6 cách tiếp cận để giải bài toán 'xanh hóa' môi trường

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, với những hành động thiết thực như xử lý ô nhiễm, trồng cây xanh, chống sạt lở và lan tỏa lối sống bền vững.

Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, bảo vệ môi trường trở thành vấn đề cấp bách tại Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng.

Về thực trạng môi trường tại Tp.HCM, trao đổi với PV Người Đưa Tin tại hội nghị Vì Môi trường Xanh Quốc gia gần đây, bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết: “Chúng tôi luôn đặt trọng tâm phát huy các nguồn lực xã hội và sự tham gia của cộng đồng trong các kế hoạch bảo vệ môi trường. Thành phố đã nhân rộng gần 2.000 công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường và tổ chức hơn 500 hoạt động thường niên để lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng".

Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM thông tin về tình hình môi trường tại Tp.HCM.

Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM thông tin về tình hình môi trường tại Tp.HCM.

Bà Thanh cho biết, Tp.HCM đã xử lý 771 điểm ô nhiễm từ 2021, trong đó 592 điểm được chuyển thành khu sinh hoạt cộng đồng. Chương trình trồng 10 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 đang triển khai, với hơn 240.000 cây đã trồng trong năm 2024.

Tp.HCM cũng phát triển công viên, cây xanh công cộng và khuyến khích cán bộ, công chức trồng cây. Đến nay, 1.772 khu dân cư đã được công nhận "Sạch, xanh, thân thiện môi trường". Đồng thời, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, phân loại chất thải, giảm túi ni-lông và đặt mục tiêu giảm 20% lượng rác chôn lấp vào 2025.

Để đối phó với các thách thức môi trường, Tp.HCM khuyến khích các giải pháp như thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo, cải thiện quản lý chất thải và giáo dục cộng đồng.

Các mô hình "Trường học xanh" và "Khu dân cư xanh" đã đạt kết quả tích cực với hơn 1.825 công trình xanh và 293 trường đạt chuẩn "Trường học xanh".

Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố quan trọng để triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, thúc đẩy lối sống xanh và phát triển bền vững.

Những "đống rác" tập kết dưới chân cầu Mống (quận 4, Tp.HCM) gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Những "đống rác" tập kết dưới chân cầu Mống (quận 4, Tp.HCM) gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Trao đổi với PV về hướng tiếp cận để đạt được mục tiêu giải bài toán "xanh hóa" môi trường, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết: "Chúng tôi có 6 cách tiếp cận trên nhấn mạnh sự phối hợp giữa khoa học, tư tưởng, cộng đồng, thế hệ trẻ, cơ chế pháp lý và tri thức bản địa để thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi xanh".

Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) chia sẻ về 6 cách tiếp cận để giải quyết bài toán xanh hóa môi trường.

Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) chia sẻ về 6 cách tiếp cận để giải quyết bài toán xanh hóa môi trường.

Về các tiếp cận bảo vệ môi trường, theo Tiến sĩ Miều, thứ nhất, dựa trên bằng chứng khoa học về suy thoái tài nguyên, ô nhiễm và biến đổi khí hậu để xây dựng chiến lược ứng phó. Thứ hai, lấy cảm hứng từ tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế xanh, bền vững và tầm quan trọng của rừng, cây xanh, đào tạo nhân lực.

Thứ ba, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, trường học và tổ chức tôn giáo. Thứ tư, xem giới trẻ là lực lượng nòng cốt trong chuyển đổi xanh. Thứ năm, căn cứ vào các chính sách và luật pháp hiện hành, như Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Cuối cùng, khai thác tri thức bản địa từ cộng đồng địa phương để bảo vệ môi trường.

Cần giải pháp tiếp cận gần hơn để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, xanh hóa đô thị. (hình ảnh rác thải trôi nổi lềnh bềnh mỗi lần mưa xuống trên con kênh rạch dưới chân cầu Mống, quận 4, Tp.HCM).

Cần giải pháp tiếp cận gần hơn để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, xanh hóa đô thị. (hình ảnh rác thải trôi nổi lềnh bềnh mỗi lần mưa xuống trên con kênh rạch dưới chân cầu Mống, quận 4, Tp.HCM).

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Tại Việt Nam, không chỉ riêng khu vực Tp.HCM, nhiều khu vực khác vẫn đang đối mặt với hậu quả nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, sự gia tăng chất thải nhựa, khai thác tài nguyên quá mức, mức độ ô nhiễm ngày càng cao đang tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Tiến sĩ Trần Văn Miều nhấn mạnh: "Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi chúng ta, không phải chỉ của mỗi cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền. Ai cũng phải có trách nhiệm với môi trường".

Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra hơn 3,1 triệu tấn chất thải nhựa, trong đó chỉ có khoảng 15% được tái chế, đây là một con số chưa quá lớn để "thỏa mãn" nhu cầu "xanh hóa" cho môi trường. Chính vì những lý do đó, nhiều chương trình, hội nghị, đề án được các cấp, sở ngành, chuyên gia hiến kế, đặt ra để tìm cách giải bài toán "khó nhằn" này. Song song đó là sự chung tay hợp tác, hành động của người dân để tiến đến mục tiêu chung là bảo vệ môi trường.

Trước đó, Chương trình "Vì môi trường xanh quốc gia" 2024 tổng kết và phát động chiến dịch "Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia" tại Tp.HCM nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy người dân thực hành sống xanh, hướng đến phát triển bền vững. Vì môi trường xanh quốc gia là chương trình được thực hiện nhằm hưởng ứng các hoạt động vì môi trường do Chính phủ phát động. Qua đó, truyền tải các thông điệp của chiến dịch xanh đến cộng đồng, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, khích lệ cộng đồng chung tay vì một Việt Nam xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon. Đặc biệt cùng thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo cam kết của Chính phủ tại COP26.

Chiến dịch "Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia" chính thức được phát động, kêu gọi mọi người cùng góp phần thực hiện đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh" được Chính phủ kêu gọi. Hưởng ứng chiến dịch, VACNE cho biết trồng 1.000 cây xanh tại quận Bình Thạnh và sẽ nhân rộng ra các trường học trên địa bàn Tp.HCM.

Mỹ Hậu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/6-cach-tiep-can-de-giai-bai-toan-xanh-hoa-moi-truong-204250103174048027.htm
Zalo