50 năm Thống nhất đất nước: Tiếng vang lớn mang tầm cỡ thế giới
Tại hội thảo diễn ra chiều 26/4 tại Thủ đô Paris của Pháp, một nhà sử học đánh giá Chiến thắng 30/4 là 'tiếng vang lớn có tầm cỡ thế giới,' không chỉ là sự kiện của riêng Việt Nam hay quan hệ Việt-Mỹ.

Người dân Việt Nam tự hào về lịch sử nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chiều 26/4, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội Lịch sử thuộc địa và hậu thuộc địa Pháp, Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) và Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã tổ chức hội thảo nhằm ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên và cùng suy ngẫm về ý nghĩa lịch sử của sự kiện trọng đại này tại trụ sở của UGVF ở phố Petit Musc thuộc quận 4, Thủ đô Paris.
Hội thảo có sự hiện diện của nhiều thế hệ người Việt Nam tại Pháp và các bạn bè Pháp yêu quý Việt Nam.
Tại hội thảo, các diễn giả đã lần lượt có các bài phát biểu, trong đó nêu bật về ý nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập và thống nhất đất nước, những đóng góp của Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trong 30 năm kháng chiến chống Mỹ và vai trò của các phong trào phản chiến tại Pháp.
Phát biểu tại hội thảo, nhà sử học Alain Ruscio khẳng định đây là dịp có ý nghĩa để mọi người chia sẻ những suy ngẫm về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, cũng như nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của nhân dân Việt Nam, đồng thời chia sẻ về tình đoàn kết của các dân tộc bên cạnh nhân dân Việt Nam, trong đó ở Pháp là một phong trào phản chiến sâu rộng phản đối Mỹ và kêu gọi sự ủng hộ Việt Nam cả về chính trị, vật chất và tinh thần.
Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, nhà sử học Alain Ruscio đánh giá Chiến thắng 30/4 là "tiếng vang lớn có tầm cỡ thế giới," không chỉ là sự kiện của riêng Việt Nam hay quan hệ Việt-Mỹ.
Đại diện cho UGVF, ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Phó Chủ tịch của hội, cho rằng những mắt xích đầu tiên cho phong trào yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là những người thuộc thế hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tới năm 1945.
Thế hệ này bao gồm cả những người công binh đã bị Pháp bắt đi lính từ năm 1939 - những người sau đó bắt đầu có ý thức và dần tổ chức thành các phong trào hướng về đất nước.
Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, các phong trào này đã tập hợp hàng trăm, hàng nghìn người để ca ngợi và ủng hộ thành quả cách mạng của Việt Nam. Họ tự hào vì mong ước của họ đã thành hiện thực.
Năm 1946, trong thời gian sang Pháp trong 100 ngày để đàm phán hòa bình, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho bà con Việt kiều phải trở thành những “đại sứ” của nhân dân Việt Nam tại Pháp.

500 học sinh xếp hình lá cờ Tổ quốc tại thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), ngày 27/4/2025. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)