Ấn Độ kiên trì mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng

Ấn Độ đang triển khai những cải cách mang tính bước ngoặt nhằm tháo gỡ trở ngại trên tiến trình hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn. Trong đó, đầu tư phát triển điện hạt nhân và năng lượng tái tạo là những ưu tiên của New Delhi.

Tuần lễ năng lượng Ấn Độ năm 2025. (Ảnh: indiaenergyweek.com)

Tuần lễ năng lượng Ấn Độ năm 2025. (Ảnh: indiaenergyweek.com)

Theo Bộ Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên Ấn Độ, nước này vẫn phải nhập khẩu tới 88% lượng dầu thô và 50% lượng khí đốt tự nhiên. Tình trạng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu khiến nền kinh tế Ấn Độ dễ bị tác động bởi những biến động khó lường của giá dầu toàn cầu, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến thâm hụt thương mại, dự trữ ngoại hối, tỷ giá đồng nội tệ và tỷ lệ lạm phát.

Do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cùng dân số ngày càng gia tăng, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của quốc gia châu Á được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Theo ước tính của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ có thể tăng từ 5,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023 lên 13,3 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn là nhu cầu cấp bách đối với New Delhi.

Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên Hardeep Singh Puri chia sẻ, trong giai đoạn 2006-2016, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Ấn Độ đối mặt nhiều thách thức, do sự chậm trễ trong thủ tục, khiến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này bị đình trệ.

Những năm gần đây, với những cải cách mang tính bước ngoặt của Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi như sửa đổi chính sách, tăng cường đầu tư vào hoạt động khảo sát, mở rộng diện tích thăm dò dầu khí…, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ. Với những bước chuyển tích cực, New Delhi kỳ vọng sẽ khai thác tối đa trữ lượng dầu ước tính lên đến hàng chục tỷ tấn của mình.

Bên cạnh hoạt động khai thác dầu khí, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo cũng được Ấn Độ đặc biệt chú trọng. Theo Bộ Năng lượng tái tạo Ấn Độ, năm 2024, nước này đã bổ sung gần 28 GW công suất từ năng lượng mặt trời và gió, trong đó, năng lượng mặt trời chiếm 70% tổng công suất bổ sung.

Trong chiến lược chuyển đổi năng lượng, Ấn Độ đặt điện mặt trời ở vị trí trọng tâm. New Delhi đặt mục tiêu vào năm 2030, sản xuất 500 GW điện từ nhiên liệu không phải nguồn nhiên liệu hóa thạch, tăng từ mức 165 GW hiện nay. Điện mặt trời sẽ đóng góp ít nhất 60% cơ cấu năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, năng lượng hạt nhân được đánh giá là trụ cột còn lại trong chiếc “kiềng ba chân” giữ vững an ninh năng lượng của Ấn Độ và được Chính phủ Ấn Độ chú trọng đầu tư.

Đầu tháng 2, New Delhi công bố khởi động một sứ mệnh hạt nhân, với mục tiêu tham vọng sản xuất 100 GW điện hạt nhân vào năm 2047. Ấn Độ đang thúc đẩy nghiên cứu để từng bước tích hợp lò phản ứng module nhỏ (SMR) vào hệ thống điện quốc gia. Theo các chuyên gia Ấn Độ, SMR mang lại giải pháp linh hoạt, có thể mở rộng và tiết kiệm chi phí so với các lò phản ứng hạt nhân truyền thống quy mô lớn, giúp nước này thực hiện mục tiêu biến hạt nhân thành một trụ cột trong hệ thống năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, Ấn Độ có thể đối mặt nhiều thách thức để hoàn thành mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn. Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), trở ngại của nước này trong đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo là hạ tầng truyền tải điện chưa đủ, khả năng lưu trữ hạn chế và chi phí cao. Trong khi đó, phát triển năng lượng hạt nhân lại đòi hỏi những cải cách pháp lý quan trọng, đặc biệt là mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân. Giới phân tích nhận định, vượt qua những thách thức này là điều kiện tất yếu để Ấn Độ giải tỏa “cơn khát” năng lượng cho đất nước hơn 1,4 tỷ dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

BẢO CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/an-do-kien-tri-muc-tieu-bao-dam-an-ninh-nang-luong-post875374.html
Zalo