Kế hoạch đầu tư công năm 2025 tăng hơn 84 nghìn tỷ đồng

Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2025 có điều chỉnh tăng hơn 84 nghìn tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư công tăng hơn 84 nghìn tỷ đồng

Báo cáo cập nhập kinh tế vĩ mô tháng 2/2025 được Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đưa ra mới đây nêu rõ, Việt Nam trình Quốc hội nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8% trở lên, GDP đầu người vượt mốc 5.000 USD. Mục tiêu này nhằm tiến tới tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

Thủ tướng mới ban hành công điện đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Ảnh minh họa

Thủ tướng mới ban hành công điện đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Ảnh minh họa

Để hỗ trợ mục tiêu này, Chính phủ đề xuất nâng kế hoạch đầu tư công năm 2025 thêm 84,3 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 3,3 tỷ USD) và điều chỉnh mục tiêu kiểm soát CPI thành 4,5-5,0%, tăng so với mức 4,0-4,5% trước đó. Những thay đổi này tạo thêm dư địa cho việc mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2025.

Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn đối với khu vực công nghiệp trong năm 2025. Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 9,2% so với tháng trước, nhưng lại tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tháng 1/2025 có ít hơn 5 ngày làm việc so với tháng 1/2024 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1/2025.

“Điều này cho thấy hoạt động sản xuất đã lấy đà tăng trưởng ngay từ đầu năm, thay vì khởi đầu chậm chạp do tâm lý “nghỉ Tết” như những năm trước” – báo cáo của VNDIRECT nêu rõ.

Cũng theo phân tích của VNDIRECT, đầu tư công trong tháng 1/2025 cũng ghi nhận kết quả tích cực khi vốn nhà nước thực hiện tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ, đầu tư công thực hiện vẫn ghi nhận giá trị tuyệt đối cao nhất trong tháng 1 từ trước đến nay.

Đánh giá cao về động lực giải ngân vốn đầu tư công đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tuy nhiên theo TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua vẫn còn chậm, và nguyên nhân của sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đã được nhắc đến nhiều, bao gồm: Nguyên nhân về chuẩn bị đầu tư và chất lượng đầu tư chưa cao, thậm chí có những dự án đầu tư chất lượng kém nên khi thực thi phải "xin lên xin xuống" và điều chỉnh, khiến dự án bị kéo dài thời gian và đội vốn; nguyên nhân do quy định của pháp luật chồng chéo; nguyên nhân do nhà thầu không đủ năng lực; nguyên nhân do thiếu nguyên vật liệu và nguyên nhân do thị trường biến động về giá cả nhưng không kịp thời điều chỉnh cho các nhà thầu.

Theo đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, theo TS Nguyễn Đình Cung: Việc đầu tiên cần làm là tập trung vào những dự án trọng điểm, đặc biệt là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện.

Thực tế, theo TS Nguyễn Đình Cung: "Mấy năm nay chúng ta đã tập trung được vào những dự án ưu tiên của ưu tiên, trọng điểm của trọng điểm và như thế khả năng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt hơn. Bởi vì những dự án này không thể không làm, và khi chúng ta tập trung vào những dự án trọng điểm thì nỗ lực thực hiện đầu tư công cũng tập trung hơn, với những thay đổi như vậy tôi tin rằng, đầu tư công trong thời gian tới sẽ có những cải thiện nhất định".

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ảnh minh họa

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ảnh minh họa

Giải ngân đầu tư công - nhiệm vụ trọng tâm

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ngày 18/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Công điện số 16/CĐ-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Trung ương, Quốc hội giao, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên.

Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất (trên 95%) kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt hơn nữa, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đã đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025; số 27/NQ-CP ngày 7/2/2025 của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 4/12/2024, Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 15/1/2025, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4/2/2025 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, quán triệt, xác định rõ nhiệm vụ đẩy mạnh phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân phân bổ và giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và với các bộ, cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ke-hoach-dau-tu-cong-nam-2025-tang-hon-84-nghin-ty-dong-374678.html
Zalo