AI có làm mất nhiều việc làm tại các doanh nghiệp Việt Nam?

Với khả năng xử lý dữ liệu nhanh chóng và đưa ra quyết định chính xác, AI đã hỗ trợ đắc lực con người ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại, AI đã, đang và tiếp tục 'ăn cắp' công việc của con người.

Lo ngại AI đánh cắp việc làm

Trong vài năm gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển “thần tốc”, nhiều phần mềm AI đã tạo ra cơn địa trấn ra khắp thế giới, như Chat GPT, Siri của Apple, Alexa của Microsoft, hay Gemini của Google,...

Với khả năng xử lý dữ liệu nhanh chóng và đưa ra quyết định chính xác, nhiều phần mềm AI đã hỗ trợ con người ở nhiều lĩnh vực, tăng hiệu quả công việc. Mặc dù vậy, một số ý kiến lo ngại, AI đã, đang và tiếp tục “ăn cắp” công việc của con người.

Ví dụ như trong ngành lồng tiếng. Trước đây, để tạo ra một TVC quảng cáo, bên cạnh phần hình ảnh, nhà sản xuất phải cần một phát thanh viên có giọng đọc tốt, phù hợp với nội dung quảng cáo để đọc lời dẫn, thậm chí là thay thế giọng nói của nhân vật đóng quảng cáo. Tuy nhiên, phần công việc này đang bị thay thế bởi AI.

Nhiều ý kiến lo ngại AI đánh cắp việc làm. (Ảnh: ST)

Nhiều ý kiến lo ngại AI đánh cắp việc làm. (Ảnh: ST)

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Thế Anh, một biên tập viên phát thanh khá có tiếng tại TP HCM chia sẻ: Với công nghệ hiện nay, phần lồng tiếng vẫn còn “vô hồn”, chưa thay thế được hoàn toàn việc lồng tiếng cho các TVC quảng cáo, tuy nhiên với sự phát triển công nghệ rất mạnh như hiện nay, nhiều tính năng mới được sinh ra và có thể tạo ra các giọng đọc hay hơn, truyền cảm hơn. Trong trường hợp này, các phát thanh viên, biên tập viên và diễn viên lồng tiếng có thể mất nghề.

Bên cạnh lồng tiếng, AI đang làm rất tốt các công việc liên quan tới thiết kế đồ họa. Nhiều công ty hiện nay đang có xu hướng “nuôi” AI với mức chi phí bỏ ra thấp hơn rất nhiều, thay vì trả lương cho nhân sự trong ngành thiết kế đồ họa.

Báo cáo Chỉ số Xu hướng công việc 2023 đã thực hiện khảo sát 31.000 người đại diện cho nhiều ngành nghề khác nhau tại 31 quốc gia, trong đó có 14 nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam cho thấy: 54% người lao động tại Việt Nam lo lắng Al sẽ thay thế vị trí công việc của họ.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra, nhiều người lao động co xu hướng ỉ lại vào AI. Cụ thể, 90% mong muốn giao càng nhiều việc càng tốt cho Al để giảm bớt khối lượng công việc.

Cứ 10 người lao động Việt Nam thì có 9 người cảm thấy thoải mái khi sử dụng Al không chỉ cho các công việc hành chính (94%) mà còn cho công việc phân tích (94%) và thậm chí cả các khía cạnh sáng tạo trong công việc của họ (91%) (và tỷ lệ này trên toàn cầu lần lượt là 76%, 79%, và 73%).

Không hoàn toàn thay thế

Ông Ian Crichton, Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn giáo dục Study Group cho rằng: AI sẽ đẩy người lao động ra khỏi vị trí cũ (displace) chứ không hoàn toàn thay thế (replace) họ.

Có nghĩa là AI không thay thế con người theo cách tuyệt đối, mà nó thay đổi bản chất của công việc, khiến người lao động phải dịch chuyển sang một lĩnh vực khác, hoặc đảm nhận vai trò khác.

Theo ông Ian Crichton, AI vừa mang đến cơ hội, vừa ẩn chứa rủi ro. Lấy ví dụ trong ngành y tế, đặc biệt là chẩn đoán những bệnh hiếm gặp. Nếu một bệnh nhân mắc một căn bệnh rất hiếm, và phải chụp chiếu hình ảnh (như X-quang hoặc MRI) để phát hiện bệnh, thì một bác sĩ bình thường có thể chỉ gặp từ 7 đến 8 trường hợp như vậy mỗi năm. Điều này khiến kinh nghiệm chẩn đoán của họ bị giới hạn.

Nhưng nếu ta thu thập tất cả các dữ liệu từ hàng ngàn bác sĩ trên toàn thế giới, tập hợp hàng trăm ngàn hình ảnh bệnh đó và huấn luyện một hệ thống AI để phân tích, thì AI có thể chẩn đoán chính xác hơn con người rất nhiều trong trường hợp cụ thể đó, ví dụ như nhận diện ung thư.

Khi đó, công việc của bác sĩ trong việc đọc ảnh chụp sẽ bị thay thế bởi AI, nhưng thực chất, AI chỉ thay thế một phần công việc, phần chuyên biệt mà nó được huấn luyện để làm.

AI không thể xử lý những vấn đề tổng quát hơn, hoặc những bệnh khác nằm ngoài phạm vi được đào tạo. Ví dụ, nếu tấm X-quang có dấu hiệu của một căn bệnh khác, không phải ung thư mà AI được lập trình tìm kiếm, thì nó sẽ bỏ sót.

“Do đó, công việc không biến mất hoàn toàn, mà được tái cấu trúc, tái phân bổ. AI sẽ lo phần chuyên môn hóa cao, còn con người cần đóng vai trò kiểm soát tổng thể, liên kết các vấn đề khác nhau, hoặc xử lý các tình huống phức tạp hơn mà AI chưa thể làm được”, ông Ian Crichton nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ai-co-lam-mat-nhieu-viec-lam-tai-cac-doanh-nghiep-viet-nam-10286880.html
Zalo