Ngành cảng biển - logistics 'khát' nhân tài
Ngày 9/5, Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Hoạt động khai thác cảng biển tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức'. Hội thảo chỉ ra rằng, nhu cầu nhân lực cấp thiết và tiềm năng phát triển vượt bậc của ngành cảng biển, logistics Việt Nam.
Nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng 20% nhu cầu thực tế
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra một thực tế đáng chú ý: theo thống kê từ Hiệp hội Logistics Việt Nam, ngành logistics đang "khát" tới 300.000 nhân sự được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, nguồn cung lao động chính quy từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hiện tại chỉ mới đáp ứng được dưới 20% con số này. Điều này cho thấy dư địa tuyển dụng và đào tạo nhân lực cho ngành là rất lớn.

Các doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai
Nhận thức rõ nhu cầu của thị trường, Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã phát triển và thu hút người học cho ngành Logistics và Quản lý công nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Hán Khanh, Trưởng khoa Logistics và Quản lý công nghiệp, Đại học Thủ Dầu Một cho biết, chương trình đào tạo của khoa được xây dựng và cập nhật kiến thức tiên tiến của lĩnh vực này. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tự tin làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài nước, các hãng tàu, công ty logistics đa quốc gia có văn phòng tại Việt Nam.
"Doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm thông qua các hội thảo và sinh viên cần chủ động trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu của nhà tuyển dụng, các em sẽ có thể làm việc ngay sau khi ra trường. Tuy nhiên, việc cải thiện ngoại ngữ và công nghệ thông tin là yếu tố then chốt, nếu không tiếp cận, các em sẽ gặp nhiều khó khăn".

PGS.TS Nguyễn Hán Khanh, Trưởng khoa Logistics và Quản lý công nghiệp, Đại học Thủ Dầu Một
Ngành "miễn nhiễm" với làn sóng AI?
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nguồn nhân lực Tân Cảng cho biết, quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đang vẽ ra một bức tranh đầy triển vọng với hàng loạt dự án đã và đang được nghiên cứu, triển khai. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực cảng biển và logistics sẽ không ngừng gia tăng.
Điểm đặc biệt hấp dẫn là cơ cấu nhân sự đa dạng trong các doanh nghiệp cảng biển, bao gồm các bộ phận quan trọng như Trung tâm điều hành, Kinh doanh, Kỹ thuật, Tài chính - Kế toán và Hành chính - Nhân sự. Sự đa dạng này mang đến vô vàn lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Rất nhiều sinh viên Đại học Thủ Dầu Một đến với hội thảo để nghe các chuyên gia chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp
Ông Nhã nhấn mạnh, để thực sự “làm chủ” tương lai trong ngành, sinh viên cần chủ động trang bị kiến thức chuyên môn vững chắc, tích cực tham gia các khóa học thực tế, không ngừng trau dồi kỹ năng mềm và đặc biệt, nắm bắt các công nghệ mới đang được ứng dụng trong ngành. "Sinh viên cố gắng trau dồi kiến thức từ nhà trường, tăng cường học hỏi kỹ năng ngoài xã hội, tích cực tham gia các khóa học, chương trình tham quan thực tế và tự nâng cao trình độ. Tôi tin rằng các bạn sẽ chiến thắng trong “cuộc đua” nhân lực của ngành cảng biển".
Có thể thấy, với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và nhu cầu nhân lực chưa được đáp ứng, ngành cảng biển và logistics Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội, lựa chọn nghề nghiệp cho lao động trẻ.