6 chủ đề người EQ kém thích nhắc tới

Có một số chủ đề mà người có trí tuệ cảm xúc (EQ) thấp liên tục nhắc đến trong các cuộc trò chuyện hàng ngày, như tiền bạc, địa vị hay khuyết điểm của người khác...

1. Tiền bạc và địa vị: Những người có EQ cao sẽ không bắt đầu câu chuyện bằng việc thể hiện địa vị hay tài sản. Họ hiểu rằng để tạo được kết nối lành mạnh, điều quan trọng là con người họ chứ không phải thứ họ sở hữu. Khi một người liên tục lái câu chuyện về tiền bạc, tài sản cá nhân hay mức độ thành công của bản thân, điều đó không khiến người khác ngưỡng mộ. Ngược lại, nó dễ tạo ra sự xa cách. Không gian trò chuyện sẽ trở nên căng thẳng, mang tính cạnh tranh thay vì kết nối thân tình.

2. Khuyết điểm của người khác (đặc biệt là bạn chung): Với người EQ thấp, thay vì đồng cảm hay giữ sự tôn trọng tối thiểu, họ thường mang chuyện riêng tư ra làm đề tài tán gẫu, bất chấp việc điều đó có thể làm tổn thương người khác. Trong khi đó, những người EQ cao sẽ không hạ thấp, mổ xẻ khuyết điểm của người khác để xây dựng mối quan hệ. Họ hiểu rằng những câu chuyện phiếm cũng sẽ "đầu độc" bầu không khí và ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân khác.

3. Liên tục tiêu cực và than phiền: Người EQ thấp có thể than về mọi thứ mà không quan tâm người khác cảm thấy thế nào, từ công việc, đồng nghiệp, thời tiết đến ly cà phê nguội. Việc này khiến không khí thêm nặng nề, tiêu cực. Ngược lại, người có EQ cao vẫn có thể chia sẻ khó khăn, nhưng họ biết đâu là điểm dừng. Họ ý thức được cảm xúc của mình và không để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực.

4. Lặp đi lặp lại thành tựu của họ: Người có EQ thấp thường nhắc đi nhắc lại thành tích của mình, ngay cả khi không ai hỏi. Họ nghĩ rằng việc kể về những thành công cá nhân sẽ giúp bản thân trở nên ấn tượng hơn trong mắt người khác. Nhưng thực tế, điều này dễ khiến người nghe cảm thấy mệt mỏi và xa cách. Đôi khi, điều khiến một người trở nên đáng mến lại chính là sự giản dị, không cần cố gắng gây ấn tượng mà đơn giản là chính mình.

5. Chia sẻ quá mức để tìm kiếm sự xác nhận: Họ có thể kể những câu chuyện cá nhân ngay cả khi mới gặp, nhưng không phải để kết nối thật sự mà để gây ấn tượng hoặc tạo sự chú ý. Hành động này thường bắt nguồn từ nhu cầu được công nhận hoặc cảm giác thiếu an toàn bên trong. Tuy nhiên, thay vì xây dựng sự tin tưởng, việc chia sẻ vội vã như vậy lại khiến người nghe cảm thấy không thoải mái, thậm chí bị áp lực phải đáp lại.

6. So sánh và phán xét: “Tôi cũng làm được như anh ta nếu có thời gian”, "Cô ấy gặp may thôi, chứ cũng không có gì". Những lời nói này thường không xuất phát từ sự quan tâm, mà thường bắt nguồn từ cảm giác tự ti. Thay vì thừa nhận mình đang cảm thấy kém cỏi hoặc chưa đạt được điều mong muốn, họ chọn cách hạ thấp người khác. Trong khi đó, người có EQ cao hiểu rằng so sánh chỉ làm tổn hại mối quan hệ. Họ không cần phải hơn ai để thấy mình có giá trị, thay vào đó, họ chân thành chúc mừng khi ai đó có thành tựu.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/6-chu-de-nguoi-eq-kem-thich-nhac-toi-post1565474.html
Zalo