50 năm Thơ Sóc Trăng - Nhìn từ những tác giả

Nhân ngày thơ Việt Nam năm 2025 (Nguyên tiêu xuân Ất Tỵ), chào mừng 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta cùng điểm lại những tâm tình riêng của thi sĩ Sóc Trăng đã góp mình vào dòng chảy văn học chung của cả nước và nhìn nhận những xu hướng phát triển trong tương lai.

Thơ Sóc Trăng đã đóng góp vào hành trang văn học trong vùng và cả nước từ rất sớm. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều nhà văn xuất thân từ vùng đất Sóc Trăng đã có một số tác phẩm đăng trên các tờ báo trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn và các tờ báo văn nghệ giải phóng (Lê Vũ Hùng, Nguyễn Sĩ Hồng, Đoàn Bá...). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Chi hội Văn học nghệ thuật (VHNT) thị xã Sóc Trăng đã có những hoạt động đi cùng nhịp thở với các nhà thơ thuộc tỉnh Hậu Giang cũ (gồm thành phố Cần Thơ và Hậu Giang bây giờ). Đến năm 1992, sau khi tái lập tỉnh Sóc Trăng, với hoạt động của Hội VHNT tỉnh, thơ Sóc Trăng đã có những thành tựu về nội dung lẫn hình thức thể hiện, góp phần vào sự phát triển chung của văn học vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, sau 50 năm thống nhất đất nước, lực lượng sáng tác thơ ở Sóc Trăng có 2 nhóm: những nhà thơ và những người làm thơ. Những nhà thơ, như đã nói ở trên, là những người nghệ sĩ trong lĩnh vực ngôn từ, chuyên sáng tác thơ, lấy văn học làm nghề kiếm sống, lấy chữ nghĩa và việc viết lách làm lẽ sống, trong đó lẽ sống là cao nhất. Sự thôi thúc phải viết như là một cái nợ với đời mà nghệ sĩ chuyên nghiệp nào cũng phải mang. Với góc độ này, đến nay, Sóc Trăng có 3 nhà thơ được công nhận là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là những nhà thơ “thực thụ”: Ngọc Phượng, Trần Huy Minh Phương, Thành Dũng. Những người làm thơ là nhóm thứ hai, đông đảo và đa dạng nhất, gồm tất cả những ai có khả năng sáng tác thơ. Nhóm này có thể chia thành 2 tiểu loại: nhà giáo, nghệ sĩ làm thơ và viên chức làm thơ.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quà cho các tác giả đạt giải tại cuộc thi thơ Sóc Trăng trong tôi. Ảnh: NGỌC NHÂN

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quà cho các tác giả đạt giải tại cuộc thi thơ Sóc Trăng trong tôi. Ảnh: NGỌC NHÂN

Thơ của các nhà thơ

Cố nhà thơ Ngọc Phượng là người đặt nền móng đầu tiên cho văn nghệ Sóc Trăng nói chung và thơ nói riêng. Chị được tặng Giải thưởng VHNT tỉnh Sóc Trăng lần thứ nhất, năm 2022. Với 3 tập thơ gọn ghẽ, tổng cộng trên dưới 80 bài..., chị đã để lại dấu ấn về thơ thật đặc biệt. Đề tài trong thơ của chị giản dị, gần gũi nhưng cách thể hiện thật sáng tạo với việc kết hợp nhiều hình ảnh rất khác xa nhau lại, tạo nên những xúc cảm lạ trong người đọc... Thơ của Ngọc Phượng là một thanh âm trong trẻo, một bản nhạc nâng niu những cảm xúc thánh thiện và những ước mơ nhân văn của con người. Những hình tượng trong thơ Ngọc Phượng luôn ám ảnh người đọc và khiến cho họ phải ý thức về những điều nhỏ nhoi, bình dị nhưng lại có ý nghĩa lớn lao. Câu thơ “đứng bên anh tím ngát một lưng đèo” vừa quyến rũ vừa ma mị mà lại rất trong trẻo, không hề “lên gân” cho một cảm xúc tinh tế của người phụ nữ trong tình yêu.

Trần Huy Minh Phương là nhà thơ Sóc Trăng thứ hai được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. Anh ghi dấu ấn với độc giả qua 2 tập thơ Gió mặn và Khói rụng. Hai tập thơ này là sự chắt chiu, gạn lọc và sàng đãi những xúc cảm đắng cay, những chiêm nghiệm đớn đau và những trải nghiệm tâm linh suốt 10 năm kiếm sống và viết lách ở nơi xa. Xem viết lách là nghề kiếm sống, Trần Huy Minh Phương là gã say mê chữ, cứ hùng hục trong việc đào xới ngôn từ khi làm thơ. Anh tận lực bới đào chữ nghĩa không phải để lấy đó làm phương tiện để chuyên chở ý nghĩ và xúc cảm, mà là để cảm xúc tìm đường chạm vào chữ nghĩa. Mỗi con chữ là một thế giới, và mỗi dòng thơ là những thế giới đặt cạnh nhau theo mạch tâm trạng từ đó tạo nên những tư tưởng dung dị về tuổi thơ, đồng quê và đời sống xung quanh chúng ta. Cho nên đọc nhiều bài thơ của anh đừng cố đi tìm cái lý của những hình ảnh gần nhau, mà hãy dùng trải nghiệm và trực cảm để hiểu.

Thành Dũng là nhà thơ Sóc Trăng vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024. Anh được tặng Giải thưởng VHNT tỉnh Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2022. Thành Dũng được xem là nhà thơ với mảng thơ thiếu nhi. Tập thơ “Bánh mì thơm ban mai” của anh được đánh giá cao vì những cảm xúc ngây thơ của thế giới trẻ con được bộc lộ thật tinh tế. Gấp lại tập thơ bánh mì thơm ban mai, bạn đọc sẽ thấy hình như không chỉ là những lời thơ giản dị mộc mạc dành cho con nít như hình thức ban đầu mang lại mà đó còn là một cuộc đối thoại của kiếp nhân sinh, ở đó, người ta vừa đa đoan vừa vụn vặt, cao cả mà thấp hèn, sang trọng trong xuề xòa. Với những tập thơ trước đây, Thành Dũng tiếp tục mang lại cho bạn đọc một tập thơ đầy cảm xúc mới lạ. Như nhiều tập thơ trước, cơ chế chính để tạo nên chất thơ Thành Dũng vẫn là những liên tưởng vượt khỏi sự vật, hiện tượng hằng ngày theo phong cách của anh.

Có thể nói, thơ của những nhà thơ Sóc Trăng không chỉ miêu tả hiện thực cuộc sống đang diễn ra mà còn đi sâu vào những xúc cảm sâu sắc của con người về lẽ sống, về tình yêu, về những mặt tối sáng khác nhau của nhân sinh. Những trăn trở đó không dễ nói được bằng văn xuôi hay lời văn thường nhật.

Thơ của các nhà giáo và nghệ sĩ

Rất nhiều nhà giáo ở Sóc Trăng làm thơ. Có thể là những nhà giáo đương nhiệm hoặc đã về hưu, hoặc đã từng đi dạy sau đó nghỉ việc. Mỗi nhà giáo một giọng, một lời và một cách thể hiện không lẫn vào đâu được. Đó là nhà giáo Lê Đức Đồng với một tình cảm với Đảng, với quê hương rất thiết tha. Có thể nói, chưa có ai viết thơ ca ngợi Đảng, ca ngợi cách mạng và minh họa cho những thành tựu của quê hương đất nước nhiều như Lê Đức Đồng. Nhiều bài thơ của ông đậm đà phong vị quê hương.

Ngoài ra, thơ Hồng Lâm mang âm hưởng của tình cảm người lính trong cuộc chiến tranh gian khổ trở về đời thường; Hoa Huyền với những xúc cảm đầu đời của thiếu nữ; Nguyễn Thị Tuyết với nét tinh nghịch của những cô cậu học trò; Liên Chi với nét đẹp nền nã, tinh tế của thiếu nữ trong tà áo mơ phai; Trần Quốc Dũng với tình cảm bồng bột của chàng trai mới lớn; Tạ Lệ Vân hồn hậu và chân tình với những câu chuyện đời nhân văn; Quách Mộc Ngôn trăn trở những nét văn hóa, nếp sống của gia đình, quê hương đang có những thay đổi biến chuyển; Diệp Bần Cò với tâm tình chân chất nhưng đầy suy tư của người dân xứ cù lao xưa và nay; ... Tất cả những phong cách, giọng điệu đó đã làm nên một nền thơ Sóc Trăng đa sắc màu.

Thơ của nghệ sĩ là tác phẩm những nhà thơ là hội viên Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng nhưng chưa là hội viên Trung ương. Trong nhóm này, có thể kể vào những nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành khác mà vẫn tham gia làm thơ. Hồ Trung Chính là một người làm thơ chuyên nghiệp, là hội viên Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng. Anh được tặng Giải thưởng VHNT tỉnh Sóc Trăng lần thứ nhất, anh cũng đạt giải nhất trong cuộc thi thơ Sóc Trăng trong tôi năm 2023. Đọc thơ Hồ Trung Chính, bạn đọc sẽ tìm thấy một giọng điệu truyền thống, một sự thủ thỉ tâm tình của một người đi tìm một cõi uyên nguyên trong thơ và trong cuộc sống. Uyên nguyên là cội nguồn tạo ra mọi trạng thái của sự vật, hiện tượng và tâm trí con người. Hồ Trung Chính luôn đau đáu về cõi ấy với một tâm trạng của phận người nhỏ nhoi, luôn chắt chiu từng vẻ đẹp đời thường.

Có thể bắt gặp một Hồng Sơn kể chuyện đời bằng nhịp điệu và những kết hợp ngôn từ khác thường. Cố nhạc sĩ Hồng Sơn là người của Phân hội Âm nhạc, nhưng anh đã để lại một tập thơ “Mùa đi” rất đặc sắc, nhất là những dòng viết về người Sóc Trăng.

Thơ của các viên chức

Những viên chức này có tâm hồn nghệ sĩ và có tài năng văn chương, xem việc làm thơ như một phương diện khác của đời sống tinh thần. Những viên chức làm thơ có thể kể đến gồm: Hoàng Sơn (Ba Tấn) với những bài thơ đầy chất khẳng khái, nghĩa khí, mang ý vị châm biếm sâu sắc; H.V.Đ thì thâm trầm giữa hai bờ hư thực; thơ Hà Văn Thông là sự chân thật với ngôn từ và gửi gắm qua tình bạn bè; Quốc Bình với những dòng “lưu sự” miên man chuyện đời, chuyện nghề; Hoàng Liên Phương với những xúc cảm bất chợt nhưng vương vấn mãi hồn người; Trương Minh Châu với những tâm sự thầm kín nửa muốn bày tỏ nửa giấu đi; Đường Lãng Du chân thật với một nỗi niềm đau đáu về quê hương, gia đình; Thùy Linh nền nã một tấm chân tình sông nước thân thương của cô dâu đất Cù Lao; Vũ Tương Tư với tâm sự nhân nghĩa của một người cha có trách nhiệm; Trần Minh Lý giản dị mà chan chứa tình người, tình quê đậm chất vọng cổ; Vũ Hiếu Đông với những trăn trở về phận người trong tình yêu đôi lứa, Nguyễn Văn Cảnh với một tấm lòng son sắt với Đảng, với dân tộc; Tân Thị Trang với nỗi niềm về những nét đẹp đồng quê...

Có thể nói, sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, những người làm thơ Sóc Trăng đã tạo nên diện mạo một nền văn học, trong đó có thơ đậm tính chất “anh em”. Tính chất của vùng đất dung nạp nhiều văn nghệ sĩ đến từ nhiều nơi khác nhau. Với lực lượng làm thơ đa dạng và nhiều phong cách, thơ Sóc Trăng đã tạo thành một dòng riêng, có thành tựu, có bản sắc, góp vào dòng chảy chung của văn học dân tộc. Với phong cách của hai nhà thơ Thành Dũng và Trần Huy Minh Phương, trong tương lai, thơ Sóc Trăng sẽ còn có bước phát triển mới.

HUỲNH VŨ LAM

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/202502/50-nam-tho-soc-trang-nhin-tu-nhung-tac-gia-b81199c/
Zalo