8 vị đại khoa nức tiếng ở làng cổ Trang Liệt
Với 8 vị đại khoa, Trang Liệt đã ghi danh là một trong 4 làng có số người đỗ Tiến sĩ nhiều nhất Từ Sơn.
Trang Liệt thuộc phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) vốn là một trong những ngôi làng nổi tiếng nằm trong vùng khoa bảng Đông Ngàn. Với 8 vị đại khoa, Trang Liệt đã ghi danh là một trong 4 làng có số người đỗ Tiến sĩ nhiều nhất Từ Sơn.
Ở Kinh Bắc, có những ngôi làng được đánh giá vào hàng cổ xưa nhất nước ta. Một trong những lý do, bởi xưa kia nơi đây từng là kinh đô Giao Chỉ. Từ trước thời Thái thú Sĩ Nhiếp trị vì, những ngôi làng quanh chùa Dâu bây giờ đã được thành lập. Trang Liệt là một trong những ngôi làng như vậy ở Kinh Bắc.
Làng cổ nghìn năm
Thực ra cho đến nay, không có một tài liệu chính thức nào xác định rõ thời gian lập làng Trang Liệt, nhưng dựa vào những dấu tích sau đợt khai quật, nhiều di chỉ phát lộ và giới khoa học tạm kết luận làng Trang Liệt có từ hơn 700 năm trước.
Theo dư địa chí, Trang Liệt có tên nôm là Kẻ Sặt hay Sặt Đồng, và có tên chữ là Tráng Liệt hoặc Tráng Bà Liệt. Sở dĩ gọi là Kẻ Sặt vì làng nằm cạnh rừng Sặt. Làng Trang Liệt còn được gọi là Sặt Đồng, vì ngày xưa làng có nghề lọc đồng, chì, thau thiếc và nghề thu mua đồ đồng nát.
Lý do nữa là do thế đất của làng khi khởi tạo tại khu đồng Mang, có hình công cụ làm nghề đồng, là cái đe và cái búa. Cho nên người xưa đã gọi là Sặt Đồng. Hiện nay, tại di chỉ bãi con Đồng Mang, khu mộ của họ Nguyễn Tiến có hình giống như cái đe, còn bãi dài Đồng Mang bên ngoài lại có hình cái búa.
Theo gia phả của một số dòng họ và qua tư liệu lịch sử thì làng Trang Liệt xuất hiện khá sớm, vào khoảng thời Tiền Lê. Ban đầu, làng ở khu Đồng Mang, do hai gia đình thuộc dòng họ Phạm và họ Tống lập ra. Hai dòng họ này về sau không còn người nối dõi hoặc đã phiêu dạt đi nơi khác. Đến thời Lý, từ Đồng Mang làng dời về cạnh rừng Sặt.
Con số 700 năm mà các nhà khoa học tạm kết luận không làm người Trang Liệt thỏa mãn. Bởi vì, theo như các cao niên thì cây đề phía cổng Bông đã hàng nghìn năm tuổi, đã được công nhận là cây di sản. Khi lập làng là trồng cây, đào giếng và hiện nay cả hai “nhân chứng” ấy vẫn còn tồn tại.
Làng Trang Liệt có 4 cổng chia ở bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và gắn với sự tích. Đó là cổng Bông, Lé, Đá và Tây. Ba trong số đó vẫn còn khá nguyên vẹn, riêng cổng Lé đẹp nhất đã mất đi thời những năm cải cách ruộng đất.
Người phụ trách nhà truyền thống làng Trang Liệt cho biết: “Cổng Lé xưa có kiến trúc hai tầng. Tầng trên có cái chòi nhô hẳn ra để người làng canh gác. Những năm cải cách, do xe chở thóc không lọt qua được nên đã phá đi”.
Ở cổng Tây, phía trên có ba chữ nho “Xử chư dự”, nghĩa là “lấy mọi tiếng khen”. Phía trên cổng Đá lại có bốn chữ “Tiểu vãng đại lai”, nghĩa là “đi ít về nhiều” với nghĩa ngày xưa làng chuyên nghề buôn bán đồng nát, khi đi thì chẳng có gì nhưng khi về thì bao giờ cũng nhiều hàng hóa. Cổng Bông cũng có bốn chữ “Xuất nhập tương hữu”, tức là “ra vào đều là bạn”, minh chứng cho sự hiếu khách, ưa kết giao, hướng ngoại của người dân Trang Liệt từ thời xa xưa.
Mặc dù ngày nay Trang Liệt đã lên phố, Hạ Trang cũng lên phường, nhưng cái hồn làng vẫn không mất đi. Đi sâu vào từng con ngõ nhỏ ở Trang Liệt, thấy có nét hơi giống phố cổ Hà Nội. Giữa không gian im lìm, những con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng, những căn nhà gạch rơi rụng không trát vữa đã rêu phong phủ kín, tạo một không gian khá cổ kính của một ngôi làng Việt từng rất thịnh vượng.
Học để “rửa hận”, 6 năm đã đỗ Tiến sĩ
Làng Trang Liệt là một trong những làng nổi tiếng với truyền thống văn hiến từ lâu đời. Truyền thống văn hóa của làng đã được chính vua Tự Đức ban tặng bức đại tự “Mỹ tục khả phong”. Từ thế kỷ
14 - 19, làng có 8 người đỗ Tiến sĩ. So với các làng xã khác tại thành phố Từ Sơn, số Tiến sĩ trong chế độ khoa cử phong kiến ở Trang Liệt đứng vị trí thứ 4 trên tổng số 42 làng xã sau Tam Sơn (16 vị), Hương Mạc (10 vị), Vĩnh Kiều (10 vị).
Tháng 6 năm Bính Tuất (1826), đời vua Minh Mạng, Hội tư văn làng họp bàn việc sửa sang Từ chỉ và khắc bia đá tên các bậc tiên hiền khoa bảng của quê hương. Tên của đại khoa Nguyễn Quốc Kiệt đứng thứ nhất.
Ông cũng là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng của vùng đất Trang Liệt. Hiện nay, tại làng còn bảo lưu được tấm bia đá dựng năm Tân Hợi niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851) ghi chép Hội tư văn mở rộng Từ chỉ của làng, viết đổi lại thành văn bia, ghi danh các vị đại khoa.
Theo các nguồn sử liệu và cuốn “Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh” do TS Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh: Nguyễn Quốc Kiệt người xã Trang Liệt, huyện Đông Ngàn (nay là Trang Liệt, phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất (1442) đời vua Lê Thái Tông. Ông làm quan đến chức Thượng thư kiêm Thẩm hình viện.
Bia Tiến sĩ ghi danh những người thi đỗ khoa Nhâm Tuất (1442), nhưng được dựng vào năm 1484 do Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn, có câu nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.
Theo nội dung văn bia, sau khi đánh đuổi quân Minh, lên ngôi hoàng đế, vua Lê Thái Tổ tiến hành chiêu tập hiền tài, canh tân chính trị, xuống chiếu cho các nơi dựng nhà học để đào tạo nhân tài. Việc tuyển chọn nhân tài, vua đích thân ra đề thi văn sách, xét tài học của từng người mà bổ dụng. Tuy nhiên, khoa thi Tiến sĩ chưa được tiến hành.
Đến đời vua Lê Thái Tông, năm Đại Bảo thứ 3 (1442), triều đình tổ chức khoa thi Hội đầu tiên cho sĩ nhân cả nước. Số người tham dự kỳ thi này đông đến 450 người. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 33 người. Quan Hữu ty kê tên dâng lên, nhà vua sai chọn ngày ban cho vào sân rồng ứng đối thi Đình.
Sau Tiến sĩ Nguyễn Quốc Kiệt, làng Trang Liệt bắt đầu xuất hiện thêm một số vị đại khoa. Trong đó có Dương Tử Do - một trường hợp đặc biệt như một tấm gương điển hình hiếu học và khổ học. Dương Tử Do thi đỗ năm 1458, là vị Tiến sĩ độc nhất của toàn tỉnh Bắc Ninh trong khoa thi này.
Tương truyền, ở tuổi 43 ông mới học vỡ lòng vì bị người khác xúc phạm. Chuyện là trước đó, vì tố giác khoản tiền hội làng mập mờ nên ông bị chửi là vô học. Đứng ở lẽ phải để tố cáo những bất công nhưng bị người khác chửi bới, xúc phạm nên ông quyết tâm học để rửa hận.
Ông lao đầu vào học, học mải miết, học đến nỗi vùi lấp tất cả mọi ham muốn. Chỉ 6 năm sau, ông đã đỗ Tiến sĩ khiến chánh tổng, lý trưởng và những người đã xúc phạm mình phải bái phục. Sau ông làm quan đến chức Công bộ hữu Thị lang.
Sau Dương Tử Do, đến năm 1490 trong khoa thi Canh Tuất đời vua Lê Hồng Đức thứ 21, làng Trang Liệt đón liền một lúc 2 Tiến sĩ là Nguyễn Đức Thuận và Nguyễn Hoằng Nghị. Trong đó, Nguyễn Đức Thuận đỗ Hoàng giáp, sau làm đến chức Thượng thư, từng được cử đi sứ nhà Minh. Nguyễn Hoằng Nghị cũng đỗ hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ, làm quan đến chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp.
Sang thế kỷ 16, làng Trang Liệt có 2 cha con cùng đỗ Tiến sĩ thuộc dòng họ Trần Khánh. Cha là Trần Dự, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, triều Mạc Đại Chính năm thứ 3, khoa thi năm Nhâm Thìn (1532). Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ. Người con là Trần Khánh Hưng, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, triều Mạc Diên Thành năm thứ 6, khoa thi năm Quý Mùi (1583), đời vua Mạc Mậu Hợp. Ông làm quan đến chức Tham chính, sau theo nhà Lê làm quan đến chức Cấp sự trung.
Tiến sĩ thứ 7 của Trang Liệt là Trần Thúc Bảo, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ triều Mạc Sùng Khang năm thứ 7, khoa thi năm Giáp Tuất (1574), đời vua Mạc Mậu Hợp. Ông làm quan đến chức Đoán sự.
Tiến sĩ thứ tám, cũng là người cuối cùng của làng Trang Liệt đỗ đại khoa là Phan Đình Dương (1804 - 1865), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm 38 tuổi, triều vua Thiệu Trị năm thứ 2 trong khoa thi năm Nhâm Dần (1842). Ông giữ các chức như Hàn lâm viện, Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị), Tri phủ Thường Tín (Hà Đông), năm Tự Đức thứ nhất (1848) được bổ làm Đốc học Hải Dương rồi Đốc học Hà Nội. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) về kinh đô Huế lãnh chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, hàm Thị giảng học sĩ. Năm Tự Đức thứ 9 (1856) Bính Thìn, ông làm Đốc học Bắc Ninh, sau bị ốm yếu nên xin về quê Trang Liệt hành nghề chữa bệnh và dạy học.
“Cái nôi” của sự học Đông Ngàn
Hiện nay, Trang Liệt vẫn còn khá nhiều tư liệu ghi công Phan Đình Thụ - con trai trưởng của Tiến sĩ Phan Đình Dương đối với dân làng. Phan Đình Thụ đã có công xin miễn giảm thuế cho dân 2 kỳ. Kỳ thứ nhất vào đời vua Tự Đức năm thứ 19 (1866) xin giảm thuế lọc đồng; kỳ thứ hai vào năm Đinh Sửu (1877), xin miễn giảm thuế tạp dịch cho dân đinh nghèo.
Là ngôi làng cổ Kinh Bắc, người Trang Liệt không chỉ tự hào là vùng đất được vua ban “Mỹ tục khả phong”, mà còn tự hào về truyền thống khoa bảng. Ở một vùng đất mà số lượng các nhà khoa bảng đứng nhiều nhất nhì cả nước và được ví von “một đống ông Nghè, một bè ông Cống, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn” như Kinh Bắc, việc Trang Liệt xếp vị trí thứ 4 đã chứng tỏ vị thế trong “cái nôi” khoa bảng Đông Ngàn.
Là vùng đất khoa bảng lâu đời nên ở Trang Liệt có nền giáo dục khá phong phú. Theo các cao niên, vào thế kỷ thứ 17 - 18, Trang Liệt chưa có trường công dạy chữ, chỉ có các thầy đồ nho đỗ đạt cao sau khi từ quan, về quê mở lớp học tại nhà. Làng có 22 cụ đồ thì có 18 cụ thành lập môn sinh, ruộng đất có 16 mẫu 5 sào 9 thước.
Sang thế kỷ thứ 19, nền giáo dục nho học ở làng Trang Liệt suy yếu dần, chỉ còn vài cụ đồ dạy chữ, mỗi buổi vài ba giờ vào buổi sáng, học sinh theo học có trên 20 người và một số học trò ở nơi khác tìm đến. Hiện nay, trong làng còn bức ảnh môn sinh cụ Tú tài Nguyễn Hậu chụp cùng 33 học sinh, cụ đồ Hoạt có 25 học sinh, cụ Nguyễn Văn Thúc dạy học sinh mà đa số là con cháu trong nhà.
Kết thúc nho học, ở làng Trang Liệt người đầu tiên đỗ Cử nhân Luật là ông Phan Mạnh Tân (1921). Trước cách mạng, từ năm 1942 đến năm 1944, ông học đại học năm thứ 3. Sau cách mạng tháng Tám 1945, ông tiếp tục sang Trung Quốc theo học tiếp năm thứ 4 để lấy bằng Cử nhân Luật.
Dưới thời thuộc Pháp, làng Trang Liệt chỉ có một trường hương sư tại rừng Sặt được xây dựng năm 1929, do hội đồng hương chính tổ chức. Trường có 1 giáo viên dạy 3 lớp ghép: Lớp đồng ấu, lớp dự bị và lớp sơ đẳng, với số học sinh khoảng 45 - 50 học sinh, và hàng trăm chỉ khoảng 75% học sinh thi đỗ sơ học yếu lược, số học sinh không đỗ phải học lại vào năm sau.
Hiện nay, các dấu tích chứng minh cho sự học ở Trang Liệt, ngoài các tư liệu văn bia, văn chỉ thì các nhà thờ họ là minh chứng rõ nhất. Vì đỗ đạt cao, làm đến chức quan lớn như Thượng thư, Tham chính, Đốc học nên những nhà thờ họ cũng khá bề thế, được hậu thế gìn giữ cẩn thận.
Trong khoa thi Nhâm Tuất (1442) đời vua Lê Thái Tông (1442), Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đậu Bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám hoa, Ngô Sĩ Liên đứng đầu hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Quốc Kiệt người Trang Liệt cùng đỗ trong khoa thi này - trở thành Tiến sĩ khai khoa của huyện Đông Ngàn. Tên tuổi của ông không chỉ được khắc trên bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bia số 1 Văn Miếu Bắc Ninh mà còn được lưu danh đứng đầu trong Văn chỉ của làng.