6 cách để giảm phơi nhiễm bức xạ từ điện thoại đến cơ thể
Điện thoại di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người, cho mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, ít ai để ý ẩn sau sự tiện lợi ấy là việc điện thoại liên tục phát ra năng lượng tần số vô tuyến, hay còn gọi là Radio Frequency (RF) Energy, một dạng bức xạ điện từ có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Kết quả mô phỏng máy tính về mức năng lượng RF hấp thụ vào cơ thể ở các khoảng cách so với điện thoại di động 0cm, 2cm và 6cm. Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện
Theo các chuyên gia Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Khoa học và Công nghệ, điện thoại di động hoạt động bằng cách gửi và nhận tín hiệu từ các trạm thu phát sóng. Các tín hiệu này chính là năng lượng RF, một dạng của bức xạ điện từ. Ngoài điện thoại, cũng có các nguồn năng lượng RF khác, gồm trạm phát sóng di động, thiết bị phát thanh và truyền hình...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra, khi con người sử dụng điện thoại di động, các mô trên cơ thể sẽ chịu hiệu ứng tăng nhiệt do ảnh hưởng từ năng lượng sóng vô tuyến điện từ; tiếp xúc liên tục trong thời gian dài có thể ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người.

Ảnh minh họa: HNM
Cục Tần số vô tuyến điện đưa ra 6 giải pháp giúp giảm tiếp xúc với năng lượng RF từ điện thoại di động:
Thứ nhất, giữ điện thoại cách xa cơ thể: Chỉ cần để điện thoại cách cơ thể vài chục cm khi không dùng đã có thể giảm đáng kể mức năng lượng RF hấp thụ vào cơ thể.
Thứ hai, tránh áp điện thoại vào đầu khi gọi: Hãy sử dụng loa ngoài hoặc tai nghe Bluetooth/tai nghe có dây. Các thiết bị này phát ra ít năng lượng RF hơn rất nhiều so với điện thoại.
Thứ ba, ưu tiên nhắn tin thay vì gọi điện; ưu tiên gọi Wi-Fi giúp giảm mức bức xạ vì Wi-Fi chỉ dùng công suất phát ~0.1W so với 0.6-3.0W khi kết nối với trạm gốc.
Thứ tư, không để điện thoại trong túi quần, áo ngực hoặc đeo ở thắt lưng. Người dùng nên cất điện thoại trong túi xách, cặp hoặc ba lô. Ngay cả khi không sử dụng, điện thoại vẫn phát ra sóng RF để duy trì kết nối với trạm phát sóng, trừ khi bật chế độ máy bay.
Thứ năm, hạn chế sử dụng điện thoại trong các tình huống sau: Khi tín hiệu yếu (chỉ có 1-2 vạch sóng), điện thoại phải phát ra năng lượng RF mạnh hơn để tìm kết nối; khi đang di chuyển nhanh trong xe, tàu hoặc xe buýt, thiết bị phải chuyển liên tục giữa các trạm phát sóng; khi tải hoặc xem video dung lượng lớn, nếu xem video hoặc nghe nhạc trực tuyến nên tải về trước khi xem.
Thứ sáu, không nên sử dụng các sản phẩm “chống bức xạ” không rõ nguồn gốc vì nhiều thiết bị được quảng cáo là chắn bức xạ có thể khiến điện thoại hoạt động mạnh hơn, từ đó phát ra nhiều năng lượng RF hơn để duy trì kết nối, làm tăng nguy cơ tiếp xúc thay vì giảm bức xạ.
Cục Tần số vô tuyến điện cũng cho biết, một số giải pháp kỹ thuật về phần cứng, phần mềm cũng được đề xuất áp dụng để kiểm soát phơi nhiễm ngay từ thiết bị (nguồn phát).
Ví dụ như: Sử dụng cảm biến tích hợp trong điện thoại di động để tạm thời ngắt sóng khi thiết bị được đặt sát cơ thể hoặc định hướng, điều chỉnh thiết kế hướng phát xạ tránh hướng trực tiếp vào đầu và thân người; ứng dụng vật liệu và thiết kế ăng-ten tiên tiến; cải tiến phần mềm điều khiển và điều chỉnh phương thức kết nối để giảm số lần điện thoại kết nối tới trạm gốc.