ACBS: Tìm kiếm cơ hội đầu tư từ 3 chủ điểm lớn nhất thị trường năm 2025

Năm 2025, ACBS sẽ tập trung vào các cổ phiếu được hưởng lợi rõ rệt từ 3 chủ điểm lớn gồm: ảnh hưởng của thương chiến lên nền kinh tế Việt Nam, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy đầu tư công.

Năm 2024, VN-Index tăng 12,11% so với đầu năm. Tuy nhiên, phần lớn thời gian, chỉ số giao dịch trong biên độ 1.185 - 1.290 điểm. Nền kinh tế của Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng phục hồi bền vững, nhưng thiếu vắng sự đột phá mạnh mẽ đủ để thúc đẩy VN-Index thăng hoa, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ACBS, năm 2024, Mỹ tiếp tục duy trì vị thế "miền đất hứa" đối với các quỹ đầu tư. Dòng tiền đầu tư toàn cầu rút khỏi các thị trường mới nổi, cận biên về thị trường Mỹ trở thành một làn sóng xuyên suốt cả năm. Làn sóng này tạm thời chững lại khi Fed bắt đầu hạ lãi suất. Tuy nhiên, sự kiện Donald Trump thắng cử nhiệm kỳ 2025 - 2029 khiến DXY tăng mạnh, cùng với quan điểm thận trọng của Fed về lộ trình hạ lãi suất năm 2025 sẽ khiến làn sóng này tiếp tục duy trì trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung bước vào năm 2025 với một vị thế không có nhiều thuận lợi từ môi trường vĩ mô thế giới ngày càng trở nên kém ổn định. Rủi ro lớn nhất đến từ vấn đề tỷ giá và khả năng suy giảm xuất khẩu nếu thương chiến diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Để dự báo và đối phó với một bối cảnh kém chắc chắn là điều không dễ dàng đối với các nhà điều hành chính sách.

Do đó, phát huy nội lực trở thành bước đi chiến lược để duy trì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới. Để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực và bất định từ ngoại cảnh, Chính phủ Việt Nam đang thể hiện quyết tâm cao độ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ các động lực trong nước. Trong đó, quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công trên nền tảng tinh giản bộ máy hành chính và kiện toàn văn bản pháp luật là những bước đi chiến lược. ACBS dự báo, GDP 2025 của Việt Nam có thể đạt 7 - 7,5%.

Năm 2025 cũng là năm bản lề của thị trường chứng khoán Việt Nam với sự kiện được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE sau 7 năm kể từ khi được vào watchlist. Sự kiện này được đánh giá sẽ mang lại cho VN-Index dòng vốn ngoại từ các quỹ ETF, các quỹ chủ động, cũng như khả năng nâng định giá lên mức cao hơn, từ đó hỗ trợ đà tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ngoài ra, ACBS dự phóng, lợi nhuận sau thuế năm 2025 của các doanh nghiệp niêm yết có khả năng tăng 15 - 16% so với cùng kỳ và được dẫn dắt, ảnh hưởng chính bởi lợi nhuận của ngành ngân hàng.

Với triển vọng tăng trưởng như trên, trong bối cảnh vĩ mô toàn cầu ẩn chứa nhiều biến động, ACBS cho rằng, nền định giá hợp lý của VN-Index sẽ tiếp tục bám sát P/E trung vị 3 năm, tương ứng với vùng dao động 1.240 - 1.420 điểm trên nền thanh khoản tăng 15% so với bình quân năm 2024.

Nhìn chung, ba chủ điểm đầu tư lớn nhất trong năm 2025 là: Ảnh hưởng của thương chiến lên nền kinh tế Việt Nam, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy đầu tư công.

Do đó, ACBS tập trung vào các cổ phiếu được hưởng lợi rõ rệt từ 3 chủ điểm lớn này là bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và vận tải biển, đầu tư công.

Trong đó, bất động sản khu công nghiệp có triển vọng từ tình hình kinh tế vĩ mô và chính trị của Việt Nam vẫn ổn định, đầu tư công được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ cao (AI, bán dẫn…) và các dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D sẽ thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp. Đặc biệt, xu hướng Trung Quốc +1 và căng thẳng Trung Quốc – Đài Loan sẽ tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài di dời/mở rộng sản xuất sang Việt Nam khi tổng thống Trump đăng nhiệm.

Đối với ngành cảng biển và vận tải biển, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến các nhà máy dịch chuyển khỏi Trung Quốc để tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế. Trong đó, Việt Nam được hưởng lợi nhờ vị trí địa lý chiến lược tiếp giáp Biển Đông, chi phí lao động cạnh tranh và môi trường đầu tư tích cực. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP được ký kết trong giai đoạn 2018 – 2020 giúp Việt Nam phần nào đảm bảo được lượng hàng hóa thông qua được duy trì ổn định, giảm thiểu ảnh hưởng của biến động thương mại từ 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Đối với đầu tư công, ACBS kỳ vọng đây sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2025, năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, và tuyến đường sắt Bắc Nam.

Ngoài ra, ACBS nhận thấy có một số nhóm ngành vẫn duy trì được lợi nhuận tích cực trong năm 2025 trên định giá hợp lý là ngân hàng và ngành điện, vậy nên nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành kể trên.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/acbs-tim-kiem-co-hoi-dau-tu-tu-3-chu-diem-lon-nhat-thi-truong-nam-2025-post361744.html
Zalo