Chủ động, thông suốt cho cấp xã mới
Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đang quyết liệt thực hiện 'cuộc cách mạng' về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.
Với mốc thời gian 1-7-2025 - khi đơn vị hành chính cấp huyện bắt đầu kết thúc nhiệm vụ, cấp xã mới đi vào hoạt động - chỉ còn khoảng 2 tháng để hoàn tất công việc chuyển đổi. Điều này đòi hỏi các địa phương phải hết sức chủ động và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ sắp xếp nhằm đảm bảo cấp xã mới vận hành thông suốt, hiệu quả, gần dân và phục vụ người dân tốt hơn.
Mốc thời gian trên cũng sẽ là thời điểm mang tính bước ngoặt trong việc cụ thể hóa quyết sách chiến lược trong xây dựng bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh, kiến tạo, phục vụ nhân dân nhằm “tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới”, như lời đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu ngày 16-4 tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Để cấp xã mới vận hành ổn định, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động thường ngày của người dân, doanh nghiệp, đòi hỏi phải sớm có kế hoạch (giữa các xã hiện nay) về việc bàn giao, tiếp nhận hồ sơ tài liệu, nhiệm vụ công việc và tài sản công với tiến độ, sự phân công và giám sát chặt chẽ.
Cấp huyện cần tận dụng thời gian hỗ trợ các xã trong thực hiện phương án bàn giao nhiệm vụ (kèm hồ sơ, tài liệu liên quan) về cấp xã mới hoặc chuyển giao về cấp tỉnh. Cùng với đó là tính toán tăng cường nhân sự huyện có năng lực về hỗ trợ cấp xã mới.
Khung pháp lý cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang được Trung ương hoàn thiện, dự kiến sẽ mở rộng quyền tự chủ cho cấp xã mới. Tuy nhiên, sự chủ động của cấp huyện hiện nay sẽ quyết định đến sự suôn sẻ trong quá trình chuyển đổi, sáp nhập cấp xã, góp phần quan trọng để cấp xã mới vận hành thông suốt, hiệu quả và duy trì sự ổn định trên địa bàn.
Người dân và doanh nghiệp phải được xem là trọng tâm của quá trình sắp xếp. Người dân có thể lo lắng về sự thay đổi giấy tờ nhân thân, giấy chứng nhận nhà đất hoặc về quyền lợi về an sinh xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục… Doanh nghiệp có thể gặp trở ngại khi cập nhật địa chỉ trên giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ.
Để giảm các lúng túng có thể phát sinh, các xã cần đẩy mạnh cung cấp thông tin về công tác sắp xếp trên địa bàn, đồng thời có cam kết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết các phát sinh. Việc tổ chức các đợt cao điểm làm thủ tục, miễn phí cập nhật giấy tờ trong giai đoạn đầu sau khi sắp xếp hoặc thiết lập các kênh tiếp nhận, giải đáp kịp thời thắc mắc của người dân, doanh nghiệp là những giải pháp cũng cần được xem xét.
Sự chủ động còn cần phải được thể hiện qua việc nhận diện đầy đủ các phát sinh có thể xảy ra như thất lạc hồ sơ, chồng chéo chức năng nhiệm vụ hoặc bỏ sót nhiệm vụ, công việc. Vì vậy, các xã, phường dự kiến sáp nhập cần sớm có trao đổi, đánh giá tình hình trên địa bàn, từ số lượng hồ sơ cần chuyển giao đến các đầu việc còn dang dở cần tiếp tục giải quyết sau khi sáp nhập.
Thời gian hơn 2 tháng là rất thử thách nhưng đó là dịp để các cán bộ thể hiện năng lực. Đây cũng là cơ hội sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảm bảo bộ máy mới tốt hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bằng cách thực hiện tốt việc bàn giao, tiếp nhận chặt chẽ và dự báo đầy đủ các rủi ro, có phương án giải quyết phù hợp sẽ đảm bảo từ ngày 1-7-2025, bộ máy cấp xã mới vận hành ổn định, thông suốt, hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng vào việc phát triển, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng.