8 dấu hiệu cảnh báo bạn đang trở thành người độc hại
Đôi khi, bạn có thể hình thành những thói quen độc hại, gây tổn thương cho các mối quan hệ và kìm hãm sự phát triển của chính mình mà không hề nhận ra.

1. Liên tục đóng vai nạn nhân: Theo Hack Spirit, ai trong chúng ta cũng có những ngày tồi tệ. Nhưng nếu bạn liên tục tự đặt mình vào vị trí nạn nhân, đổ lỗi cho người khác về mọi điều không may mắn của mình, đó chính là dấu hiệu cảnh báo về sự độc hại trong suy nghĩ và hành vi. Tâm lý này không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ mà còn ngăn cản khả năng trưởng thành và học hỏi từ những sai lầm của chính mình.

2. Khả năng đồng cảm sụt giảm: Trong mọi mối quan hệ lành mạnh, sự đồng cảm luôn được xem là nền tảng cốt lõi. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy khả năng đồng cảm của mình đang dần mai một, đây có thể là một dấu hiệu nguy hiểm của sự độc hại. Bạn có đang trở nên thờ ơ, thậm chí coi thường cảm xúc của những người xung quanh không? Nếu câu trả lời là có, đó chính là một "cờ đỏ" cần được lưu tâm.

3. Liên tục tiêu cực: Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đầu óc nặng nề bởi những suy nghĩ tiêu cực, nhìn đâu cũng thấy điều tệ hại, hay than vãn về mọi chuyện dù lớn hay nhỏ và vô tình làm người xung quanh cũng cảm thấy mệt mỏi theo, rất có thể bạn đang dần trở thành một người tiêu cực độc hại. Sự tiêu cực kéo dài không chỉ làm cạn kiệt năng lượng của chính bạn mà còn khiến những người xung quanh mệt mỏi, dần dần đẩy họ ra xa.

4. Liên tục soi mói, chỉ trích: Lời phê bình có thể mang tính xây dựng, là động lực để hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên chỉ trích người khác nhiều hơn là khen ngợi, hoặc không thể bỏ qua bất kỳ lỗi lầm hay khuyết điểm nhỏ nào, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng không lành mạnh đang lớn dần trong hành vi.

5. Thao túng tâm lý người khác: Theo các nhà tâm lý học, thao túng là một đặc điểm phổ biến ở những người độc hại. Họ sử dụng các chiêu trò như "gaslighting" (khiến người khác nghi ngờ chính bản thân mình), tạo cảm giác tội lỗi, hoặc đóng vai nạn nhân để kiểm soát và chi phối người khác. Mặc dù thao túng có thể giúp đạt được mục đích trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó sẽ phá hoại các mối quan hệ và khiến người dùng nó bị xa lánh.

6. Không thể xin lỗi: Nếu bạn cảm thấy cực kỳ khó khăn khi nói lời xin lỗi hay thừa nhận mình đã sai, đây có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại. Theo các chuyên gia, việc không thể nhận lỗi cho thấy sự thiếu khiêm tốn và một cái tôi quá lớn, những đặc điểm thường liên quan đến những cá nhân độc hại. Hãy nhớ rằng lời xin lỗi không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là sự thể hiện của sự trưởng thành và thấu hiểu.

7. Mắc kẹt trong cuộc đua không ngừng: Sự cạnh tranh lành mạnh có thể là động lực thúc đẩy, nhưng khi bạn liên tục so sánh bản thân với người khác và luôn cố gắng vượt mặt họ, đó không còn là động lực nữa mà đã trở thành gánh nặng độc hại. Tâm lý luôn muốn hơn thua dễ khiến các mối quan hệ trở nên căng thẳng và nhanh chóng rạn nứt.

8. Không tôn trọng ranh giới của người khác: Trong các mối quan hệ lành mạnh, việc tôn trọng ranh giới cá nhân không chỉ là phép lịch sự mà còn thể hiện sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Khi bạn thường xuyên chen vào không gian riêng tư của người khác, phớt lờ cảm xúc hay mong muốn của họ, hoặc cố tình vượt qua những giới hạn đã được họ đặt ra, thì đó là lúc cần nhìn lại chính mình.