9 cách đơn giản giúp phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả
Bệnh cúm có thể lây lan nhanh chóng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng bạn hoàn toàn có thể bảo vệ bản thân và gia đình bằng những biện pháp phòng ngừa đơn giản mà hiệu quả.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus cúm gây ra. Virus cúm lưu hành quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa Đông Xuân - khi thời tiết lạnh và ẩm ướt khiến hệ miễn dịch của chúng ta yếu hơn và dễ bị virus tấn công.
Virus cúm thuộc nhóm Orthomyxoviridae, gồm các chủng chính như cúm A, B, C, trong đó cúm A và B là hai loại gây dịch bệnh ở người. Bệnh lây lan chủ yếu qua giọt bắn từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus.
Dù không phải lúc nào cũng nghiêm trọng, nhưng cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có bệnh nền. Vì vậy, việc phòng tránh cúm là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
Nhận biết triệu chứng bệnh cúm
Triệu chứng cúm thường xuất hiện sau 1-4 ngày tiếp xúc với virus, bao gồm:
Sốt cao (trên 38 độ C), ớn lạnh.
Ho khan, đau họng, nghẹt mũi.
Đau nhức cơ thể, mệt mỏi, chóng mặt.
Tiêu chảy hoặc nôn mửa (thường gặp ở trẻ em hơn người lớn).
Đối với người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm não, thậm chí dẫn đến tử vong.
Khi có triệu chứng cúm, nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt nếu cần và đến bác sỹ nếu tình trạng trở nặng.
9 biện pháp phòng tránh bệnh cúm hiệu quả
1. Tiêm vaccine cúm định kỳ
Tiêm vaccine cúm là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm mùa. Mỗi năm, virus cúm có thể biến đổi, do đó cần tiêm phòng hàng năm để tăng khả năng miễn dịch.

Tiêm vaccine phòng cúm hằng năm để bảo vệ sức khỏe. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Vaccine giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh, hạn chế mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và giảm tỷ lệ nhập viện do biến chứng cúm.
2. Uống nước ấm
Nước ấm giúp giữ ấm cơ thể, làm dịu cổ họng, hỗ trợ hệ hô hấp và tăng cường tuần hoàn máu. Ngoài ra, uống đủ nước còn giúp duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi và họng, tạo điều kiện để hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn trong việc chống lại virus.
Có thể uống trà xanh nóng hoặc ấm rất tốt bởi trà xanh chứa catechin, một chất chống oxy hóa có tác dụng kháng virus.
3. Chọn đồ ăn tăng cường hệ miễn dịch
Thực phẩm giàu vitamin C: Cam, chanh, bưởi, kiwi, dâu tây, ớt chuông giúp tăng cường sản xuất tế bào miễn dịch.

Ớt chuông giàu vitamin C giúp tăng cường sản xuất tế bào miễn dịch. (Ảnh: Vietnam+)
Thực phẩm giàu vitamin D: Cá hồi, trứng, nấm giúp điều hòa hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm cúm.
Thực phẩm chứa kẽm: Hàu, thịt bò, hạt bí, đậu lăng hỗ trợ cơ thể chống lại virus.
Sữa chua và thực phẩm lên men: Cung cấp lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện miễn dịch.
Ăn hành, tỏi: Hành và tỏi chứa nhiều hợp chất kháng khuẩn, kháng virus và tăng cường miễn dịch, đặc biệt là allicin – một chất có tác dụng chống vi khuẩn và virus.
4. Tập thể dục
Tập thể dục có thể giúp phòng ngừa cúm bằng cách tăng cường hệ miễn dịch. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp cơ thể sản sinh nhiều tế bào miễn dịch hơn, cải thiện tuần hoàn máu, giảm viêm và tăng cường khả năng chống lại virus.
Các bài tập như đi bộ, yoga, chạy bộ hoặc tập gym có thể giúp duy trì sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
5. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc có thể giúp phòng ngừa cúm bằng cách hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Khi ngủ, cơ thể sản xuất và giải phóng cytokine, một loại protein giúp chống lại nhiễm trùng và viêm nhiễm.

(Nguồn: Getty)
Thiếu ngủ có thể làm giảm số lượng tế bào miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị virus tấn công hơn. Vì vậy, người lớn nên ngủ 7-9 giờ mỗi đêm, trong khi trẻ em cần nhiều hơn để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Kết hợp giấc ngủ đủ với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và vệ sinh cá nhân sẽ giúp giảm nguy cơ mắc cúm hiệu quả.
6. Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với người bệnh.
Sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nếu không có xà phòng.
Vệ sinh cơ quan hô hấp sạch sẽ (mũi, họng) bằng nước muối.
Tránh chạm tay lên mặt, đặc biệt là mắt, mũi, miệng vì đây là con đường virus dễ xâm nhập vào cơ thể.
7. Đeo khẩu trang
Đeo khẩu trang giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus, đặc biệt khi ở nơi đông người như bệnh viện, phương tiện công cộng hay trong mùa dịch cúm bùng phát.
8. Vệ sinh môi trường sống
Thường xuyên lau chùi, khử trùng các bề mặt hay tiếp xúc như tay nắm cửa, điện thoại, bàn phím máy tính.

(Ảnh: iStock)
Giữ không gian sống thông thoáng, tránh môi trường ẩm thấp dễ phát sinh vi khuẩn, virus.
9. Duy trì khoảng cách và hạn chế tiếp xúc với người bệnh
Hạn chế tiếp xúc gần với người đang có triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sốt.
Nếu bản thân có triệu chứng, nên nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan virus cho người khác.
Chăm sóc sức khỏe kịp thời
Khi có triệu chứng cúm, như sốt, ho, đau họng, bạn nên đến bác sỹ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc dùng thuốc đúng cách và tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng./.