AGRITECHNICA ASIA: Giải bài toán chi phí bằng chuyển giao công nghệ

Triển lãm AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025 được kỳ vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp giải bài toán chi phí bằng chuyển giao công nghệ.

Chiều 14/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo công bố Triển lãm AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025, với chủ đề “Thúc đẩy sáng kiến xanh ở Đông Nam Á”.

Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức AGRITECHNICA ASIA

AGRITECHNICA ASIA là Triển lãm thương mại nông nghiệp hàng đầu thế giới do DLG tổ chức, dựa trên di sản của AGRITECHNICA tại Hannover (Đức) - nơi đã giới thiệu công nghệ nông nghiệp từ năm 1985.

Ông Peter Grothues (ngoài cùng bên trái); Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) đồng chủ trì buổi họp báo.

Ông Peter Grothues (ngoài cùng bên trái); Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) đồng chủ trì buổi họp báo.

Đây là lần đầu Việt Nam tổ chức AGRITECHNICA ASIA. Sự kiện được tổ chức đồng thời với HortEx Vietnam, cùng sự hợp tác của Công ty TNHH Dịch vụ Quảng cáo và Triển lãm Minh Vi (VEAS) và Nova Exhibitions BV. HortEx Vietnam - triển lãm hàng đầu Đông Nam Á về nghề làm vườn và hoa chuyên nghiệp.

Chuỗi sự kiện này được kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều giải pháp cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp và người nông dân khám phá, áp dụng công nghệ nông nghiệp tiên tiến, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng.

Ban tổ chức thông tin, AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025 sẽ tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, bao gồm lúa gạo, mía, ngô, cây lương thực, cà phê và trái cây. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 200 đơn vị từ 25 quốc gia và hàng nghìn chuyên gia trên thế giới.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Peter Grothues - Thành viên Hội đồng Thị trường, Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) - cho biết, 3 trụ cột của triển lãm thương mại nông nghiệp là: thúc đẩy tri thức, trao đổi giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng và hướng tới đổi mới sáng tạo theo hướng thân thiện môi trường, người sử dụng.

“Với ngành nông nghiệp, người sản xuất đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, DLG hy vọng AGRITECHNICA sẽ vừa mở ra một sân chơi, vừa tạo ra những cơ hội để đóng góp những công nghệ lõi cho các nền nông nghiệp châu Á hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh”, ông Grothues chia sẻ và cho hay, ngày càng có nhiều gương mặt mới tham gia vào AGRITECHNICA. Các công nghệ giới thiệu trong sự kiện năm nay sẽ rất phù hợp với các cây trồng chủ lực của Việt Nam như lúa, cà phê, cây ăn quả.

Giải bài toán chi phí bằng chuyển giao công nghệ

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đánh giá, ngành nông nghiệp Việt Nam tuy có nhiều bước phát triển, năng lực sản xuất lớn, nhưng vẫn còn nhiều thửa ruộng nhỏ, khác biệt so với các nền nông nghiệp hiện đại. Hy vọng, thông qua triển lãm đầu tiên này, các nhà sản xuất máy móc sẽ nắm được nhu cầu của thị trường, từ đó có phương án chế tạo ra các máy móc phù hợp hơn trong các kỳ triển lãm kế tiếp.

Bên cạnh đó, bà Thủy cũng kỳ vọng, trong tương lai, các bên liên quan tăng cường hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp. Đồng thời, tiến tới việc nhập khẩu, chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam. Đây cũng là biện pháp căn cơ để giải quyết trăn trở lớn nhất về chi phí, giá thành, theo bà Thủy. Việc này cũng giúp nền nông nghiệp và các công nghệ phụ trợ phát triển ở Việt Nam.

“Sẽ không còn biên giới cho công nghệ, nếu phù hợp và mang lại lợi nhuận cho người nông dân”, bà Thủy bày tỏ và khẳng định, đó cũng là định hướng của nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

TS. Nguyễn Văn Hùng - Chuyên gia cấp cao, Trưởng nhóm Cơ giới hóa và sau thu hoạch - Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) – thông tin, trong sản xuất lúa, nếu có thể cải thiện tổn thất sau thu hoạch 5-10%, Việt Nam có thể đem lại lợi ích tương đương hơn 300 triệu USD. Các tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ là vô cùng cần thiết, nhất là khi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại Đồng bằng sông Cửu Long.

“Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ cơ giới hóa trong vùng đề án đặt mục tiêu 50%. Đây là cơ hội lớn, để những công nghệ làm đất bằng san phẳng laser, gieo sạ chính xác… Những vấn đề này có thể tìm thấy tại AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025”, ông Hùng chia sẻ.

Là đơn vị sẽ tổ chức triển lãm tại AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025, đại diện IRRI cam kết mang tới những công nghệ phù hợp với nông nghiệp châu Á, chẳng hạn máy cuốn rơm, hoặc ứng dụng quản lý mùa vụ.

Về công nghệ sau thu hoạch, ông Hùng cho rằng, cần căn cứ vào quy mô sản xuất của người dân. Hiện Việt Nam đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao. Do đó, dư địa cho các nền tảng công nghệ là rất lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam - đánh giá, thị hiếu của người Việt Nam đòi hỏi máy móc không những chất lượng, mà còn phải phù hợp với vấn đề kinh tế, giá trị sử dụng lâu dài. Ngoài ra, do đặc thù về khí hậu đa dạng, bao gồm cả nhiều vùng tiểu vùng khí hậu, nên một số khu vực tại Việt Nam cần những loại máy móc chuyên biệt.

Thông qua AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025, ông Nguyễn Ngọc Thạch hy vọng các bên tham gia sẽ ngày càng hiểu rõ nhu cầu của nhau. Đồng thời, tìm ra các sản phẩm phù hợp với khả năng, thị hiếu với yêu cầu thị trường.

AGRITECHNICA ASIA Việt Nam 2025 được tổ chức từ ngày 12-14/3 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh. Ngoài sự kiện chính, AGRITECHNICA ASIA 2025 còn tổ chức nhiều chương trình bên lề, như hội nghị, hội thảo với các chủ đề hấp dẫn như đổi mới xanh, ứng dụng AI, flycam trong canh tác nông nghiệp…

Trước đó, trong chiều 12/2, ban tổ chức cũng tổ chức họp báo, giới thiệu về AGRITECHNICA ASIA 2025 tại TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/agritechnica-asia-giai-bai-toan-chi-phi-bang-chuyen-giao-cong-nghe-373875.html
Zalo