Các chuỗi F&B Trung Quốc đổ bộ Đông Nam Á, đã mở hơn 6.100 cửa hàng
Đông Nam Á đang trở thành mảnh đất 'màu mỡ' cho các thương hiệu F&B Trung Quốc, trong bối cảnh các công ty đang tìm cách mở rộng ra ngoài thị trường nội địa.
Các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia đang thu hút sự quan tâm lớn từ các thương hiệu thực phẩm và đồ uống (F&B) của Trung Quốc, khi các thương hiệu này tìm kiếm cơ hội mới ngoài thị trường trong nước đầy cạnh tranh, Nikkei Asia cho biết.
Báo cáo từ công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore cho thấy tính đến cuối tháng 12/2024, khoảng 60 thương hiệu Trung Quốc, bao gồm Mixue, Luckin Coffee và chuỗi lẩu Haidilao, đã mở hơn 6.100 cửa hàng tại Đông Nam Á, tăng hơn 3 lần so với khoảng 1.800 cửa hàng vào năm 2022.
"Đông Nam Á là điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu Trung Quốc nhờ sự gần gũi về địa lý và văn hóa”, ông Jianggan Li, CEO của Momentum Works, chia sẻ.
Báo cáo chỉ ra rằng Singapore và Malaysia đang dẫn đầu về số lượng thương hiệu Trung Quốc nhờ tỷ lệ lớn dân số sử dụng tiếng Trung. Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia, với thị trường đông dân và đầy tiềm năng, chiếm tới 2/3 tổng số cửa hàng, đặc biệt là ở phân khúc phục vụ đại chúng.
Tại quê nhà, sự bùng nổ của ngành F&B đang phải trả giá. Chỉ trong nửa đầu năm 2024, hơn 1 triệu nhà hàng tại Trung Quốc đã phải đóng cửa, tăng 70% so với năm trước, do suy thoái kinh tế và áp lực cạnh tranh khổng lồ. Điều này buộc các thương hiệu lớn như Luckin Coffee và Haidilao phải tìm kiếm cơ hội phát triển bên ngoài.
"Cạnh tranh gay gắt đã thúc đẩy các thương hiệu F&B Trung Quốc phát triển năng lực cạnh tranh trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh và tìm kiếm cơ hội tăng trưởng bên ngoài thị trường nội địa", báo cáo nhận định.
Theo báo cáo, dù chỉ bằng khoảng 17% quy mô thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á lại là "miền đất hứa" với mức độ cạnh tranh thấp hơn, đồng thời sở hữu thị trường tiêu dùng đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Dữ liệu cho thấy chi tiêu cho lĩnh vực này tại Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia đã tăng lên 127 tỷ USD vào năm 2023, vượt mức 115,7 tỷ USD trước đại dịch năm 2019 và 80,7 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dự kiến chậm lại vào năm 2024, đạt khoảng 132,9 tỷ USD.
Các thương hiệu Trung Quốc không chỉ mở rộng mà còn khéo léo thích nghi với thị trường bản địa. Luckin Coffee là một ví dụ điển hình. Vào tháng 12 năm ngoái, hãng đã hợp tác với tiệm bánh "Butterbear" tại Bangkok để tung ra dòng đồ uống lễ hội, kết hợp với linh vật gấu Thái Lan "Nong Noey" - nhân vật đang gây sốt trên mạng xã hội.
Đặc biệt, các thương hiệu còn áp dụng những chiến thuật từ Trung Quốc như tối ưu hóa không gian cửa hàng và sử dụng linh vật để quảng bá sản phẩm, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho người tiêu dùng địa phương.
Dù sự xuất hiện của các thương hiệu Trung Quốc có thể gây áp lực cho các thương hiệu nội địa, CEO của Momentum Works cho rằng tác động này không quá lớn.
“Không có thương hiệu nào có thể thống lĩnh toàn bộ ngành F&B ở bất kỳ thị trường nào, và tại Đông Nam Á, các nhà vận hành lớn đã mở rộng khắp khu vực”, ông Li nói. “Dù một số thương hiệu nhỏ có thể cảm thấy áp lực, hệ sinh thái chung sẽ thích nghi và trở nên cạnh tranh hơn”.
Hiện tại, thị trường F&B trong khu vực Đông Nam Á vẫn còn khác nhau về mức độ trưởng thành và giai đoạn phát triển. Ví dụ, hơn 2/3 giá trị dịch vụ thực phẩm tại Philippines được tạo ra bởi các cơ sở chuỗi vào năm 2023. Ở Việt Nam, con số này chỉ chiếm 6,7%. Thực tế này cho thấy, để hoạt động hiệu quả trên khắp Đông Nam Á, cần phải áp dụng các chiến lược bản địa hóa khác nhau.