Lộ diện thành phố đầu tiên tại Mỹ áp dụng thu phí tắc nghẽn giao thông
Ngày 5/1, New York đã trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ áp dụng thu phí tắc nghẽn giao thông, với phạm vi thực hiện bao gồm Lower và Midtown Manhattan. Chính sách này đánh dấu một bước ngoặt trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và cải thiện chất lượng không khí tại đô thị đông dân nhất nước Mỹ.
Cảnh nhộn nhịp thường thấy ở Quảng trường Thời đại, thành phố New York. Ảnh: Getty Images
Theo thông tin từ Cơ quan Quản lý giao thông vận tải đô thị New York (MTA), các phương tiện vào khu vực chịu phí sẽ phải trả mức phí dựa trên loại hình xe, thời gian di chuyển, phương thức thanh toán cùng các điều kiện giảm giá hoặc miễn phí dành cho một số trường hợp đặc biệt.
Khu vực thu phí tắc nghẽn (congestion relief zone - CRZ) được xác định là nơi áp dụng phí để giảm tải giao thông và ô nhiễm môi trường.
Những phương tiện như xe chở khách, xe tải, xe thương mại cỡ nhỏ, xe buýt và xe máy khi vào CRZ sẽ chỉ cần thanh toán một lần trong ngày. Trong khi đó, hành khách đi taxi hoặc thuê xe tự lái sẽ trả phí cho mỗi chuyến đi liên quan đến khu vực này.
Mức phí áp dụng ban đầu sẽ được điều chỉnh tăng dần vào năm 2028 và 2031 khi mức chiết khấu 40% hiện tại được dần loại bỏ.
Theo ước tính của MTA, kế hoạch này sẽ giảm lượng xe di chuyển vào khu vực thu phí và quãng đường đi trong khu vực lần lượt 10% và 5%.
Ngoài ra, chính sách này dự kiến mang lại nguồn thu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, được sử dụng để bổ sung vào quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trị giá 15 tỷ USD của MTA.
Dù gặp phải nhiều phản đối và các vụ kiện từ bang New York và New Jersey, kế hoạch thu phí vẫn được triển khai như dự kiến.