A9 Bệnh viện Bạch Mai - nơi giành giật sự sống

70% tổng số nhân lực trong các bệnh viện là các điều dưỡng. Họ có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân nhưng cũng phải đối mặt nhiều rủi ro, áp lực khác nhau. Để hiểu hơn về những con người thầm lặng ấy, cùng đến với Trung tâm Cấp cứu A9 - nơi 'đầu sóng ngọn gió' của Bệnh viện Bạch Mai.

Công tác tại Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai - nơi sinh mạng của con người ở lằn ranh sinh tử, thế nhưng suốt 29 năm qua điều dưỡng Nguyễn Thanh Hoa đã gắn bó với nơi này và coi đó là gia đình của mình.

Điều dưỡng Thanh Hoa cho biết: "Tôi về với Trung tâm Cấp cứu A9 từ năm 1996 tới giờ, tức đã 29 năm gắn bó với nơi này. Khi bệnh nhân mới vào đây, rất có thể họ còn căng thẳng, không quen với cách làm việc của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi luôn dặn đồng nghiệp là phải đặt mình vào vị thế của bệnh nhân để hiểu được sự đau đớn, khó chịu của họ, từ đó có thể hiểu nhau hơn. Tôi nghĩ từ sự tìm hiểu lẫn nhau, sự cảm thông giữa người với người như vậy mà không khí ở A9 như một gia đình vậy".

Một điều dưỡng đang điều trị cho một bệnh nhân được cấp cứu tại A9 - Bệnh viện Bạch Mai.

Một điều dưỡng đang điều trị cho một bệnh nhân được cấp cứu tại A9 - Bệnh viện Bạch Mai.

Các bệnh nhân ở đây đều trong tình trạng nặng, nguy kịch, nhân viên y tế toàn thời gian chăm sóc từ ăn uống, đi vệ sinh, tắm rửa. Luôn tay luôn chân, các điều dưỡng tại A9 cùng lúc làm 3 - 4 nhiệm vụ trong ca trực, không được phép lơ là, bởi nếu chỉ không may tuột máy thở một vài phút, bệnh nhân có thể tử vong.

Với cường độ làm việc lớn, áp lực công việc cao, thế nhưng nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh đã được cứu chữa thành công. Điều đó chính là động lực lớn giúp cho các điều dưỡng tại A9 tiếp tục tận hiến với nghề.

Trung tâm cấp cứu A9 là nơi sinh mạng ở giữa sự sống và cái chết.

Trung tâm cấp cứu A9 là nơi sinh mạng ở giữa sự sống và cái chết.

Điều dưỡng Nguyễn Hồng Hải cho biết: "Tôi đã vào khoa Cấp cứu A9 được 3 năm rồi. Tôi phụ trách công việc chăm sóc bệnh nhân hôn mê, phải thở máy và những bệnh nhân bị bệnh nội khí quản, viêm xung huyết dạ dày, tĩnh mạch trung tâm và đôi khi cả những bệnh nhân có vết mổ sau khi phẫu thuật. Sau khi bệnh nhân nằm ở A9 khỏi bệnh và được phép xuất viện, họ thường viết thư cảm ơn chúng tôi. Có những cụ sau khi nằm ở đây khi về còn làm cả thơ tặng chúng tôi. Nhận được những cảm tình của bệnh nhân như vậy, chúng tôi vui lắm, càng làm cho tôi thêm động lực trong công việc".

Đối với bệnh nhân nặng tại A9, tình trạng bệnh có thể biến đổi liên tục. Do đó, bất cứ lúc nào, các y bác sĩ cũng phải sẵn sàng tham gia cấp cứu, kể cả nửa đêm.

Tất cả mọi người ở khoa Cấp cứu luôn phải xác định là nhiều áp lực, căng thẳng từ khối lượng công việc, chuyên môn và nguy cơ từ người nhà của người bệnh. Vượt qua tất cả, họ luôn tận tụy với công việc bằng lòng yêu nghề để giúp đỡ bệnh nhân phục hồi sức khỏe, chiến thắng bệnh tật và giúp người nhà của họ vơi bớt nỗi bất an.

Ở khoa cấp cứu A9, không một phút giây nào các bác sĩ, diều dưỡng được phép lơ là.

Ở khoa cấp cứu A9, không một phút giây nào các bác sĩ, diều dưỡng được phép lơ là.

Khác với các phòng bệnh thông thường, tại khoa Cấp cứu, âm thanh chúng ta nghe nhiều nhất có lẽ là tiếng tít tít của chiếc máy thở và những tiếng y lệnh dứt khoát, cùng bước chân vội vàng của các y, bác sĩ.

Những điều dưỡng tại Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai vẫn thường được gọi là những người gác cửa, giành giật sự sống cho bệnh nhân nặng từ bàn tay tử thần từ khắp các tỉnh, thành được chuyển về.

Nhiều người trong số những bệnh nhân ấy đã có sự hồi phục kỳ diệu và cũng có những người đã phải quay lại nơi này nhiều lần. Có lẽ với bất cứ ai đến đây, họ đều coi mỗi điều dưỡng như một người thân đặc biệt của mình.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin gửi tới các điều dưỡng tại A9 Bạch Mai và tất cả các những người Thầy thuốc sẽ luôn yêu đời, yêu nghề để tiếp tục sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Trung tâm cấp cứu A9 là khoa chăm sóc toàn diện, nên áp lực công việc của một điều dưỡng cũng nhiều hơn.

Trung tâm cấp cứu A9 là khoa chăm sóc toàn diện, nên áp lực công việc của một điều dưỡng cũng nhiều hơn.

Hoa Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/a9-benh-vien-bach-mai-noi-gianh-giat-su-song-305421.htm
Zalo