Tiếng ai xanh cả khung trời…
Thơ ca không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là biểu hiện tinh hoa của tâm hồn con người và văn hóa dân tộc. Dưới ánh sáng của thơ ca, đời sống trở nên phong phú, tươi đẹp hơn; những giá trị quốc gia cũng theo đó mà soi tỏ, cộng hưởng...
Nhà thơ Hữu Việt: Thơ ca giống như căn cước văn hóa
Với người làm công việc sáng tạo văn học nghệ thuật, về cá nhân, nhà thơ cần có trách nhiệm với chính những sáng tạo, tác phẩm của mình, đó là trách nhiệm cao nhất. Bởi nếu một người làm công tác sáng tạo nói chung, một nhà thơ nói riêng mà không có tác phẩm thật sự lay động, có sức thuyết phục, sức lan tỏa và dẫn dắt độc giả, công chúng, sẽ không hoàn thành trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, nhà thơ cần có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, với thời đại mình. Đất nước hướng tới xây dựng một xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, dân chủ, công bằng, văn minh hơn, thì thơ ca giống như tấm hộ chiếu, tấm căn cước văn hóa của dân tộc. Đồng thời, thơ ca cũng là tiếng nói của lương tri, nhân phẩm, của những điều đẹp đẽ nhất mà tâm hồn con người có thể cất lên trong những hoàn cảnh khác nhau.
Ngày thơ năm nay (15 tháng Giêng) diễn ra sau 50 năm đất nước hoàn toàn thống nhất. Đây là thời điểm đất nước sẵn sàng bước sang một thời kỳ mới với nỗ lực của toàn dân tộc. Đó là kỷ nguyên tăng tốc và vươn mình sánh vai với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều đó, cần có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân. Trong đó, vai trò của văn nghệ sĩ, của thi ca là cổ vũ, thúc giục, khuyến khích mọi người đồng lòng hướng về phía trước với tinh thần tự hào, tự tin. Đó là khát vọng về Việt Nam hùng cường giống như hình ảnh anh giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất, đã tạo nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ, để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (bài Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân), đúng như chủ đề Ngày thơ Việt Nam năm 2025.
Những năm gần đây, các nhà thơ trẻ càng ngày càng tham gia nhiều vào hoạt động của ngày thơ. Ở đó, chúng ta thấy thơ đã tiếp cận công chúng bằng hình thức phong phú, ví dụ như thơ trình diễn và sắp đặt, ngâm thơ, tọa đàm thơ... Có nhiều bài thơ đã được thể hiện thông qua hình thức văn hóa dân gian, có sự tiếp nối của văn hóa truyền thống trong dòng chảy của thi ca đường đại.
Ba năm gần đây, Ngày thơ Việt Nam với đêm thơ không phân ra thơ trẻ và thơ già mà bình đẳng khi xuất hiện trên sân khấu. Phần xuất hiện của các nhà thơ trẻ được kỳ vọng mang lại sức hấp dẫn, sự quyến rũ của thơ ca trong tương lai. Họ chính là lực lượng kế cận cho một nền thơ đồng hành cùng đất nước, dân tộc qua hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc đổi mới của đất nước 50 năm qua.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Sáng tác là niềm hạnh phúc và mê đắm lớn lao
Khát vọng của tôi, một nhà thơ, trong bối cảnh đất nước, xã hội đang có nhiều chuyển biến, là mong muốn mối quan tâm đối với lĩnh vực văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa và củng cố giá trị văn hóa, nhân văn của con người sẽ được hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền, các thành phần trong xã hội tiếp tục chú trọng, nâng cao. Và để thực hiện công việc đó, thì vận dụng văn học nghệ thuật để xây đắp, bồi bổ cho tâm hồn, đời sống con người là một hướng đi đúng đắn, hiệu quả. Con đường này, để được bền vững, vươn xa, cần trước hết ở nỗ lực sáng tác, sáng tạo, đổi mới nghệ thuật của các văn nghệ sĩ; tiếp đó cần sự chào đón, tạo các điều kiện thuận lợi từ chủ trương, chính sách văn hóa và các thiết chế về xuất bản, biểu diễn, trình chiếu, trưng bày… nhằm lan tỏa sâu rộng, tích cực, thường xuyên đến công chúng. Cùng với đó là cơ chế động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng được thưởng thức, hưởng thụ các tác phẩm văn học nghệ thuật, các sản phẩm văn hóa một cách rộng rãi; trong đó chú trọng thêm ở vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu thốn, khó khăn về điều kiện cung cấp, phục vụ.
Đẩy mạnh dùng tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao để chăm sóc cho tinh thần, tâm hồn con người, chắc chắn sẽ làm giàu, đẹp, nhân văn, vững mạnh nhân cách, đạo đức con người, đời sống và phẩm chất cộng đồng. Như thế sẽ góp phần vào sự phát triển giàu mạnh, nhân văn, văn hóa và văn minh của đất nước.
Cá nhân tôi, mong sẽ góp phần vào tiến trình đó bằng các tác phẩm, như đã nỗ lực thực hành sáng tác, sáng tạo và đổi mới sáng tác của mình trong nhiều năm qua. Khát vọng của tôi chính là được đi nhiều hơn, quan sát, cảm nhận cuộc sống, con người nhiều hơn để làm phong phú, sâu sắc chính tâm hồn và nhân lên cảm hứng, ý thức sáng tạo trong mình. Qua đó, có được nhiều hơn, mới hơn, hay hơn, cuốn hút hơn các sáng tác về cuộc sống, con người, cộng đồng, đất nước, văn hóa, dân tộc…, một đời sống và dân tộc mà đi sâu vào đó để sáng tác là niềm hạnh phúc và mê đắm lớn lao.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh: Để thơ ca làm sâu sắc thêm tâm hồn trẻ
Là người làm thơ cho thiếu nhi, tôi cũng có nhiều mong muốn và kỳ vọng - vào thơ, vào người làm thơ và độc giả nhỏ tuổi của chúng tôi, thậm chí, cả vào các bậc cha mẹ, thầy cô giáo dạy tiếng Việt, Ngữ văn ở trường phổ thông nữa! Tôi cho rằng, trẻ em rất nên làm quen và "đánh bạn" với ngôn ngữ thơ ca, càng sớm càng tốt, càng lâu càng tốt. Thơ ca với cách diễn đạt độc đáo, khác biệt của mình, với nhịp điệu, hình ảnh, ngôn ngữ riêng luôn giữ vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ nhìn nhận thế giới, sống chung với những người xung quanh, khám phá và làm sâu sắc thêm tâm hồn mình.
Gần đây, bên cạnh các tác giả thơ thiếu nhi có tên tuổi như Phạm Hổ, Định Hải, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Hoàng Sơn, Hoài Khánh, Phan Thị Thanh Nhàn…, tác giả đương đại cũng đang được nhà xuất bản chú trọng phát hành, quảng bá như Hồ Huy Sơn, Huỳnh Mai Liên, Phạm Anh Xuân, Lữ Mai, Mai Quyên, Châu An Khôi… Tôi hy vọng, các bố mẹ cũng lưu tâm hơn đến thơ khi tìm mua sách cho con. Tâm hồn đứa trẻ thật ra rất gần gũi với thơ. Ngay từ nhỏ, em bé đã có xu hướng nhìn sự vật một cách bay bổng, nói có vần điệu, đi lại nhún nhảy, cảm nhận âm nhạc vang lên trong mình. Đọc thơ cùng trẻ là chúng ta sẽ giữ được bản chất trong trẻo, đầy cảm xúc, giữ được cách diễn đạt hình tượng, trí tưởng tượng phong phú vốn có của trẻ thơ.
Tôi có cơ hội làm việc cùng các bạn trẻ. Với thơ, các em ngại ngần chính vì cách dạy văn ở nhà trường. Tôi mong sao, cùng với việc biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực, thầy cô có thể thay đổi cách tiếp cận một bài thơ - không nhăm nhăm nhìn nó như một đối tượng phải phân tích để tính điểm thi mà dẫn dắt trẻ cảm nhận và rung động cùng thơ. CLB Đọc sách cùng con năm nào cũng giới thiệu thơ với các em qua hình thức... bói thơ đầu năm. Tôi nhận thấy, chỉ cần đọc to, đọc diễn cảm một đoạn thơ, cùng nhau cảm nhận nhịp điệu, tiết tấu bài thơ, băn khoăn về những hình ảnh ẩn dụ, ngôn từ độc đáo trong thơ, mỗi đứa trẻ đã sẵn sàng đón nhận thế giới của nhà thơ.
Các nhà thơ viết cho thiếu nhi, mỗi người có một phong cách riêng, sẽ chia sẻ với độc giả nhỏ tuổi thế giới thơ của mình, giúp trẻ dần xây dựng phông cảm xúc trong quá trình lớn và trưởng thành.