Ai cũng có thể mất tiền với chiêu trò lừa đảo mới trên Facebook

Thời gian gần đây, nhiều người đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo tinh vi thông qua các fanpage Facebook giả mạo khách sạn và homestay.

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo tiền cọc homestay hoặc khách sạn

Trong thời đại số hóa, việc đặt phòng trực tuyến trở thành một thói quen phổ biến của du khách. Tuy nhiên, sự thuận tiện này cũng mở đường cho những chiêu trò lừa đảo tinh vi trên Facebook, nơi hàng loạt fanpage giả mạo khách sạn, homestay được tạo ra hoặc đổi tên để chiếm đoạt tiền cọc của người dùng.

Kẻ gian lợi dụng tâm lý thích săn ưu đãi, giá rẻ để tạo ra những fanpage giả với hình ảnh đẹp mắt, thông tin đánh lừa người dùng đặt phòng.

Chiêu trò lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho du khách mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở lưu trú. Cá biệt có nạn nhân bị lừa hơn 1 tỉ đồng khi đặt phòng khách sạn online thông qua một fanpage tích xanh giả mạo.

 Chiêu trò lừa đảo tiền cọc đặt phòng khách sạn online ngày càng phổ biến. Ảnh: AI

Chiêu trò lừa đảo tiền cọc đặt phòng khách sạn online ngày càng phổ biến. Ảnh: AI

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Theo đó, những kẻ lừa đảo sẽ xây dựng fanpage với tên gần giống hoặc trùng với các homestay, khách sạn nổi tiếng hoặc nhanh hơn là mua lại các fanpage cũ, đổi tên để lừa đảo.

Chúng sử dụng hình ảnh thật của cơ sở lưu trú, lấy thông tin từ website “chính chủ” để tạo lòng tin. Một số trang còn chạy quảng cáo để tiếp cận khách hàng, khiến nạn nhân tin rằng đây là trang chính thống.

Khi khách hàng nhắn tin đặt phòng, kẻ gian sẽ yêu cầu chuyển khoản tiền cọc, thường từ 30-50% giá trị đặt phòng, rồi sau đó chặn liên lạc hoặc biến mất hoàn toàn.

Nhiều du khách chỉ phát hiện mình bị lừa khi đến tận nơi mới biết khách sạn không nhận được đặt phòng của họ.

Một số trường hợp khác, fanpage giả vẫn duy trì hoạt động và tiếp tục lừa các nạn nhân khác, vì vậy số tiền chiếm đoạt có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Cách nhận diện fanpage Facebook giả mạo

Những fanpage giả thường có một số đặc điểm giúp người dùng nhận diện và tránh trở thành nạn nhân.

Một trong những dấu hiệu quan trọng là ngày tạo trang. Các fanpage chính thức của khách sạn, homestay thường được lập từ lâu, có lượt tương tác cao, trong khi fanpage giả thường mới lập, có lượng theo dõi thấp hoặc sử dụng tương tác ảo.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp kẻ gian mua lại một fanpage có lượt Like cao, sau đó đổi tên để lừa đảo.

 Fanpage giả mạo một cơ sở lưu trú ở Sapa. Ảnh: MINH HOÀNG

Fanpage giả mạo một cơ sở lưu trú ở Sapa. Ảnh: MINH HOÀNG

Để kiểm tra, bạn hãy truy cập vào fanpage đó, chuyển sang mục Giới thiệu - Tính minh bạch của Trang - Xem tất cả.

Trong trang mới hiện ra, bạn có thể biết được lịch sử đổi tên của fanpage và vị trí của những người quản lý trang. Nếu trang đã được đổi tên nhiều lần và vị trí của những người quản lý ở các quốc gia khác ngoài Việt Nam thì nhiều khả năng là lừa đảo. Thậm chí, nếu vị trí là ở Việt Nam cũng cần phải xác minh thêm một số bước khác.

 Một fanpage được mua lại, sau đó đổi tên để lừa đảo. Ảnh: MINH HOÀNG

Một fanpage được mua lại, sau đó đổi tên để lừa đảo. Ảnh: MINH HOÀNG

Bên cạnh đó, đường dẫn của fanpage giả mạo thường không chuyên nghiệp, có thể chứa ký tự lạ hoặc lỗi chính tả. Người dùng cần kiểm tra xem trang có dấu tích xanh hay không, vì hầu hết các thương hiệu lớn đều đã đăng ký xác thực với Facebook.

Một cách khác để xác minh độ tin cậy là tìm kiếm thông tin của khách sạn trên Google, kiểm tra xem trang web chính thức có dẫn đến fanpage đang liên hệ hay không. Nếu không tìm thấy bất kỳ liên kết nào từ website hoặc các nền tảng đặt phòng uy tín (như Agoda, Booking…), rất có thể đó là fanpage giả mạo.

Ngoài ra, hãy cảnh giác với những yêu cầu đặt cọc gấp gáp, giá quá rẻ so với thị trường hoặc các phương thức thanh toán đáng ngờ.

Các khách sạn uy tín thường có chính sách đặt cọc rõ ràng, cung cấp hóa đơn hoặc email xác nhận khi giao dịch. Nếu chỉ có một số tài khoản cá nhân nhận tiền, không có thông tin pháp lý rõ ràng, rất có thể bạn đang giao dịch với kẻ lừa đảo.

Để kiểm tra độ uy tín của homestay, bạn có thể tìm thông tin trên Google bằng cách gõ tên homestay + “lừa đảo” xem có ai từng tố cáo hay chưa. Đồng thời xem đánh giá trên các group du lịch uy tín, đọc review từ những người đã từng đặt phòng…

Facebook và cơ quan chức năng vào cuộc

Trước thực trạng ngày càng nhiều vụ lừa đảo diễn ra, Facebook đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, nhưng việc phát hiện và xóa các trang giả mạo vẫn chưa triệt để.

Một số fanpage lừa đảo bị báo cáo và đóng cửa, nhưng ngay sau đó, những trang mới lại được lập ra, khiến cuộc chiến chống lừa đảo trên nền tảng này gặp nhiều thách thức.

Cơ quan chức năng cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo người dân chỉ nên đặt phòng qua các kênh chính thống và kiểm tra kỹ trước khi chuyển khoản. Một số địa phương đã tiến hành điều tra, truy quét các nhóm lừa đảo, song việc xử lý vẫn gặp khó khăn do nhiều kẻ gian hoạt động ẩn danh và sử dụng tài khoản ngân hàng "rác" để nhận tiền.

Người dùng cần làm gì khi bị lừa?

 Ths Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử của trường FPT Polytechnic TP.HCM. Ảnh: NVCC

Ths Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử của trường FPT Polytechnic TP.HCM. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PLO, Ths Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử của trường FPT Polytechnic TP.HCM cho biết: “Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết một fanpage homestay giả mạo là mức giá phòng quá rẻ. Nếu giá thuê quá thấp so với mặt bằng chung, đặc biệt là những chỗ đẹp, vị trí trung tâm, thì 90% là lừa đảo.

Thứ hai là kẻ lừa đảo thường tạo áp lực kiểu "nhiều người hỏi lắm, chuyển khoản giữ chỗ ngay không mất" để ép người dùng chuyển tiền nhanh”.

Nếu phát hiện mình đã chuyển khoản vào tài khoản lừa đảo, nạn nhân cần ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để yêu cầu hỗ trợ phong tỏa giao dịch. Đồng thời, báo cáo vụ việc với cơ quan công an địa phương để có hướng xử lý.

“Để tránh bị mất tiền oan, người dùng chỉ nên tìm homestay qua các nền tảng uy tín như Agoda, Booking.com, Airbnb… Đồng thời yêu cầu họ cho xem phòng trực tiếp, video call trước khi chuyển tiền. Nếu viện lý do này nọ không cho xem phòng trước, khả năng cao là lừa đảo”, ông Huy nhấn mạnh.

Việc chia sẻ thông tin về các trang lừa đảo trên mạng xã hội cũng giúp cảnh báo những người khác, hạn chế số nạn nhân mới.

Trong bối cảnh lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến, người dùng cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch. Kẻ gian luôn tìm cách thay đổi thủ đoạn, nhưng nếu trang bị đủ kiến thức và kỹ năng nhận diện, người dùng có thể bảo vệ chính mình trước những cạm bẫy trên không gian mạng.

Minh Hoàng

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ai-cung-co-the-mat-tien-voi-chieu-tro-lua-dao-moi-tren-facebook-post833670.html
Zalo