Ấm no nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách (Kỳ 3)

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, dù gặp phải nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tỉnh Hà Giang đang rất nỗ lực để giúp nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội xứng đáng là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Kỳ 3: Để xứng đáng là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân

Một buổi giao dịch tại điểm giao dịch Ngân hàng CSXH tại xã Đông Minh

Một buổi giao dịch tại điểm giao dịch Ngân hàng CSXH tại xã Đông Minh

Nguồn vốn tín dụng CSXH giúp nhiều gia đình thoát nghèo

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), tỉnh Hà Giang và một số huyện biên giới như Yên Minh và Đồng Văn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng CSXH tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Cụ thể, theo UBND tỉnh Hà Giang, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng CSXH đã được đầu tư đến 193/193 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, bản, tổ khu phố. Tính đến ngày 31/10/2024, doanh số cho vay đạt 10.586 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng đã giúp hơn 129.000 đối tượng vay vượt qua ngưỡng nghèo; 7.664 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; thu hút, tạo việc làm cho hơn 29.240 lao động; xây dựng được 57.163 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo theo tiêu chuẩn và 1.623 căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội; 55.678 đối tượng tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 25,11% (từ 43,65% xuống còn 18,54%); giai đoạn 2022 – 2023 tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm 10,96% (từ 42,08% xuống còn 31,12%).

Tại huyện Yên Minh, tính đến ngày 31/10/2024, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 25.833 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện đã giải ngân cho 1.218 hộ nghèo vay 74,715 tỷ đồng và 349 hộ cận nghèo vay 22,575 tỷ đồng, góp phần giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2024, tổng số hộ nghèo tại huyện chiếm 40,58%, giảm 6,41% so với đầu năm.

Còn tại huyện Đồng Văn, theo ông Đỗ Quốc Hương – Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 427,934 tỷ đồng (8.939 khách hàng), tăng 241,770 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Mặc dù còn khó khăn về thu ngân sách, tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, UBND huyện cũng đã cấp ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện số tiền 6,486 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Người dân xã Đông Minh (Yên Minh) làm thủ tục trả lãi tại điểm giao dịch Ngân hàng CSXH tại xã Đông Minh

Người dân xã Đông Minh (Yên Minh) làm thủ tục trả lãi tại điểm giao dịch Ngân hàng CSXH tại xã Đông Minh

Chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nhân dân

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trên, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại tỉnh Hà Giang cũng bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần phải khắc phục.

Cụ thể, theo UBND tỉnh Hà Giang, do tỉnh có quy mô nền kinh tế nhỏ, năng lực đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế có hạn, số hộ nghèo và cận nghèo lớn, nên nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn. Cụ thể, tính đến ngày 31/10/2024, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH là 271,5 tỷ đồng, tăng 253,9 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, một số hộ nghèo hoặc hộ đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ sản xuất kinh doanh hạn chế, thường xuyên chịu tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến sản xuất kinh doanh thua lỗ, mất vốn, không còn nguồn để trả nợ ngân hàng làm phát sinh nợ quá hạn, lãi tồn.

Tại huyện Yên Minh, theo UBND huyện, việc nguồn vốn từ ngân sách địa phương hàng năm thấp cũng là vấn đề lớn nhất. Ngoài ra, việc phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng CSXH với các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề… ở một số xã chưa được quan tâm, thực hiện đồng bộ, nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao.

Huyện Đồng Văn cũng gặp hạn chế về nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH. UBND huyện Đồng Văn cho biết, hiện nguồn vốn ngân sách huyện mới đạt 6,486 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,5% tổng nguồn vốn, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nhân dân và rất khó để đáp ứng tỷ lệ 11,9% tổng nguồn vốn theo chiến lược phát triển của ngành.

Ông Đỗ Quốc Hương – Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn

Ông Đỗ Quốc Hương – Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn

Cần đồng hành, sát cánh với người dân hơn nữa

Theo UBND tỉnh Hà Giang, trong quá trình chuyển đổi phát triển kinh tế hiện nay, nguồn vốn tín dụng CSXH ngày càng có vị trí quan trọng với vai trò là công cụ thúc đẩy, nhất là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các hoạt động tín dụng CSXH là nhiệm vụ rất quan trọng đối với tỉnh Hà Giang trong thời gian tới.

Khó khăn đầu tiên phải khắc phục là hạn chế về nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH. UBND tỉnh Hà Giang cho biết, hằng năm, chính quyền tỉnh, thành phố và các huyện sẽ cố gắng bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho Ngân hàng CSXH đạt từ 15-20% tổng nguồn vốn trên mỗi địa bàn. Đến năm 2030, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sẽ chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, về phía Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Giang cùng các Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH ở các huyện, UBND tỉnh Hà Giang cũng yêu cầu các cơ quan này cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ gia đình trong quá trình tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn, trả nợ, trả lãi tiền vay.

Với huyện Yên Minh, việc tăng cường nguồn vốn ngân sách để ủy thác sang Ngân hàng CSXH của huyện cũng là ưu tiên hàng đầu. Đây là điều không dễ dàng, vì Yên Minh là huyện nghèo miền núi biên giới có địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, trình độ dân trí thấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn và sinh sống. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu mà UBND tỉnh Hà Giang đã đề ra, UBND huyện Yên Minh đã và đang rà soát các nguồn vốn cho vay ưu đãi có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ chuyển giao hoặc ủy thác rồi tập trung vào một đầu mối thực hiện là Ngân hàng CSXH huyện Yên Minh. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện cũng cần cho vay theo một phương thức thống nhất để góp phần tạo lập nguồn vốn cho vay.

Còn theo ông Đỗ Quốc Hương – Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, bên cạnh việc tăng cường nguồn vốn ngân sách để ủy thác sang Ngân hàng CSXH của huyện, UBND huyện Đồng Văn sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội khác để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân.

“Với phương châm hoạt động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và tinh thần “Phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”, Ngân hàng CSXH cần phải luôn đồng hành sát cánh, mang vốn tín dụng chính sách của Chính phủ, địa phương đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, để xứng đáng là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng”, ông Hương cho biết.

Việt Khôi

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/am-no-nho-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-ky-3-158874.html
Zalo