Tinh gọn bộ máy: Tăng về chất, 'giữ chân' người tài
Tinh gọn bộ máy không chỉ là việc giảm thiểu số lượng cán bộ, công chức hay cắt giảm bộ phận, mà là một cuộc cách mạng thay đổi về chất, đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu trong bối cảnh phát triển của xã hội và nền kinh tế.
Bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận nhiều sự đồng thuận, ủng hộ của các nhà khoa học về chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được triển khai quyết liệt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” thực sự là một cuộc cách mạng thay đổi về chất trong hệ thống chính trị. Từ đó, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày 4/12, phát biểu tại hội nghị quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tinh gọn bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó. "Nhưng không làm không được và khó mấy cũng phải làm, vì hiện bộ máy còn cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, hành chính, dẫn tới nhiều công việc ách tắc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Nếu người đứng đầu gương mẫu làm tốt thì cấp dưới sẽ tin tưởng và lan tỏa tinh thần xuống toàn bộ các cơ quan. Điều quan trọng nhất là vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc".
Tăng về chất, nâng cao năng lực đội ngũ
Tinh gọn bộ máy là việc phải làm để tạo động lực cho đất nước phát triển. Thế nhưng, vấn đề thực hiện như thế nào đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Điều quan trọng là phải làm chuyển biến nhận thức của cả hệ thống chính trị cũng như của người lao động. Khi từ trên xuống dưới “thông” và xem việc tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng không thể không làm, khi đó mới thực sự hiệu quả. Một vấn đề khác cũng khá quan trọng đó là làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ và có chính sách “giữ chân” được người tài.
Tinh gọn bộ máy không chỉ là việc giảm thiểu số lượng cán bộ, công chức hay cắt giảm bộ phận, mà là một cuộc cách mạng thay đổi về chất. Từ đó, tạo ra một hệ thống quản lý, điều hành hiệu quả, linh hoạt, đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của xã hội.
Một bộ máy hành chính tinh gọn đòi hỏi phải giảm thiểu các tổ chức, đơn vị, phòng ban không cần thiết, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc của các tổ chức còn lại. Cải cách tổ chức bộ máy cần gắn với sự thay đổi trong cách thức làm việc, nhằm giảm bớt sự chồng chéo, không rõ ràng trong chức năng nhiệm vụ của các đơn vị.
Hiện nay, cuộc cách mạng số và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý hành chính là yếu tố quan trọng. Các dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp giảm thiểu gánh nặng cho cán bộ công chức. Nhưng phải hiểu rằng, tinh gọn không chỉ đơn thuần là giảm biên chế, mà phải cải cách quy trình làm việc và các thủ tục hành chính. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt sự phức tạp trong quy trình sẽ giúp nâng cao hiệu quả làm việc và tiết kiệm thời gian cho cả cơ quan nhà nước và người dân.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng môi trường làm việc minh bạch. Sự minh bạch giúp ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy trách nhiệm cá nhân trong công việc. Khi bộ máy hành chính hoạt động một cách minh bạch, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công, đồng thời tạo ra cơ sở cho việc quản lý, giám sát hiệu quả.
Tuy nhiên, việc thay đổi tư duy của cán bộ công chức và của cả hệ thống hành chính là một trong những thách thức không nhỏ. Tinh gọn bộ máy không chỉ là thay đổi cơ cấu tổ chức mà còn tác động đến thói quen làm việc lâu dài, nhất là đối với những người đã quen với hệ thống cũ. Việc giảm biên chế có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự trong một số lĩnh vực quan trọng. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công và gây ra sự thiếu hụt trong việc giải quyết các yêu cầu của người dân.
Việc tinh gọn bộ máy yêu cầu các cán bộ, người lao động có khả năng làm việc hiệu quả và đa năng hơn. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực cho cán bộ là một yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một khoản đầu tư lớn về thời gian và nguồn lực.
Như vậy, có thể nói, đây là một cuộc cách mạng về chất, không chỉ là việc giảm bớt số lượng nhân sự hay đơn vị hành chính, mà còn là sự thay đổi trong cách thức quản lý, điều hành. Để thành công, quá trình này đòi hỏi sự cải cách toàn diện trong tổ chức, quy trình làm việc, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức và người lao động. Sẽ có không ít thách thức, nhưng nếu thực hiện thành công, tinh gọn bộ máy sẽ góp phần tạo ra một hệ thống hành chính hiệu quả, minh bạch, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và xã hội.
Cần có chính sách "giữ chân" người tài
Để giữ chân được người tài, cần phải xem xét một số yếu tố quan trọng để đảm bảo môi trường làm việc vẫn hấp dẫn và phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế, những người có năng lực thường tìm kiếm cơ hội phát triển và không gian để thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Do vậy, bộ máy tinh gọn phải tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, xây dựng một văn hóa làm việc mà trong đó nhân viên cảm thấy được động viên và khuyến khích sáng tạo, không bị gò bó trong những quy trình cứng nhắc.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp giữ chân người tài là các cơ hội phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Cần đảm bảo có lộ trình thăng tiến, cơ hội học hỏi, đào tạo và phát triển cho các cá nhân xuất sắc. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cũng đóng vai trò quyết định trong việc giữ chân người có năng lực. Việc công nhận đóng góp và thành tích của nhân viên là rất quan trọng để tạo động lực.
Để bộ máy tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu quả, việc đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức là vô cùng quan trọng. Cán bộ công chức cần có khả năng làm việc độc lập, có chuyên môn sâu và khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, họ cần có kỹ năng làm việc nhóm, khả năng ứng dụng công nghệ vào công việc.
Mục tiêu của việc tinh gọn không chỉ là giảm số lượng mà còn phải nâng cao chất lượng đội ngũ. Muốn vậy, đòi hỏi sự cân bằng giữa mục tiêu cải cách hành chính nhưng vẫn đảm bảo an sinh xã hội cho những cá nhân bị ảnh hưởng, tạo sự ổn định xã hội. Làm sao để đảm bảo sự công bằng, không để người lao động lao đao do... nghỉ việc.