Tiết lộ việc 'xóa nợ' của các ngân hàng sau chuyển giao bắt buộc
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB - cho biết mới nhận ngân hàng chuyển giao được 5 - 6 tháng. Với số lỗ lũy kế lên đến 15.000 tỷ đồng của MBV thì trong vòng 5-7 năm xóa được nợ, từ 7-10 năm phục hồi ngân hàng này trở lại hoạt động bình thường.
Từ 5-7 năm xóa lỗ lũy kế
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 ngân hàng MB sáng 26/4, ông Thành Trung - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị MB kiêm Chủ tịch Ngân hàng MBV - cho rằng MBV giữ nguyên toàn bộ phương án kinh doanh trong vòng 3 năm tới.
Theo ông Trung, việc chuyển giao ngân hàng nằm trong đề án Chính phủ, MB được hỗ trợ để hoàn thành đề án tái cấu trúc MBV trong vòng 10 năm. “MBV khi nhận chuyển giao về MB không ảnh hưởng gì vì không hợp nhất. MB hỗ trợ vốn và công nghệ để vực dậy MBV”, ông Trung nói.

Ông Thành Trung - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị MB kiêm Chủ tịch MBV.
Theo đó, MB sẽ góp vốn vào MBV tối đa 5.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án được duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MB hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.
Chia sẻ thêm bên lề hội đại hội với PV Tiền Phong, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB - cho biết: "Chúng tôi nhận ngân hàng chuyển giao mới được 5 - 6 tháng. Khi nhận về chúng tôi có hỗ trợ về công nghệ cũng như đưa nhân sự sang MBV". Theo ông Ánh, với số lỗ lũy kế lên đến 15.000 tỷ đồng của MBV, MB có kế hoạch trong vòng 5-7 năm xóa được nợ này và từ 7-10 năm phục hồi ngân hàng này trở lại hoạt động bình thường.
Về chuyển đổi số, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị MB - cho biết, ngân hàng đang tập trung cho 2 việc: Thứ nhất, ưu tiên đầu tư cho 2 nền tảng dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, khách hàng có thể tự phục vụ, tự sử dụng.
Thứ hai, giải quyết vấn đề năng suất lao động. Những năm trước, quy mô nhân sự MB không tăng nhiều nhưng lợi nhuận tăng mạnh do ứng dụng công nghệ để tăng năng suất. Tuy nhiên, với kế hoạch mở rộng quy mô mạnh mẽ hơn, MB vẫn có kế hoạch tăng người trong năm nay, dự kiến tăng thêm 1.000 người. Những năm sau, tốc độ tăng quy mô nhân sự có thể sẽ giảm đi.
Vietcombank vực dậy ngân hàng 0 đồng ra sao?
Tại đại hội đồng cổ đông ngày 26/4, Chủ tịch Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết ngân hàng đã lên kế hoạch tái cấu trúc và vực dậy ngân hàng yếu kém CBBank (nay được đổi tên mới là VCBNeo) ngay sau khi tiếp nhận chuyển giao bắt buộc từ ngày 17/10/2024.

Chủ tịch Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại đại hội đồng cổ đông năm 2025.
Sau khi tiếp nhận, ngân hàng đã tiến hành rà soát toàn diện các mảng hoạt động, từ quản trị điều hành, kinh doanh, công nghệ đến nguồn nhân lực. Từ đó, Vietcombank xây dựng chương trình hành động nhằm phục hồi VCBNeo theo đúng phương án chuyển giao được phê duyệt. Hiện tại, hoạt động của VCBNeo đã được kiểm soát tốt, đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro.
Ông Tùng cho biết hiện, Vietcombank đã hoàn tất chuyển đổi hệ thống core banking cho VCBNeo, sử dụng cùng hệ thống với Vietcombank hiện tại, đảm bảo đồng bộ và an toàn công nghệ thông tin.
Các hệ thống công nghệ mới khác cũng đang được triển khai theo chuẩn mực của Vietcombank. Đồng thời, các quy trình, quy chế, đội ngũ nhân sự cũng đang được rà soát, nâng cấp để phù hợp với tiêu chuẩn chung.
Về định hướng phát triển, VCBNeo sẽ trở thành một ngân hàng số, vận hành dựa trên công nghệ thay vì mạng lưới truyền thống nhằm tối ưu chi phí và hiệu quả hoạt động.
"Vietcombank hiện xây dựng chiến lược và kế hoạch đầu tư công nghệ bài bản cho giai đoạn tới, với lộ trình phục hồi rõ ràng và kỳ vọng báo cáo cổ đông trong thời gian sớm nhất", ông Tùng nhấn mạnh.
Liên quan việc ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ, Chủ tịch Vietcombank cho biết, nhà băng hiện có danh mục khách hàng FDI lớn, chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và hơn 50% doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại khách hàng bán buôn. "Như vậy, chính sách thuế đương nhiên tác động mạnh đến Vietcombank, và mạnh hơn các ngân hàng khác", ông Tùng khẳng định.
Về giải pháp, ông Tùng cho biết, có 2 giải pháp cơ bản, một là chính sách đa dạng hóa chuyển dịch thị trường và hai là chính sách hỗ trợ tài chính trong lúc gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi các đơn hàng không xuất khẩu được, đơn hàng bị giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vừa qua, Vietcombank đã ký thỏa thuận tài trợ cho Vietnam Airlines mua 50 máy bay thân hẹp Boeing của Mỹ, đây cũng là giải pháp trong tổng thể các giải pháp hoặc tài trợ khách hàng nhập khẩu khí hóa lỏng, máy móc thiết bị từ mỹ, để giảm chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam và Mỹ.