50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đang viết tiếp câu chuyện thành công
Nhìn lại những thành tựu sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta càng thêm tự hào về một Việt Nam có ý chí quật cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ và những bước đi phù hợp để thực hiện hóa mục tiêu xây dựng đất nước.
Tròn 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã và đang viết nên một câu chuyện phát triển thành công, với những thành tựu đáng tự hào nhờ sự phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Từ một nước nghèo, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên thành một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng, quy mô dân số hơn 100 triệu người, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng tăng trên trường quốc tế. Việt Nam ngày nay là biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe trên đường phố Hà Nội tháng 11/2023 (Ảnh: Trọng Phú)
Kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc
Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trong giai đoạn cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, đường lối Đổi mới năm 1986 đã trở thành bước ngoặt đưa đất nước đi lên theo quỹ đạo phát triển đúng trọng tâm và phù hợp với quy luật.
Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nông nghiệp, quy mô nền kinh tế nhỏ bé và khép kín, trở thành một nền kinh tế năng động, lọt vào top 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang hướng tới việc lọt vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tính từ cột mốc Đổi mới tới nay, GDP Việt Nam đã tăng từ 23,2 tỷ USD lên hơn 400 tỷ USD. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2025 đạt 491 tỷ USD.
Về thương mại, Việt Nam nằm trong top 20 thế giới, duy trì mức xuất siêu cao trong những năm gần đây và tích cực tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do. Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (17 có hiệu lực, 2 đang đàm phán).

TP.HCM là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước. (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 4.700 USD. Hiện nay, Việt Nam đang quyết tâm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để thực hiện mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Song hành với quỹ đạo đi lên của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đã triển khai hiệu quả các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững. Theo số liệu thống kê năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước chỉ còn 1,93%.
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng đều đặn, từ 0,561 năm 1985 lên 0,726 vào năm 2022. Sự tăng trưởng này là nhờ chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế rất cao (trên 94% dân số) cũng như hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng được hoàn thiện theo hướng mở và sự cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2025 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã thăng hạng lên đứng thứ 46, cải thiện tích cực so với vị trí 54 của năm 2024 và vị trí 65 của năm 2023. Đây cũng là thứ hạng tốt nhất của Việt Nam kể từ khi báo cáo được công bố lần đầu vào năm 2012.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng đều đặn. Ảnh minh họa. Nguồn:nhandan.vn
Vị thế của đất nước ngày càng tăng cao, tiềm lực quốc gia ngày càng mạnh mẽ
Từ đất nước bị bao vây, cô lập, cấm vận, Việt Nam hiện nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia. Việt Nam cũng tham gia hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Việt Nam đã và đang tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, sẵn sàng đóng góp có trách nhiệm vào công việc của thế giới với vị thế ngày càng cao.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 12 quốc gia gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Malaysia, New Zealand, Indonesia, Singapore. Ngoài ra, Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện có tầm vóc lớn, được thế giới quan tâm như Hội nghị cấp cao APEC 2006, 2017 (trong tương lai là 2027) hay Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019.
Cùng với uy tín và vị thế ngày càng tăng cao trên trường quốc tế, Việt Nam còn tích cực mở rộng hội nhập sang các lĩnh vực phi truyền thống khi tham gia các công ước quốc tế về quyền con người, lao động, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia...

Việt Nam tích cực tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc
Tiềm lực quốc phòng – an ninh Việt Nam không ngừng được tăng cường. Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Môi trường hòa bình, ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển đất nước.
Trong khi đó, sau 50 năm thống nhất đất nước, tinh thần đoàn kết dân tộc và lòng yêu nước ngày càng sâu sắc với những sự biểu thị linh hoạt, đa dạng. Đó là điểm tựa để Việt Nam vượt qua những hoàn cảnh khó khăn như đại dịch Covid-19, bão Yagi hay những biến động của thế giới.

Thông điệp “Hòa bình đẹp lắm” đang bùng nổ trên mạng xã hội.
Tinh thần đoàn kết dân tộc và lòng yêu nước cũng đang tỏa sáng rực rỡ trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiêu biểu là hình ảnh quân dân hòa làm một trong ngày hội non sông hay thông điệp “Hòa bình đẹp lắm” đang bùng nổ trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội.
Sức mạnh đoàn kết đồng long và những thành tựu đã đạt được sau 50 năm đất nước thống nhất là những tiền đề quan trọng để Việt Nam tự tin theo đuổi những giấc mơ lớn, thực hiện hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.