50 năm ký ức hào hùng: Tri ân những người con ưu tú trong đại gia đình Học viện mang tên Bác Hồ kính yêu

Trong không khí cả nước phấn khởi, tự hào hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp mặt và tri ân công lao của các đồng chí cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân các gia đình liệt sĩ đã trực tiếp đóng góp sức mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – những người con đã viết nên bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, phát biểu tri ân các đồng chí đã tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã và đang công tác tại Học viện.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, phát biểu tri ân các đồng chí đã tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã và đang công tác tại Học viện.

Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện; PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện, các đồng chí lãnh đạo Học viện qua các thời kỳ, cùng gần 600 đồng chí đại diện thương binh, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu công an và cựu thanh niên xung phong, đại diện lãnh đạo các đơn vị bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các đơn vị trên toàn hệ thống Học viện.

Cách đây tròn nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc với quyết tâm sắt đá thực hiện những gửi gắm của Bác Hồ trước khi Người đi xa. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng triệu thanh niên đã lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên mọi chiến trường miền bắc, miền nam, chiến trường Lào, chiến trường Campuchia. Hàng triệu thanh niên khác đã gia nhập lực lượng công an, thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể trên các trọng điểm đánh phá của địch, suốt trên tuyến giao thông từ bắc vào nam, để bảo đảm con đường chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền bắc thông suốt vào tiền tuyến lớn miền nam.

Quang cảnh buổi gặp mặt.

Quang cảnh buổi gặp mặt.

Không thể kể hết những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của các chiến sĩ bộ đội, công an nhân dân, thanh niên xung phong và của toàn dân ta. Đó là biểu tượng của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc đã anh dũng hy sinh để bảo đảm cho giao thông thông suốt tại một trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ.

Đó là hình ảnh anh giải phóng quân chiến đấu và hy sinh anh dũng trên đường băng Tân Sơn Nhất, đã đi vào bài thơ sống mãi của nhà thơ Lê Anh Xuân, tạo nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ.

Đó là hình ảnh của những quân đoàn thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước trong mùa Xuân lịch sử cách đây 50 năm, kể từ chiến dịch Tây Nguyên ngày 10/3/1975, qua các chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chỉ trong 55 ngày đêm, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, quân và dân ta đã tiến lên hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, hoàn thành ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đóng góp vào thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là công sức, là xương máu của hàng triệu chiến sĩ bộ đội, công an, thanh niên xung phong. Trong số đó, có những người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường – từ Trường Sơn nắng gió đến Tây Nguyên đại ngàn, từ sông Cửu Long mênh mang tới tận vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ.

Phát biểu của đại diện cựu chiến binh, đồng chí Ngô Quang Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, cựu chiến binh tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Phát biểu của đại diện cựu chiến binh, đồng chí Ngô Quang Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, cựu chiến binh tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Có những người may mắn trở về, nhưng mang trên mình vô số vết thương do bom đạn kẻ thù, do nỗi đau âm ỉ của chất độc da cam, mang theo cả những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn. Chúng ta luôn tự hào về những thương binh, những cựu chiến binh, cựu công an, cựu thanh niên xung phong – những ngọn lửa sống, thắp sáng lên bài học lớn về lòng yêu nước, chí khí cách mạng kiên cường cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong số những cựu chiến binh, cựu công an, cựu thanh niên xung phong, có nhiều đồng chí sau ngày đất nước thống nhất về công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Các đồng chí đã tiếp tục phát huy truyền thống của “Bộ đội cụ Hồ” trong lĩnh vực công tác mới, nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ… góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt.

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt.

Có thể khẳng định rằng, các đồng chí đó đã bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ, trở về Học viện và trở thành “một thế hệ vàng” làm nên tên tuổi, uy tín của Học viện; đóng góp không mệt mỏi trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị; tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn; tích cực chăm lo, đào luyện thế hệ kế tục sự nghiệp của Học viện; nhiều thầy cô là cựu chiến binh, là cựu công an, cựu thanh niên xung phong đã để lại hình ảnh rất tốt đẹp đối với cán bộ, học viên, sinh viên được học tập trong hệ thống trường Đảng, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang hơn 75 năm qua của Học viện.

Thời gian trôi qua, nhiều cựu chiến binh, cựu công an, cựu thanh niên xung phong được Đảng và Nhà nước, Đảng ủy, Ban Giám đốc giải quyết chế độ hưu trí, nhiều đồng chí tiếp tục đóng góp trong tổ chức hội cựu giáo chức của Học viện; nhiều đồng chí thương binh đau ốm do vết thương tái phát khi thời tiết đổi thay nhưng tấm lòng vẫn vẹn nguyên với lời dạy của Bác: Thương binh tàn nhưng không phế, luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường, lạc quan của Người lính Cụ Hồ.

Trong đó có những đồng chí mất khá sớm sau nghỉ hưu như: đồng chí Nguyễn Đức Lữ, Nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng; đồng chí Nguyễn Khánh Bật, Nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; GS, TS Nguyễn Văn Huyên, Nguyên Viện trưởng Viện Chính trị Học; GS, TS Trần Thành, Nguyên Viện trưởng Viện Triết học…..

Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, xúc động phát biểu: “Xin thành kính tri ân và biết ơn sâu sắc các thế hệ Anh hùng, liệt sĩ của dân tộc; biết ơn sự hy sinh, đóng góp của các đồng chí cựu chiến binh, cựu công an, cựu thanh niên xung, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ đã và đang công tác trong hệ thống Học viện. Chúng ta tràn đầy niềm tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phát huy truyền thống anh dũng chiến thắng của đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục tiến lên trên con đường xây dựng và phát triển nước Việt Nam giàu mạnh và văn minh”.

Sự hy sinh, cống hiến của các đồng chí đại biểu dự buổi gặp mặt, có người đã mất đi người cha thân yêu khi tham gia chiến đấu chống quân thù, có thể chưa một lần được nhìn thấy mặt cha, họ mong muốn một lần được cha ôm vào lòng, một lần, một lần thôi mà mãi chẳng bao giờ có được, mặc dù thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa.

Những thân nhân gia đình liệt sĩ đã và đang công tác tại Học viện, luôn phấn đấu vươn lên, xứng đáng với sự hy sinh của cha, của mẹ vì nền độc lập của dân tộc, vì lời thề nam-bắc thống nhất. Mỗi đồng chí đại biểu gặp mặt hôm nay là biểu tượng rực sáng của lòng yêu nước, của ý chí bất khuất Việt Nam. Đó là những giá trị thiêng liêng mà mỗi thế hệ chúng ta phải trân trọng, gìn giữ và tiếp nối.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn tự hào và biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp to lớn của các đồng chí. Các đồng chí không chỉ là nhân chứng sống của lịch sử, mà còn là nguồn động viên, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục rèn luyện, học tập, cống hiến cho lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Đồng chí Giám đốc Học viện khẳng định, Đảng ủy, Ban Giám đốc sẽ luôn chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của Học viện, xây dựng các thế hệ cán bộ của Học viện tiếp bước truyền thống anh hùng của dân tộc, của một thế hệ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”; xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ khoa học trẻ ra sức học tập, nghiên cứu, tu dưỡng và hành động, để xứng đáng với sự hy sinh máu xương của các thế hệ cha anh, xứng đáng với niềm tin yêu mà các đồng chí đã gửi gắm cho thế hệ hôm nay và mai sau để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

50 năm đã trôi qua, đất nước ta đã có những bước tiến thần kỳ, trên cơ sở đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra hai mục tiêu 100 năm, đó là mục tiêu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, đất nước ta trở thành một đất nước phát triển trung bình cao, tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao.

Tới đây, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sẽ tiếp tục những mục tiêu đó. Chúng ta nhất định phải tiến lên đạt được những mục tiêu đó để công sức, xương máu và sự hy sinh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không bị uổng phí, cũng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ, phồn vinh, văn minh hạnh phúc thành sự thật.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đề nghị thủ trưởng các đơn vị, cấp ủy, công đoàn, Hội cựu chiến binh tiếp tục quan tâm, động viên các đồng chí đã từng tham gia lực lượng vũ trang trong các cuộc kháng chiến trước đây, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc gần đây và thân nhân gia đình liệt sĩ một cách thiết thực, cụ thể, thường xuyên, không chỉ đến ngày 27/7; ngày 19/8 hay ngày 22/12 mới nhớ đến.

Tình hình thế giới trong những năm qua và hiện nay có những biến đổi nhanh chóng và khó lường, đặt ra những thách thức cho dân tộc ta trên con đường phát triển. Để vượt qua những thách thức đó, đạt được những mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, tranh thủ những thời cơ thuận lợi của tình hình thế giới đem lại, đẩy lùi những nguy cơ và thách thức, xây dựng và phát triển nước Việt Nam hùng cường giàu mạnh.

Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là thực hiện tốt Nghị quyết lần thứ 18- NQ-/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện tốt nghị quyết này, chúng ta sẽ tạo ra những vận hội mới, mở ra sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương cũng như của cả nước, để đạt tới tăng trưởng kinh tế cao, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhiều khó khăn còn ở phía trước, nhưng chúng ta tin rằng, với quyết tâm chính trị cao, với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đất nước ta hoàn toàn có thể bứt phá, vươn mình, đạt tới những đỉnh cao mới.

Buổi gặp mặt không chỉ là dịp ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc mà còn là dịp tôn vinh, tri ân sự hy sinh và đóng góp to lớn của các thương binh, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu công an và cựu thanh niên xung phong – những “người con ưu tú” đã và đang tiếp bước sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh.

Đây cũng là lời khẳng định mạnh mẽ về truyền thống anh dũng của đại thắng mùa Xuân 1975, đồng thời tiếp thêm động lực để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và văn minh.

TRẦN QUANG DIỆU - Ảnh: MẠNH THẮNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/50-nam-ky-uc-hao-hung-tri-an-nhung-nguoi-con-uu-tu-trong-dai-gia-dinh-hoc-vien-mang-ten-bac-ho-kinh-yeu-post875676.html
Zalo