7 loại hành vi đáng báo động ở trẻ
Bright Side chỉ ra 7 thói quen ở trẻ mà cha mẹ không nên bỏ qua. Đôi khi phụ huynh phải nhờ đến chuyên gia tâm lý để giúp cải thiện tình hình.
1. Không có khả năng tha thứ: Trẻ em nên biết cách thoát khỏi một tình huống xung đột. Cha mẹ thường dạy chúng "chiến đấu" với cảm xúc tiêu cực, nhưng trong hầu hết trường hợp, tốt hơn hết là nên bỏ qua. Nếu một đứa trẻ luôn cố gắng trả thù - đây là một dấu hiệu xấu. Để hạn chế điều này, cha mẹ hãy làm gương cho chúng, dạy trẻ phân tích cảm xúc của mình cùng với cảm xúc của người khác để tìm ra nguyên nhân của xung đột. Cùng với đó là hướng dẫn trẻ thoát khỏi một tình huống khó chịu. Ảnh: Freepik.
2. Quá bướng bỉnh: Thật tốt nếu đứa trẻ có thể bày tỏ ý kiến của mình một cách rõ ràng và tự tin nhằm bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa bảo vệ quan điểm và bướng bỉnh, cứng đầu. Trẻ em bướng bỉnh thường cố chấp làm theo ý mình, bất chấp những lời khuyên hoặc hướng dẫn của người lớn. Chúng có thể trở nên tức giận, cáu kỉnh và khó hợp tác. Cha mẹ hãy tạo một không gian an toàn để trẻ chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình, cho trẻ thấy rằng ý kiến của chúng được quan tâm. Đồng thời hãy dạy trẻ cách đặt câu hỏi, lắng nghe và tìm ra điểm chung, giúp trẻ học cách thương lượng, thỏa hiệp và tìm ra giải pháp hòa bình. Ảnh: Freepik.
3. Sợ thay đổi: Đối với trẻ nhỏ, tốt hơn hết là tuân theo các quy tắc và hành động quen thuộc. Nhưng với trẻ lớn hơn, chúng cần quen với những thay đổi và học cách chấp nhận. Trong thế giới hiện tại, sợ thay đổi có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Nếu một đứa trẻ tiểu học khóc khi bút chì được đặt sai thứ tự trong hộp, cha mẹ phải chú ý đến hành vi này. Để luyện tập cho trẻ, cha mẹ hãy luôn thông báo trước cho con về những thay đổi sắp xảy ra để con chuẩn bị tâm lý. Ngoài ra, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với cảm xúc của người lớn, vì vậy, cha mẹ cần giữ bình tĩnh để tránh làm tăng thêm lo lắng cho trẻ. Ảnh: Freepik.
4. Thiếu trách nhiệm: Bạn thấy thế nào nếu một đứa trẻ liên tục làm sai nhưng lại đổ lỗi cho anh chị em hoặc bạn bè của chúng? Và hãy tưởng tượng những đứa trẻ đó khi lớn lên vẫn luôn đổ lỗi cho đồng nghiệp tại nơi làm việc. Những hành vi đó thật không ổn. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy trẻ có trách nhiệm bằng cách từ từ tăng dần ranh giới, thảo luận với chúng các vấn đề liên quan đến nguyên nhân, tác hại và cách giải quyết khi làm sai. Ảnh: Pexels.
5. Thao túng: Đôi khi trẻ em thao túng cha mẹ và người thân để đạt được những gì chúng muốn. Chúng bắt đầu khóc ở siêu thị hoặc có những hành vi khác. Tuy nhiên, trẻ cần hiểu rằng chúng sẽ không xây dựng được mối quan hệ lành mạnh với gia đình, bạn bè... bằng cách cư xử như vậy. Cha mẹ cần có khả năng phân biệt giữa những điều mà con thực sự cần và những điều mà con muốn. Điều này giúp tránh việc chiều chuộng quá mức và ngăn ngừa hành vi thao túng ở trẻ. Ảnh: Pexels.
6. Không có khả năng tự giải trí một cách phù hợp: Nhà tâm lý học trẻ em người Nga Katerina Murashova đã tiến hành thí nghiệm với 68 thanh thiếu niên (12-18 tuổi), yêu cầu các em dành 8 giờ ở một mình mà không có bạn bè hay thiết bị thông minh. Kết quả, chỉ có 3 thiếu niên xoay xở được với nhiệm vụ này, trong khi số còn lại cảm thấy thực sự tồi tệ. Khác với trẻ sơ sinh, trẻ lớn hơn cần học cách tự lập. Khả năng tự giải trí giúp trẻ tập trung vào cảm xúc của mình và đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống một cách bình tĩnh. Nếu không rèn luyện kỹ năng này từ nhỏ, trẻ có thể dễ bị lo lắng và căng thẳng khi trưởng thành. Ảnh: Word From The Bird.
7. Hành động hấp tấp: Sự hấp tấp của trẻ sẽ dễ thương nếu chúng không đặt chảo nóng lên khay nhựa hoặc nhảy xuống bùn trong bộ đồ trắng. Những đứa trẻ như vậy nói và hành động mà không nghĩ đến hậu quả, trong khi hành động của chúng có thể gây khó chịu cho bản thân và những người xung quanh. Trong những trường hợp như vậy, cha mẹ nên bình tĩnh, phân tích hành động của con và tìm hiểu lý do chúng làm vậy. Cùng với đó, hãy để chúng tự giải quyết hậu quả hành vi của mình và giúp con hiểu việc kiềm chế bản thân là rất quan trọng. Ảnh: Word From The Bird.