An cư rồi sẽ lạc nghiệp!

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, cấp ủy, chính quyền tỉnh Sóc Trăng không chỉ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc mà còn đặc biệt quan tâm làm tốt công tác bồi thường, tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất, đảm bảo người dân ảnh hưởng dự án có nơi ở mới, có công việc mới tối thiểu phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ.

An vui ở tuổi xế chiều

Tết này là cái Tết thứ 2 gia đình ông Thạch Khâm, ấp Phnôcambốth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chung vui cùng con cháu trong ngôi nhà tái định cư từ dự án cao tốc. Ông Thạch Khâm cùng người thân và nhiều bà con trong ấp là những hộ ảnh hưởng phải di dời, nhường đất ở, đất sản xuất cho Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Sớm đồng thuận chủ trương của Đảng về xây dựng cao tốc, ông Khâm chủ động nhận tiền bồi thường, tái thiết nơi ở mới. Ông Khâm bộc bạch: “Khi hay tin dự án cao tốc đi ngang phần đất của gia đình, tôi rất phấn khởi dù chưa biết giá bồi thường như thế nào, có đủ để xây dựng nơi ở mới hay không? Bởi tôi biết mình đang góp một phần rất nhỏ vào dự án - tiền đề quan trọng để tỉnh nhà phát triển. Vì vậy, tôi không chỉ tiên phong giao mặt bằng mà còn tích cực tuyên truyền, vận động các con và người dân trong ấp cùng ủng hộ. Với hơn 640m2 đất (các loại), nhà bị ảnh hưởng, tôi nhận tiền bồi thường trên 757 triệu đồng. Trong thời gian 1 tháng, tôi đã xây dựng nơi ở mới, tháo dỡ nhà cửa giao mặt bằng rất sớm cho đơn vị thi công”.

Vợ chồng ông Thạch Khâm, ấp Phnôcambốth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) an vui tuổi già trong ngôi nhà mới. Ảnh: MỸ LINH

Vợ chồng ông Thạch Khâm, ấp Phnôcambốth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) an vui tuổi già trong ngôi nhà mới. Ảnh: MỸ LINH

Ở cái tuổi 79, ông Khâm cùng vợ và đứa cháu ngoại sống thoải mái trong ngôi nhà mới khang trang rộng khoảng 100m2, trị giá gần 400 triệu đồng trên phần đất còn lại của gia đình nằm gần đường cao tốc. “Tôi hy vọng cao tốc sớm được khai thác, tạo động lực để tỉnh thu hút đầu tư, nhà máy sẽ được xây mới, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Còn riêng tôi, chỉ mong có thể sống khỏe để ngày ngày nhìn xe cộ qua lại trên cao tốc, chờ con cháu tan làm về từ các nhà máy trong tỉnh thì tuổi già đã quá an vui” - ông Khâm chia sẻ.

Rất hài lòng về nơi ở mới tại khu tái định cư cao tốc

Là một trong những hộ chọn phương án tái định cư tập trung, chị Nguyễn Thị Bạch Huệ cùng mẹ là bà Hữu Thị Lan, ấp Sóc Lèo B, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) rất hài lòng về nơi ở mới. Căn nhà vừa xây xong có vị trí khá đẹp, diện tích 125m2, kết cấu nhà cấp 4, nền móng kiên cố, gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 nhà bếp, tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng, tọa lạc tại Khu tái định cư cao tốc huyện Trần Đề thuộc ấp Giồng Giữa.

Về nơi ở mới là khu tái định cư tập trung ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), chị Nguyễn Thị Bạch Huệ cùng mẹ rất hài lòng. Ảnh: MỸ LINH

Về nơi ở mới là khu tái định cư tập trung ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), chị Nguyễn Thị Bạch Huệ cùng mẹ rất hài lòng. Ảnh: MỸ LINH

Chị Huệ phấn khởi cho biết, căn nhà bị ảnh hưởng cao tốc dù diện tích rộng hơn chút ít so với nhà mới nhưng nền thấp lại nằm phía sau nhà dân, chỉ có đường mòn nhỏ để vào nhà. Còn nơi ở mới an ninh, sạch sẽ, thoáng mát, ôtô đến tận cửa, hệ thống cấp - thoát nước đầy đủ, trời vừa tối là có đèn thắp sáng… nên rất tiện cho sinh hoạt, đi lại và mua bán. Hiện khu tái định cư được người dân thị trấn chọn là nơi tập thể dục, điểm vui chơi sau giờ học của các em học sinh, bởi có diện tích rộng hơn 2ha, cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, nơi đây còn nằm vị trí “đẹp”, cạnh trường học, gần khu dân cư, kết nối giao thông thuận tiện.

Cũng theo chị Huệ, khi đóng tiền nền tái định cư cùng chi phí xây lại nhà mới thì tiền bồi thường vẫn thiếu đôi chút nhưng nhờ tính toán hợp lý nên cuộc sống gia đình vẫn đủ đầy. “Về nơi ở mới, nghề may gia công của em vẫn được duy trì và cho thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, em còn bán nước giải khát, khô các loại theo hình thức trực tiếp, đăng bán thêm trên mạng xã hội. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, em rất tin tưởng về tương lai, cuộc sống mới tại khu tái định cư cao tốc”, chị Huệ vui vẻ cho biết.

Thoát cảnh lộ nhỏ, đường cùng

Không đất sản xuất nhưng nhờ siêng năng, chí thú làm ăn, vợ chồng chị Sơn Thị Danh Thu ở ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cũng tích cóp đủ tiền để xây dựng ngôi nhà trị giá 198 triệu đồng. Không lâu sau thì dự án cao tốc đi ngang, gia đình bị ảnh hưởng hết nhà, đất nên thuộc diện di dời. Thay vì buồn thì gia đình chị Thu cùng bàn bạc phương án tìm nơi ở mới, để giao mặt bằng triển khai dự án. Sau khi thống nhất, gia đình chọn tái định cư phân tán, nhận số tiền 619 triệu đồng bồi thường từ Nhà nước, gia đình chọn mua mảnh đất ở ấp Đai Úi tái thiết cuộc sống mới. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng chị Thu tận dụng lại những gì còn xài được từ nhà cũ, không lâu sau gia đình đã hoàn tất ngôi nhà mới khang trang, có diện tích 4,3m x 19m cùng khoảng sân trước thoáng rộng, nằm ngay mặt tiền lộ nông thôn, xe ôtô ra vào dễ dàng, còn nơi ở cũ là lộ nhỏ, đường cùng.

Vợ chồng chị Sơn Thị Danh Thu, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) trao đổi với cán bộ xã về cuộc sống hiện tại, dự tính tương lai của gia đình khi ổn định nơi ở mới. Ảnh: MỸ LINH

Vợ chồng chị Sơn Thị Danh Thu, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) trao đổi với cán bộ xã về cuộc sống hiện tại, dự tính tương lai của gia đình khi ổn định nơi ở mới. Ảnh: MỸ LINH

Chị Thu tâm sự: “Do không đất sản xuất, thu nhập chính của gia đình chủ yếu làm thuê mà có. Từ khi về nơi ở mới, đường đi thuận tiện nên tôi bán thịt cá, rau cải bằng xe di động, mỗi ngày lãi được 200.000 đồng. Còn con gái thì làm công nhân may cho một công ty trong Khu Công nghiệp An Nghiệp, chồng do sức khỏe yếu nên ở nhà làm bánh cho tôi bán. Gia đình còn được chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ, dự kiến chúng tôi sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Nếu có vốn tôi dự định sẽ buôn bán nhỏ ngay trước nhà để tăng thêm thu nhập. Trong tương lai, cuộc sống chắc chắn sẽ tốt hơn, không phải tha phương cầu thực như trước kia”.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đến nay hộ ông Thạch Khâm, mẹ con chị Nguyễn Thị Bạch Huệ và gia đình chị Sơn Thị Danh Thu đã có nơi ở mới tốt hơn, cuộc sống ổn định so với nơi ở cũ. Đây là những hộ tiêu biểu trong số những hộ gia đình, cá nhân thuộc diện giải tỏa trắng do ảnh hưởng dự án cao tốc. Chính sự đồng thuận của người dân, nhường đất, nhà ở cho dự án đã góp phần xây dựng thành công công trình thế kỷ. Tin rằng khi cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác sẽ mở ra cơ hội lớn để tỉnh Sóc Trăng vươn mình phát triển, trở thành tỉnh khá giàu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

MỸ LINH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202502/an-cu-roi-se-lac-nghiep-b513d80/
Zalo