Ai cũng có thể tai tiếng trên Internet: Cẩm nang dùng mạng xã hội thật 'dịu kha'
Không chỉ những người nổi tiếng lao đao cả sự nghiệp vì những phát ngôn từ thời thiếu chín chắn mà tất cả chúng ta, những người sử dụng mạng xã hội, đều có nguy cơ ấy.
Lý do mạng xã hội phải quy định độ tuổi tham gia
Hầu hết các nền tảng mạng xã hội (MXH), từ Facebook đến TikTok, đều quy định chỉ mở tài khoản cho người dùng đủ 13 tuổi trở lên. Một trong những mục đích của giới hạn này là để bảo vệ thông tin trẻ em khỏi các công ty thu thập dữ liệu. Trung bình trẻ em cần tối thiểu 12 năm phát triển đầy đủ về nhận thức để có thể tư duy trừu tượng, nền tảng để suy nghĩ về đạo đức. Khác với xã hội trong đời thật, không phải ai cũng có thể tham gia xã hội ảo trên mạng.
Tất cả những chính sách của các nền tảng được tạo ra để bảo vệ người dùng trước tác hại của dấu chân điện tử (digital footprint). Dấu chân điện tử, hay là dấu vết mạng, là một thuật ngữ marketing chỉ dấu vết dữ liệu mà người tiêu dùng đã tạo ra trong quá trình sử dụng Internet, nói cách khác là tất cả những gì họ làm trực tuyến. Dấu chân điện tử được hình thành bởi sự phát triển tất yếu của công nghệ khi mà dữ liệu luôn được số hóa.
Tuy nhiên, thực tế là bất chấp các quy định về độ tuổi tham gia MXH, hầu hết bạn bè của mình đã có tài khoản Facebook từ hồi Tiểu học. Thú thật, mình cũng không phải là ngoại lệ. Năm lớp 4, mình đã bắt đầu mở tài khoản Facebook. Thời đó trẻ trâu, cái gì mình cũng đăng lên mạng. Mình còn quá trẻ để nhận ra rằng những gì mình để lại trên mạng sẽ ở đó suốt đời.
Từng đoạn tin nhắn, từng cái bình luận, đến cả những Story tự động biến mất sau 24 tiếng, cũng không thể xóa đi hoàn toàn. Chỉ cần một ai đó chụp màn hình, họ đã giữ lại dấu tích ta làm trên mạng.
Mọi nhất cử nhất động đều được ghi chép bởi nền tảng mà bạn đang sử dụng. Điều này giúp hệ thống cá nhân hóa các nội dung hiển thị cho bạn và đưa ra đề xuất quảng cáo có thể thu hút bạn nhất. Tuy nhiên, nó cũng sẽ là bằng chứng “chống lại bạn trước tòa”.
Đi trên đường, vết chân mình sẽ được mưa gió xóa mờ, được các dấu vết khác “ghi đè”. Nhưng “đi” trên mạng, dấu chân của mình sẽ ở đó mãi.
Khi lớn hơn, mình mới bắt đầu nhận ra điều đó. Lâu lâu Facebook nhắc lại “ngày này năm đó” mà mình… muốn đội quần vì “nhục như con cá nục”! Xem lại tin nhắn với crush, mình còn mong bị mất tài khoản, xóa hết sạch dữ liệu đi.
Chúng mình có đang dùng mạng xã hội vô tư quá?
Ở trên mạng, dù mọi sai lầm sẽ được lưu trữ, mình lại hành động ít cẩn trọng hơn so với ngoài đời. Mình thoải mái thả tim cho những thứ mình yêu thích, dù bên ngoài không dám thể hiện vì sợ bị đánh giá. Những ý kiến cũng được thảo luận dễ dàng hơn, chẳng cần đợi người khác nói xong mình mới được lên tiếng. Cũng không cần “thứ bậc”, bằng cấp gì để được phát biểu, chỉ cần có một tài khoản cá nhân là được.
Sự tự do này mình chưa thể tìm thấy ở bất cứ xã hội nào, ngoài trên mạng. Vì được “trốn” đằng sau cái màn hình, nên mình chẳng ngại bộc lộ cả những tính xấu. Thậm chí có cả một thuật ngữ để gọi tên hiện tượng này luôn - hiệu ứng giải tỏa ức chế trực tuyến (online disinhibition effect). Chúng ta không cố kiềm chế những cảm xúc tiêu cực khi giao tiếp trên mạng, so với nói chuyện mặt đối mặt.
Đọc những lời chỉ trích nặng nề hướng đến các nhân vật bị “phốt” chuyện phát ngôn trong quá khứ, chẳng hạn rapper Negav, mình tự hỏi liệu người viết những dòng chữ đó có dám nói điều ấy ra trước mặt Negav? Nhiều người đang lên án Negav vì đã để lại “dấu ấn trên mạng” xấu xí, nhưng chính họ cũng đang để lại những câu từ không hay.
Mạng xã hội được xem là “ảo” nhưng những tác động của nó đến cuộc sống chúng ta là thật. Mình không tham gia vào cuộc tranh cãi, chỉ đọc lướt qua thôi mà cũng thấy tiêu cực, nặng nề cả ngày. Hầu hết chúng ta đều biết ít nhất một cái kết đau lòng vì bạo lực trên mạng, đâu thể loại trừ khả năng điều tương tự tiếp diễn đâu?
Hãy “làm đẹp” tài khoản trên mạng!
Nếu chúng ta đầu tư về phần nội dung như cách ta chỉn chu với mỗi bức ảnh được đăng lên, không chỉ chính mình đẹp hơn mà xã hội trên mạng cũng vậy!
Các “dấu chân trên mạng” sẽ tạo nên danh tiếng của chúng mình. Những kênh ta theo dõi, nội dung ta đăng, thích hoặc chia sẻ, bình luận ta đưa ra và những gì ta được gắn thẻ đều góp phần tạo nên danh tiếng kỹ thuật số của chúng ta.
Dù chúng mình có phải là người nổi tiếng hay không, việc giữ gìn hình ảnh cá nhân ở nơi “công cộng” như mạng xã hội cũng là rất cần thiết.
Sau đây là những cách để lại dấu chân “dịu kha” nhất có thể:
1. Dừng lại vài giây trước khi quyết định hành động gì đó.
2. Đặt những câu hỏi sau:
a. Người khác sẽ nhìn nhận mình như thế nào nếu mình đăng tải nội dung này?
b. Mình có muốn người khác đăng tải cái này về mình không?
c. Nếu người thân, bạn bè, thầy cô, và tất cả mọi người nhìn thấy cái này, mình có ổn không?
Nếu câu trả lời là KHÔNG, đừng hành động gì cả!
3. Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn được đối xử.
4. Kiểm tra các nội dung bạn được gắn thẻ, nhắc đến, nếu nó không phù hợp hãy xóa đi.
5. Kiểm tra cài đặt quyền riêng tư.
Mình thấy mừng khi đa phần người trẻ chúng ta biết dừng lại, không đẩy mọi chuyện đi quá xa cho dù rất phẫn nộ với những điều mà rapper Negav đã làm. Khi thông tin về gia đình, địa chỉ nhà của anh bị rò rỉ trên mạng, nhiều người dùng đã kịch liệt phản đối và yêu cầu bảo vệ quyền riêng tư cá nhân cho anh.
Có những “dấu chân” không đẹp, đáng bị phê bình nhưng là để thay đổi, cải thiện kịp thời, chứ đừng chà đạp nó thêm. Hãy cho chính những dấu chân đó có cơ hội được “bước” tiếp!