Công nghệ, mạng xã hội hủy hoại thanh thiếu niên?
Trong cuốn 'How We Grow Up', Richtel đi sâu hơn vào trải nghiệm của tuổi vị thành niên đương đại với công nghệ và bối cảnh xã hội, theo The New Yorker.

Ảnh: The New Yorker.
Vào đầu năm 2021, nhà báo Matt Richtel đã trò chuyện với Tatnai Burnett, một bác sĩ có con gái bị trầm cảm và qua đời vì tự tử. Richtel đã viết trong cuốn sách mới How We Grow Up về cuộc trò chuyện đau buồn đó: "Tôi là một nhà báo, nhưng hơn thế nữa, tôi là cha của hai đứa con đang ở tuổi vị thành niên. Vì vậy, tôi muốn hiểu điều gì đã khiến con gái của Burnett phải tự tử, trong khi không hề có yếu tố bên ngoài nào ảnh hưởng đến cô bé".
Trong những năm gần đây, một giả thuyết gây trầm cảm ở thanh thiếu niên được nhiều người đề cập là điện thoại. Một chiếc điện thoại thông minh, được trang bị TikTok và Instagram, có nhiều nội dung có thể khiến một thiếu niên u uất, như các hình ảnh xã hội độc hại, những điều gây kích động và tê liệt ý thức, hay đơn giản là sóng âm từ điện thoại gây ra chứng khó ngủ.
Theo một con số thường được trích dẫn từ báo cáo năm 2022 của Trung tâm nghiên cứu Pew, 46% thanh thiếu niên nói rằng họ "gần như liên tục" lên mạng. Vào năm 2023, Giám đốc Y tế Mỹ đã ban hành một khuyến cáo có tiêu đề "Truyền thông xã hội và sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên", trong đó đưa ra số liệu: “Gần 70% phụ huynh cho biết việc nuôi dạy con cái hiện nay khó khăn hơn so với 20 năm trước, với công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội là hai lý do lớn nhất”.
Những điều này đã được công nhận rộng rãi khi nhiều tiểu bang ở nước Mỹ, bao gồm Florida, Utah, California và New York đều đã có động thái hạn chế quyền truy cập truyền thông xã hội của thanh thiếu niên hoặc hạn chế quyền tiếp cận của các công ty truyền thông xã hội đối với thanh thiếu niên. Texas gần đây đang hướng đến thông qua một dự luật cấm hoàn toàn trẻ vị thành niên sử dụng truyền thông xã hội.
Trải nghiệm của tuổi vị thành niên
Trong How We Grow Up, Richtel đi sâu hơn vào trải nghiệm của tuổi vị thành niên đương đại nói chung, tập trung trả lời câu hỏi: “Tại sao tuổi vị thành niên lại trải qua sự thay đổi chưa từng có? Điều gì đang xảy ra ngay lúc này?”. Trong khi tiêu đề cuốn sách không hề đề cập đến thuật ngữ “trực tuyến” hoặc “mạng xã hội”, hình ảnh trên bìa sách dường như cung cấp câu trả lời dễ đoán: Một chiếc điện thoại lớn che khuất khuôn mặt của một thiếu niên.

Ảnh: Amazon.
Tuy nhiên, với Richtel, điện thoại không phải là lời giải thích duy nhất cho cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần ở tuổi vị thành niên.
Trong một chương về mạng xã hội, tác giả giải thích: "Tôi đoán điều này có thể khiến các bạn cảm thấy không thỏa mãn. Cha mẹ và nhà hoạch định chính sách muốn có câu trả lời. Thật dễ dàng nếu nói rằng sự gia tăng các vấn đề tinh thần là kết quả trực tiếp của việc sử dụng nhiều phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy”.
Ông đặt sự hỗn loạn của họ vào bối cảnh chuyển đổi văn hóa, xã hội học và tâm lý, những thách thức ngày càng trừu tượng và mang tính trí tuệ hơn là thể chất. “Thế hệ trẻ đang trưởng thành trong khuôn khổ của tâm trí và tâm lý. Đặt câu hỏi tại sao một số người phải vật lộn với bệnh tinh thần cũng giống như hỏi tại sao một số thanh thiếu niên ngày xưa lại bị trầy xước đầu gối và gãy xương khi leo núi để khám phá địa hình mới”.
Đồng thời, bản thân tuổi vị thành niên cũng thay đổi khi độ tuổi dậy thì ngày càng sớm hơn. Kể từ những năm 1980, một nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các bé gái nói riêng bắt đầu dậy thì sớm hơn nhiều so với độ tuổi trung bình trước đây, sớm nhất là 6-7 tuổi.
Richtel cho rằng điều này khiến người trẻ ở trong tình trạng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Ông đề cập nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng não bộ của thanh thiếu niên đặc biệt bị thu hút bởi thông tin mới lạ, điều khiến các em dễ bị điện thoại cám dỗ.
Ông viết: "Môi trường thay đổi + tuổi dậy thì thay đổi = sự không phù hợp về mặt thần kinh". Richtel xen kẽ nghiên cứu của mình với những câu chuyện của một số thanh thiếu niên, những người giúp minh họa cho những nét chính trong lý thuyết của ông. "Tôi không muốn đổ lỗi cho Internet, nhưng tôi thấy rằng lỗi thuộc về Internet", một đứa trẻ, người đã đấu tranh với chứng lo âu và trầm cảm, nói với Richtel.
Tác động cảm xúc liên thế hệ
Trong khi trẻ em là đối tượng chính trong cuốn sách, How We Grow Up cũng đề cập đến các bậc cha mẹ, những người thấy nản lòng, kiệt sức và sợ hãi. Một nỗi lo sợ luôn hiện hữu là điện thoại và công nghệ có thể cắt đứt mối quan hệ cha mẹ - con cái, khiến đứa trẻ trở thành người xa lạ. Haidt đã tóm tắt sự thay đổi của một đứa trẻ từ vui vẻ lúc 9 tuổi sang ám ảnh với màn hình điện thoại ở tuổi 15: “Cậu bé đã thay đổi và lạc lối”. Chính nỗi sợ mất con này cũng trở thành chủ đề của loạt phim gần đây trên Netflix có tên Adolescence, đi sâu vào những lý do khiến một cậu bé 13 tuổi giết người.
Thay vì coi trẻ em là đối tượng đặc biệt, cuốn sách cũng nhấn mạnh vào cảm xúc và sự liên hệ giữa trẻ vị thành niên và những người lớn xung quanh, đồng thời thừa nhận rằng mối quan hệ này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Ông viết: "Đôi khi thế hệ trước không muốn từ bỏ vai trò chủ đạo, còn thế hệ mới thường đã bắt đầu phát triển hướng đi mới. Điều đó khiến thế hệ cũ rất khó chịu, thậm chí tức giận và ở một mức độ nào đó cho rằng sự chuyển giao quyền lực tượng trưng cho sự kết thúc cuộc đời”.
Trong khi đặt trẻ vị thành niên vào một bối cảnh rộng giúp vấn đề tâm lý của các em được nhìn nhận một cách khác biệt, tác giả chưa đưa ra được những giải pháp mang tính mới. “Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và những thứ còn lại theo cách của bạn. Biến chiếc điện thoại thành công cụ của bạn, thay vì trở thành công cụ của nó”, điều Richtel nói tương tự giọng nói của một giáo viên trên giảng đường. Dù vậy, vẫn rất cần thiết để nỗ lực thực hiện theo hướng đi này.