Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo – hệ sinh thái tiên phong cho những nghiên cứu đột phá
Với mô hình tổ chức chưa từng có tiền lệ trong hệ thống các trường đại học ở Việt Nam, Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo (ĐHQG Hà Nội), là bước đi chiến lược trong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là nơi khơi nguồn cho những ý tưởng khoa học có khả năng tạo ra đột phá, thương mại hóa sản phẩm công nghệ Việt và đưa tri thức hàn lâm đến gần hơn với đời sống xã hội.
Phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam (Báo Tiền Phong) đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trương Ngọc Kiểm – Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo để hiểu rõ hơn về sứ mệnh, tầm nhìn và những kỳ vọng mà ĐHQG Hà Nội đặt vào “hạt nhân sáng tạo” này.
Mô hình tổ chức mới: “Cộng hưởng” nguồn lực – “Ươm tạo” đột phá
Theo PGS. TS Trương Ngọc Kiểm – Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, đây là một tổ hợp kết nối toàn diện giữa các tổ chức khoa học công nghệ (viện nghiên cứu, trung tâm, phòng thí nghiệm…), các đơn vị dịch vụ hỗ trợ (vườn ươm doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, tư vấn chuyển giao…) và các doanh nghiệp công nghệ (Start-up, Spin-off, VNU Holdings, các văn phòng đại diện doanh nghiệp…). Tất cả cùng tạo thành một hệ sinh thái “Lab to Market” – từ ý tưởng trong phòng thí nghiệm đến thương mại hóa ngoài thị trường.

PGS. TS Trương Ngọc Kiểm – Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Mô hình này nhằm khơi dậy và phát huy tối đa tiềm lực khoa học công nghệ của ĐHQG Hà Nội, một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, thuộc nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Với 12 trường đại học thành viên, 5 viện nghiên cứu, 213 phòng thí nghiệm, trong đó có 10 phòng thí nghiệm trọng điểm và 45 nhóm nghiên cứu mạnh, ĐHQG Hà Nội đang sở hữu nguồn lực khoa học - công nghệ hàng đầu cả nước, sẵn sàng tạo đột phá trong nghiên cứu, chuyển giao và phát triển sản phẩm có giá trị thực tiễn.
Các lĩnh vực trọng điểm – Đón đầu xu thế công nghệ
Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo sẽ tập trung vào các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mũi nhọn, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và phục vụ phát triển bền vững. Các lĩnh vực chuyên sâu gồm: Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), công nghệ bán dẫn và vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp và y tế, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ môi trường và chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo và công nghệ lượng tử.



Nhiều dự án được các bạn trẻ ấp ủ khởi nghiệp tại các cuộc thi.
Đặc biệt, trong năm 2025, ĐHQG Hà Nội sẽ thành lập một loạt các trung tâm nghiên cứu xuất sắc trực thuộc Công viên như: Viện Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, Viện Công nghệ Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, Viện Tế bào gốc và Y học tái tạo, Viện Công nghệ Môi trường và Viện Nghiên cứu Lượng tử… Đây đều là những mũi nhọn công nghệ tương thích với định hướng phát triển của thế giới và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ba nhiệm vụ chiến lược – kiến tạo tương lai từ hôm nay
PGS. TS Trương Ngọc Kiểm cho biết, Công viên được ĐHQG Hà Nội giao thực hiện ba nhiệm vụ chiến lược. Thứ nhất, đây là trung tâm thu hút nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển, ươm tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao, chuyển giao tri thức, đổi mới sáng tạo và sản xuất thử nghiệm công nghệ cao. Thứ hai, Công viên là môi trường lý tưởng để thu hút chuyên gia trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực nội sinh về khoa học công nghệ, hướng tới xây dựng lực lượng sản xuất hiện đại. Thứ ba, Công viên đóng vai trò kết nối giữa viện nghiên cứu – trường đại học – doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy mối liên kết giữa nghiên cứu – đào tạo – sản xuất để tạo ra các sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt, có sức cạnh tranh toàn cầu.

PGS. TS Trương Ngọc Kiểm – Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo (ĐHQG Hà Nội) trao đổi với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam (Báo Tiền Phong).
Bên cạnh đó, với tổng diện tích 22,9 ha, diện tích sàn 110.000 m² tại khu nghiên cứu liên ngành, ĐHQG Hà Nội đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, phục vụ cho nghiên cứu liên ngành, phát triển công nghệ lõi, công nghệ nền tảng – nền móng vững chắc cho các thành tựu đột phá.
Hướng tới hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia
Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược dài hạn của ĐHQG Hà Nội, trong việc không ngừng đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nhằm thực hiện sứ mạng đào tạo nhân lực chất lượng cao và tạo ra tri thức mới phục vụ phát triển đất nước.
Trong tương lai, Công viên sẽ trở thành điểm đến tin cậy của các nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư và đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Đây không chỉ là nơi ươm tạo các công trình khoa học có giá trị mà còn là nơi hiện thực hóa khát vọng “vươn mình” của dân tộc Việt Nam – trong sáng tạo, đổi mới và làm chủ công nghệ.