9 nhà giáo đặc biệt được vinh danh cống hiến trong 50 năm phát triển TP.HCM
Trong nhiều nhà giáo được vinh danh cống hiến vì sự phát triển TP.HCM, có người đã mất, có những người dù lớn tuổi vẫn miệt mài đóng góp cho giáo dục và nghiên cứu khoa học.
TP.HCM đang trải qua những ngày tràn ngập không khí chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhân dịp trọng đại này, TP.HCM cũng đã tôn vinh những cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong sự phát triển TP.HCM suốt 50 năm qua. Trong số đó, nhiều nhà giáo và cũng là nhà khoa học được vinh danh, có người đã mất, có những người dù lớn tuổi nhưng vẫn miệt mài đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu khoa học.
1.GS.TS Đặng Lương Mô
Ông là nhà giáo duy nhất ở TP.HCM được trao cùng lúc hai danh hiệu danh giá. Đó là danh hiệu tốp 60 cá nhân tiêu biểu vì có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM trong 50 năm qua. Đồng thời, ông được vinh danh trong tốp 50 kiều bào tiêu biểu do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM trao tặng.

GS.TS Đặng Lương Mô
GS.TS Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Hải Phòng. Ông từng có quá trình dài theo học và làm việc tại Nhật Bản. Đến nay, ông làm cố vấn và giảng dạy tại ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trong sự nghiệp, GS Mô đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học của Mỹ. Với những thành tựu đó, GS.TS Đặng Lương Mô đã làm rạng danh người Việt Nam trên lĩnh vực khoa học của thế giới. Ông đã được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992.
Khi trở về nước, GS.TS Đặng Lương Mô có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, như: Thiết lập Phòng thí nghiệm mô phỏng và Thiết kế vi mạch tại Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2000.
Ông đề xuất thiết lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tại ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2005. Trung tâm đã thiết kế thành công con chip đầu tiên của Việt Nam và thực chất đã ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới về vi mạch; đào tạo được hàng ngàn chuyên viên về thiết kế vi mạch cung cấp cho thị trường vi mạch trong nước và thế giới.
Ông khai mở chương trình sau ĐH về thiết kế vi mạch tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là chương trình sau đại học chính quy của một đại học Việt Nam đầu tiên giảng dạy bằng tiếng Anh với sự tham gia của đông đảo giáo sư Việt kiều và người nước ngoài. Chương trình đã đào tạo ra hàng trăm thạc sĩ về thiết kế vi mạch.

GS Đặng Lương Mô cùng đồng nghiệp, học trò
2. GS.TS Võ Văn Tới
Ông là người Việt Nam ở Hoa Kỳ, Trợ lý Ban Giám hiệu và Phát triển Khoa học kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe và sự sống tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ông là nguyên Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh tại trường này.
Ông được xem là người đặt nền móng cho ngành Kỹ thuật y sinh tại Việt Nam từ năm 2009.

GS.TS Võ Văn Tới là một trong 50 kiều bào tiêu biểu đóng góp cho sự phát triển TP.HCM
GS.TS Võ Văn Tới bắt đầu hành trình học tập và nghiên cứu tại Thụy Sĩ từ năm 1968, sau đó chuyển đến Mỹ năm 1983. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Mắt tại Sion (Thụy Sĩ), Giáo sư ngành Kỹ thuật Y sinh tại ĐH Tufts và Giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Pennsylvania (Mỹ).
Ông là tác giả của nhiều sáng chế trong lĩnh vực y sinh, như thiết bị nhỏ thuốc tự động, máy đo vận tốc bạch cầu trong mắt… và từng được cấp bằng sáng chế tại Mỹ.
Với những đóng góp nổi bật trong giảng dạy và nghiên cứu, GS Tới được trao giải “Giáo sư giỏi nhất” tại ĐH Tufts vào năm 2004. Ông cũng từng giữ chức Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), theo quyết định bổ nhiệm của Tổng thống Hoa Kỳ.
Dù đạt được nhiều thành tựu ở nước ngoài, GS Võ Văn Tới vẫn luôn hướng về quê hương với sáng kiến “On the way home – Đường về Tổ quốc”, góp phần tích cực vào sự phát triển khoa học – giáo dục trong nước.
Vào tháng 6-2022. tại Singapore, GS Võ Văn Tới đã nhận được giải thưởng danh giá "Giải thưởng thành tựu trọn đời của Hiệp hội Y khoa và Kỹ thuật Y sinh Quốc tế".


GS.TS Võ Văn Tới là nhà giáo có nhiều đóng góp trong lĩnh vực y sinh.
3. Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên
Ông là người Việt Nam ở Mỹ, giảng viên Khoa Điện tử viễn thông tại Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên sang Mỹ từ năm 13 tuổi, từng làm việc tại NASA – Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ, nhưng năm 2008 ông đã khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định trở về Việt Nam giảng dạy.
Tại Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, ông đã đồng hành và hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên, giúp hơn 20 sinh viên đạt được học bổng du học. Bên cạnh việc giảng dạy, ông tích cực kết nối sinh viên với các giáo sư, nhà nghiên cứu ở nước ngoài, tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam tiếp cận với môi trường học thuật quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên giảng dạy tại Trường ĐH Quốc tế. Ảnh: BN
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực học thuật, Tiến sĩ Uyên còn cùng cộng sự thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu thực tiễn như hệ thống giám sát giao thông, giám sát chất lượng nước, và hiện đang nghiên cứu ảnh hưởng của sóng viễn thông lên cơ thể người. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ cộng đồng kiều bào chế tạo đèn năng lượng mặt trời phục vụ bà con vùng sâu vùng xa – những chiếc đèn có thể thắp sáng vào ban đêm và tạo nguồn điện phù hợp cho việc trồng thanh long.
4. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
Ông là người Việt Nam tại Úc, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống được ghi nhận trong tốp 50 kiều bào tiêu biểu, thể hiện sự trân trọng dành cho những cống hiến của ông trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.
Ông là một trong những người Việt Nam trẻ nhất được nhận bằng tiến sĩ tại Australia, tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Harvard (Hoa Kỳ) và cũng là một trong số ít nhà khoa học đầu ngành hiện nay về kỹ thuật hàng không tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
5. GS.TS Lương Văn Hy
Ông là người Việt Nam ở Canada, giảng viên Khoa Nhân học Trường ĐH KHXH&NV, Giáo sư danh dự tại ĐH Quốc gia TP.HCM.
Ông nguyên là Trưởng khoa Nhân học, ĐH Toronto, Canada và là nguyên là chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu châu Á.
Tháng 1-2025 vừa qua, GS Lương Văn Hy lần thứ tư nhận Bằng khen của UBND TP.HCM vì những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, tinh thần hữu nghị giữa Việt Nam và nước sở tại (Canada). Đồng thời cũng là ghi nhận những đóng góp to lớn của ông trong việc hình thành và phát triển ngành Nhân học cho hai trung tâm đào tạo ngành KHXH&NV của cả nước, cùng đóng góp vì sự phát triển của TP. HCM trong suốt thời gian qua.

GS.TS Lương Văn Hy (đứng giữa) nhận Bằng khen của UBND TP.HCM tháng 1-2025. Ảnh: USSH
6. GS.TS Dương Nguyên Vũ
Ông là người Việt Nam tại Pháp. Ông là GS ngành Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ và là nguyên Giám đốc sáng lập và Giáo sư Chủ tịch Khoa học Hệ thống tại Viện John von Neumam trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.
Giáo sư theo học, nhận bằng thạc sĩ kỹ thuật (1986) và tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo (1990) tại Pháp.
Ông cũng từng là nguyên Hiệu trưởng danh dự Khoa Kỹ thuật và Khoa học Máy tính tại ĐH VinUni. GS Vũ còn là cố vấn chiến lược đổi mới sáng tạo cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.

GS.TS Dương Nguyên Vũ
Ông là nhà lãnh đạo có uy tín toàn cầu trong lĩnh vực nghiên cứu Quản lý Không lưu (ATM). Ông từng giữ chức trưởng ban nghiên cứu sáng tạo và sau đó là cố vấn khoa học cấp cao tại Tổ chức An toàn Không lưu Châu Âu (EUROCONTROL) từ năm 1995 đến 2012. Ông cũng là thành viên Ủy ban Khoa học SESAR JU thuộc Ủy ban Châu Âu (2010–2012). Ông cũng đặt nền móng cho một số giải pháp Quản lý dòng chảy không lưu.
7. PGS.TS Bùi Quốc Bảo
Ông là người Việt Nam ở Pháp, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ông từng là sinh viên khoa Kỹ thuật xây dựng tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Sau đó ông học thạc sĩ và tiến sĩ tại Pháp từ năm 2004 đến 2016. Và năm 2016, ông trở về làm việc tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Từ 7-2018, ông là Giám đốc Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ (FOSTECT) tại trường này. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông về động lực học của kết cấu; kết cấu khung bê tông cốt thép; vật liệu phi truyền thống; mô phỏng số.

PGS.TS Bùi Quốc Bảo (bìa trái) tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM vừa qua. Ảnh: BTC
8. Tiến sĩ Võ Hồng Đức
Ông là người Việt Nam ở Úc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh, kinh tế và tài nguyên của Trường ĐH Mở TP.HCM.
Theo thông tin từ Trường ĐH Mở TP.HCM, Tiến sĩ Võ Hồng Đức được ĐH Tây Úc (University of Western Australia - UWA) công nhận học vị tiến sĩ Kinh tế năm 2008. Trước đó, ông hoàn tất chương trình Thạc sỹ về nghiên cứu kinh tế của ĐH Queensland (UQ) năm 2003.
Tiến sĩ Đức là giảng viên, chủ nhiệm bộ môn, giảng viên thỉnh giảng tại nhiều trường ĐH như ĐH Tây Úc (UWA), ĐH Queensland (UQ), ĐH Curtin, ĐH Edith Cowan (ECU).
9. Một nhà giáo đã mất được TP.HCM vinh danh vì những đóng góp lớn về khoa học lịch sử
Nhà giáo, nhà khoa học Trần Văn Giàu là một trong 60 cá nhân được lãnh đạo TP.HCM tôn vinh vì có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều cống hiến, đóng góp cho cộng đồng, xã hội trên các ngành, lĩnh vực trong chặng đường 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM.
Ông sinh năm 1911 và mất năm 2010. Ông là giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học và là Nhà giáo Nhân dân Việt Nam. Ông cũng là nhà cách mạng, anh hùng lao động, Nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.
Ông quyết định cuộc Cách mạng tháng 8 tại Sài Gòn và quyết định nổ súng đánh Pháp ngày 23-9-1945 đầu tiên trong cả nước trong kháng chiến chống Pháp. Ông là Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam, thầy của nhiều thế hệ nhà sử học từ miền Bắc đến sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Ông sáng lập Giải thưởng Trần Văn Giàu và tổ chức trao tặng hằng năm với mục tiêu trao giải cho các tác giả với các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam Bộ và khu vực cực Nam Trung Bộ.