX nông sản Tân Việt Á); gạo nếp Hương Bảo Lạc (DNTT 668 Bảo Lâm)… Một số sản phẩm hướng tới thị trường xuất khẩu như: hồng trà, lục trà (Công ty TNHH Kolia) được xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia; chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hóa (Công ty TNHH MTV 668) được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc).
Duy trì quảng bá sản phẩm OCOP
Đến nay, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP của 91 chủ thể, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao, 131 sản phẩm 3 sao, thuộc 4 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Năm 2024 phấn đấu có thêm 30 sản phẩm đăng ký mới được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ nâng hạng 1 sản phẩm có tiềm năng lên hạng 5 sao. Xây dựng 4 điểm mua sắm gắn với hệ thống các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương. Duy trì, củng cố 100% sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng…
Ông Nông Chí Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết: Từ khi triển khai chương trình OCOP, các địa phương trong tỉnh đã thấy được lợi thế, cơ hội để khai thác giá trị sản phẩm OCOP, nhờ đó góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị.
Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức lồng ghép các gian hàng OCOP trong các chương trình, sự kiện của tỉnh. Tham gia các hội chợ, triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành phố và quốc tế. Hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giap dịch điện tử...