9 ngân hàng dự chi 33.000 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt

Sau mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2025, 9 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán đã chính thức thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, với tổng giá trị dự chi lên tới khoảng 33.000 tỷ đồng. Mức sinh lời từ cổ tức dao động 1 - 7%, trong đó cao nhất ghi nhận tại LPBank, TPBank và OCB.

Hiện có 4 ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt ngay trong tháng 5, với tổng số tiền khoảng 16.000 tỷ đồng. Trong khi đó, 5 ngân hàng còn lại bao gồm ACB, Techcombank, SHB, OCB và MB đã thông qua chính sách chia cổ tức bằng tiền nhưng chưa xác định thời điểm thực hiện cụ thể trong năm nay.

Tính theo thị giá cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 8/5, tỷ lệ sinh lời từ cổ tức tại một số ngân hàng vượt mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng (hiện phổ biến 5 - 6%/năm). Đơn cử, cổ phiếu LPB có tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt là 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. So với thị giá 33.000 đồng/cổ phiếu, tỷ suất sinh lời đạt khoảng 7,6%.

Danh sách ngân hàng chia cổ tức tiền mặt trong năm nay

Danh sách ngân hàng chia cổ tức tiền mặt trong năm nay

Theo Công ty Chứng khoán VPS, các doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt được đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Đây là yếu tố thu hút nhà đầu tư dài hạn nhờ khả năng sinh lời ổn định và tính an toàn cao.

LPBank hiện là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất ngành với 25%. Đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm, ngân hàng này thực hiện chia cổ tức tiền mặt, dự kiến chi gần 7.500 tỷ đồng cho đợt thanh toán này. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 20/5 và việc thanh toán được thực hiện sau đó một tuần.

Quyết định này gây bất ngờ bởi tại Đại hội cổ đông năm 2024, ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT LPBank từng tuyên bố không chia cổ tức tiền mặt trong 3 năm nhằm củng cố nền tảng tài chính. Tuy nhiên, tại kỳ họp năm nay, ông Thụy cho biết ngân hàng điều chỉnh kế hoạch để đảm bảo lợi ích tối đa cho cổ đông, theo đó chia cổ tức bằng tiền mặt 20% và cổ phiếu 5 - 7%.

Vào ngày 23/5, ba ngân hàng gồm VPBank, TPBank và VIB sẽ thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lần lượt là 5%, 10% và 7%.

VIB tiếp tục duy trì truyền thống chia cổ tức bằng cả tiền và cổ phiếu (ngoại trừ 3 năm dịch COVID-19), với kế hoạch chi hơn 2.000 tỷ đồng tiền mặt và phát hành cổ phiếu tỷ lệ tối đa 14% để tăng vốn điều lệ.

VPBank bước vào năm thứ ba liên tiếp chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, dù việc chi cổ tức ảnh hưởng tới nguồn vốn, ngân hàng vẫn thực hiện theo chiến lược tăng trưởng bền vững và cam kết lợi ích cổ đông. Chủ tịch Ngô Chí Dũng khẳng định kế hoạch này nằm trong lộ trình chia cổ tức tiền mặt liên tiếp trong 5 năm kể từ 2022.

TPBank cũng bước vào năm thứ ba liên tiếp chia cổ tức bằng cả tiền và cổ phiếu. Năm nay, ngân hàng dự chi hơn 2.600 tỷ đồng với tỷ lệ tiền mặt 10% và phát hành cổ phiếu tối đa 5%, trên cơ sở hoạt động tài chính ổn định và lành mạnh.

Trái ngược với xu hướng trên, nhiều ngân hàng khác như MSB, NamABank, NCB và KienlongBank năm nay không chia cổ tức bằng tiền mặt, mà phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, chuẩn bị cho các yêu cầu mới về hệ số an toàn vốn (CAR), dự kiến nâng từ 8% hiện hành lên 10,5% vào năm 2033.

Ngoài ra, các ngân hàng như Sacombank, Eximbank, SeABank và ABBank không thực hiện chia cổ tức trong năm nay. Sacombank hiện vẫn trong quá trình tái cơ cấu và phải chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án xử lý cổ phần của ông Trầm Bê. Trong khi đó, lãnh đạo SeABank và Eximbank cho biết việc không chia cổ tức nhằm ưu tiên củng cố năng lực tài chính nội tại.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/9-ngan-hang-du-chi-33-000-ty-dong-de-tra-co-tuc-tien-mat-317682.html
Zalo