AI và những thay đổi trong giáo dục
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những thay đổi sâu rộng trong giáo dục, từ cá nhân hóa việc học đến tối ưu hóa quản lý đào tạo. AI giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, thu hẹp khoảng cách tiếp cận tri thức; đồng thời, trang bị cho người học năng lực thích ứng với thời đại số.
Tuy nhiên, đi cùng cơ hội của việc ứng dụng AI là những thách thức lớn như nguy cơ lệ thuộc công nghệ, mất an toàn dữ liệu và nguy cơ gia tăng bất bình đẳng giáo dục. Việc ứng dụng AI hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận thận trọng, cân bằng giữa đổi mới và trách nhiệm.
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Ứng dụng AI trong giáo dục đang trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, mở ra nhiều cơ hội cho các trường học của cả nước nói chung và các trường học tại Tiền Giang nói riêng. Việc tích hợp AI vào giảng dạy không chỉ giúp cá nhân hóa quá trình học tập cho từng học sinh mà còn hỗ trợ nhà trường trong công tác quản lý, đánh giá kết quả học tập một cách khoa học và nhanh chóng.

Toàn bộ đơn vị giáo dục của tỉnh Tiền Giang đã được trang bị Internet tốc độ cao, tạo nền tảng cho ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập (ảnh chụp tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho).
Theo số liệu từ ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang, hơn 53.000 trường mầm non và phổ thông trên toàn quốc đã thu thập dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia, với 1,6 triệu hồ sơ giáo viên và 24 triệu hồ sơ học sinh được số hóa - đây là nền tảng quan trọng để AI phát huy vai trò trong giáo dục.
Tại Tiền Giang, 100% đơn vị trực thuộc ngành GD-ĐT đã được đầu tư, lắp đặt hệ thống đường truyền Internet tốc độ cao, tạo nền tảng vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý giáo dục.
Nhờ tận dụng hiệu quả các giải pháp số, việc báo cáo, thống kê của các trường học và đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được thực hiện nhanh chóng, chính xác hơn, qua đó nâng cao rõ rệt hiệu quả công việc.
Công nghệ thông tin đang dần trở thành “trợ thủ đắc lực” cho toàn ngành GD-ĐT. Thời gian gần đây, các trường học đã nghiên cứu việc ứng dụng AI trong công việc, bước đầu triển khai hỗ trợ phân tích dữ liệu học sinh, quản lý điểm số và đánh giá kết quả học tập một cách tự động.
Trường Đại học Tiền Giang vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và Công ty cổ phần Sáng tạo giáo dục Châu Á tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng AI và chuyển đổi số dữ liệu trong giáo dục”.
Hội thảo tập trung cập nhật các xu hướng mới của trí tuệ nhân tạo và chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển đổi số giáo dục. Ngoài ra, các đại biểu giới thiệu, trình diễn những công nghệ AI tiên tiến đang được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, hội thảo cũng trình bày các chuyên đề về xu hướng AI toàn cầu và những tác động của chúng đến hệ thống giáo dục.
Bên cạnh đó, các đại biểu cùng thảo luận về những thách thức, cơ hội và mô hình triển khai thành công tại Việt Nam và khu vực. Một số nền tảng công nghệ tiêu biểu như Google for Education, Quizziz và các ứng dụng AI khác được giới thiệu trực tiếp tại hội thảo.
Hội thảo cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa các trường, cơ quan và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - giáo dục, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền giáo dục thông minh, thích ứng và phát triển bền vững.
Một điểm sáng khác là sự xuất hiện của các “trợ lý học tập thông minh” ứng dụng GenAI. Các trợ lý ảo này có thể hoạt động 24/7, hỗ trợ giải đáp thắc mắc bài tập, hướng dẫn làm bài, thậm chí định hướng tư duy phản biện cho học sinh.
Trong bối cảnh số lượng học sinh ngày càng đông mà giáo viên lại có giới hạn về thời gian và nguồn lực, sự hỗ trợ từ AI đã giúp cân bằng phần nào áp lực học tập, đặc biệt tại các trường có sĩ số học sinh đông.
Cùng với những tiện ích, ứng dụng AI trong giáo dục cũng đặt ra không ít thách thức. Một trong những lo ngại lớn nhất là tình trạng “đạo văn” và gian lận học thuật.
Với các công cụ như ChatGPT, học sinh có thể dễ dàng tạo ra bài làm hoàn chỉnh, lưu loát đến mức khó phân biệt với bài tự viết. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cách đánh giá, chuyển từ các bài kiểm tra lý thuyết đơn thuần sang đánh giá kỹ năng tư duy, phân tích và sáng tạo thực chất.
Ngoài ra, AI thế hệ mới như GenAI đôi khi có thể tạo ra thông tin sai lệch do hiện tượng “ảo tưởng” (hallucination). Nếu học sinh không có kỹ năng phản biện và kiểm chứng thông tin, các kiến thức sai lệch này dễ dàng trở thành rào cản lớn trong quá trình học tập. Không chỉ vậy, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân cũng là vấn đề đáng quan tâm khi triển khai AI trong giáo dục.
Khi AI thu thập và phân tích dữ liệu lớn từ hồ sơ học sinh, nguy cơ rò rỉ, lạm dụng thông tin cá nhân là hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Đây là thách thức không chỉ riêng của tỉnh Tiền Giang mà cả nước đang phải đối mặt khi chuyển mình theo xu hướng chuyển đổi số.
ỨNG DỤNG AI SAO CHO HIỆU QUẢ?
Dù còn nhiều rào cản, không thể phủ nhận rằng AI đang góp phần tích cực trong việc làm mới môi trường giáo dục. Từ việc hỗ trợ học tập, phân tích kết quả học sinh, đến tối ưu hóa công tác giảng dạy và quản lý, AI mở ra nhiều cơ hội đổi mới cho các trường học.
Vấn đề cốt lõi là làm sao để xây dựng được một hành lang pháp lý đủ chặt chẽ; đồng thời, đào tạo đội ngũ giáo viên, học sinh đủ năng lực số để khai thác AI một cách an toàn và hiệu quả.

Mô hình “Thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ CCCD gắn chip điện tử” tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho.
Theo các chuyên gia, muốn ứng dụng AI hiệu quả trong giáo dục, trước hết cần xây dựng một lộ trình triển khai rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường học.
Các đơn vị cần xác định rõ mục tiêu sử dụng AI - nhằm cá nhân hóa học tập, hỗ trợ đánh giá hay tối ưu quản lý - để lựa chọn công cụ và nền tảng phù hợp.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số cho giáo viên và cán bộ quản lý, đảm bảo đội ngũ này đủ năng lực làm chủ công nghệ, thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào công cụ.
Song song với việc triển khai, cần xây dựng những quy định cụ thể về bảo mật dữ liệu và đạo đức sử dụng AI trong giáo dục. Mỗi trường học cần ban hành quy chế riêng về việc sử dụng dữ liệu học sinh, đảm bảo quyền riêng tư và ngăn ngừa các hành vi lạm dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, việc phát hiện và xử lý “đạo văn” cần được chú trọng bằng cách kết hợp công nghệ chống gian lận và đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, tập trung vào kỹ năng phân tích, sáng tạo thay vì chỉ yêu cầu tái hiện kiến thức.
Một yếu tố quan trọng khác là thúc đẩy tinh thần tự học, tư duy phản biện ở học sinh. Trong môi trường giáo dục có ứng dụng AI, vai trò của giáo viên không chỉ là truyền đạt tri thức, mà còn là người hướng dẫn, giúp học sinh biết cách đặt câu hỏi, kiểm chứng thông tin và tự mình khám phá tri thức.
Đây là năng lực thiết yếu để học sinh không bị thụ động tiếp nhận các kết quả do AI cung cấp, mà biết cách sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ, từ đó chủ động làm chủ việc học của bản thân.
Nhìn rộng ra, trí tuệ nhân tạo trong giáo dục không chỉ là câu chuyện của công nghệ, mà còn là bài toán về đạo đức, kỹ năng và tư duy đổi mới. Để tận dụng tối đa tiềm năng mà AI mang lại, Tiền Giang cần có chiến lược tổng thể, hài hòa giữa đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực và xây dựng chuẩn mực đạo đức số. Qua đó, đưa giáo dục tỉnh nhà tiến những bước vững chắc trên hành trình chuyển đổi số.