50 năm Giải phóng Trường Sa - Thành trì bất khuất giữa biển Đông

50 năm Giải phóng Trường Sa - Thành trì bất khuất giữa biển Đông

Cùng với 5 cánh quân trên bộ thần tốc tiến về Sài Gòn thì một cánh quân âm thầm vượt biển giải phóng các quần đảo ở Trường Sa. Ngày lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca... cũng là ngày đất nước thống nhất, giang sơn, biển trời thu về một mối. 50 năm trôi qua, không khí oai hùng của những ngày tháng 4 lịch sử dội về trên những con sóng, vỗ về bờ cõi phía Đông của tổ quốc. Nối tiếp thế hệ cha anh, những người lính Trường Sa hôm nay vẫn kiên cường bám đảo, giữ vững từng tấc đất, biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Họ như những cây phong ba vững vàng trước sóng, gió, bão bùng.

Bài 1: Mật lệnh của Đại tướng và cuộc thần tốc vượt biển giải phóng Trường Sa

Tháng Tư năm 1975, trong khi 5 cánh quân thần tốc tiến vào Sài Gòn thì một mũi tiến công thầm lặng ra khơi. Dưới mật lệnh đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cánh quân thứ sáu đã mở màn chiến dịch giải phóng Trường Sa, đánh dấu bước ngoặt chiến lược, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển đảo thiêng liêng. Trường Sa - từ đây không chỉ là hòn đảo, mà là máu thịt của Tổ quốc.

Cánh quân thứ 6 “thần tốc” ra biển

Những ngày cuối tháng 3.1975, tại “Tổng hành dinh” của chiến dịch Hồ Chí Minh, dù nóng lòng dõi theo từng bước tiến công của các cánh quân đang thần tốc xốc thẳng vào Sài Gòn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho hướng biển, hướng về các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân đội Việt Nam Cộng hòa đang chiếm giữ.

Trong cuốn hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”, Đại tướng đã dành hẳn một chương để viết về sự kiện “giải phóng Trường Sa” và gọi đó là “một sự kiện đặc biệt đã diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu”. Đó là sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ, một vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế và quân sự. Đại tướng khẳng định: “Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp. Khó khăn lớn nhất là phải đánh chiếm các đảo với lực lượng hải quân nhỏ bé lúc bấy giờ. Trên mặt trận Biển Đông, hành động cũng phải "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".

 Song Tử Tây là hòn đảo được giải phóng sớm nhất trong các đảo ở Trường Sa vào ngày 14.4.1975. Ảnh: TT

Song Tử Tây là hòn đảo được giải phóng sớm nhất trong các đảo ở Trường Sa vào ngày 14.4.1975. Ảnh: TT

Trước những diễn biến trên đất liền, chiều ngày 4.4.1975, Đại tướng có bức mật lệnh số 990B/TK gửi Chính ủy Quân khu 5 Võ Chí Công và Tư lệnh Chu Huy Mân nhấn mạnh: "Thực hiện kịp thời đánh chiếm các hòn đảo ở vùng Nam Hải, đặc biệt là các đảo Nam Sa (ta gọi là Trường Sa). Việc này phải chuẩn bị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết". Mệnh lệnh này được thi hành tức khắc. Quân khu 5 cùng Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai kế hoạch tác chiến.

Các lực lượng của Quân khu 5 cùng một biên đội tàu và lực lượng đổ bộ của hải quân được tổ chức lại gồm: các tàu vận tải của Đoàn 125 vừa từ Hải Phòng vào tiếp quản Đà Nẵng; những con tàu không số này vốn từng quen với "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển", nhiều lần qua lại khu vực quần đảo Trường Sa nên đã quen nhận dạng, phân biệt các đảo và cũng có kinh nghiệm tránh đá ngầm; Đội 1 Đoàn 126 đặc công là đơn vị có bề dày thành tích với cách đánh bí mật, bất ngờ, đã đánh chìm nhiều tàu địch ở chiến trường Cửa Việt. Chỉ huy trưởng là đồng chí Mai Năng.

Ngày 9.4, Cục Quân báo phát hiện địch rút quân khỏi các đảo ở biển Nam Hải. Quân ủy Trung ương điện "tối khẩn" cho Chính ủy Quân khu 5 Võ Chí Công và Tư lệnh Chu Huy Mân, Phó Tư lệnh Hải quân ở Đà Nẵng với nội dung: "Có tin quân ngụy chuẩn bị rút khỏi đảo Nam Sa. Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm".

Sau khi nhận ý kiến chỉ đạo trực tiếp từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lực lượng hải quân và các đơn vị quân khu 5 ngụy trang giả dạng tàu đánh cá, xuất phát vào lúc trời chưa sáng. Bằng phương tiện nhỏ và ít, đối mặt với tàu chiến lớn của địch và đại dương mênh mông, quân ta đánh theo kiểu của mình: bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ đánh chiếm mục tiêu.

 Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn

Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn

Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 14.4, sau hơn một giờ tổ chức đổ bộ, ta nổ súng tiến công, nhanh chóng tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây, kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ trên đảo.

Tiếp đó, ngày 25.4, quân ta tiến công đánh chiếm đảo Sơn Ca. Ngày 27.4, ta giải phóng đảo Nam Yết. Ngày 28.4 giải phóng đảo Sinh Tồn và đến 9 giờ ngày 29.4 giải phóng đảo Trường Sa, đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng với những cố gắng lớn nhất. “Sức mạnh tiến công và nổi dậy của chiến trường trọng điểm cùng với sự chi viện to lớn của hậu phương làm cho thế và lực của quân và dân ta lớn mạnh vượt bậc. Tuyến phòng ngự từ xa của địch đã bị phá vỡ. Một vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên với những đảo và quần đảo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đã thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Các cánh quân lớn dày dạn kinh nghiệm chiến đấu sẵn sàng đi vào trận tiến công hang ổ cuối cùng của địch (trích hồi ức: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”).

Non sông, biển trời thu về một mối

Đến Trường Sa giữa những ngày tháng 4 lịch sử này, mỗi đảo chìm, đảo nổi giữa trùng khơi đều mang trong mình những câu chuyện hào hùng về cuộc trường chinh của người lính. Có mất mát, có hy sinh, có những giọt nước mắt lăn dài xen lẫn niềm tự hào, xúc động khi được nghe về chiến dịch thần tốc giải phóng Trường Sa 50 năm trước. Ở mỗi đảo đều in đậm dấu chân của người lính qua bao thế hệ.

Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ, cuộc thần tốc giải phóng quần đảo Trường Sa của các đơn vị quân đội ta mang nhiều ý nghĩa lịch sử, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Quân và dân đảo Song Tử Tây luôn khắc ghi những hy sinh, mất mát to lớn của thế hệ cha anh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa, chúng tôi cũng tổ chức mít tinh, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên đảo sự nghiệp đấu tranh vĩ đại của cha ông, để tự dặn lòng, khắc ghi lời thề của người lính với Trường Sa. Đó là “còn người là còn đảo”. Dù có hy sinh thân mình cũng phải hoàn thành nhiệm vụ với quân đội, Nhân dân và dân tộc, bảo vệ bằng được từng tấc đất, sải biển của cha ông.

Nhìn lại 50 năm sau ngày giải phóng, Thượng tá Khương cho rằng, đó là hiện thân của một nghệ thuật quân sự xuất sắc, một tinh thần dũng cảm, kiên trung của những người lính. Tiếp nối truyền thống đó, quân và dân đảo Song Tử Tây hôm nay quyết tâm rèn luyện, thực hiện thắng lợi tất cả nhiệm vụ được giao. Không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Nối tiếp truyền thống hào hùng của cha ông, những người lính Trường Sa hôm nay vẫn kiên cường bám đảo, giữ vững từng tấc đất, biển trời thiêng liêng của tổ quốc

Nối tiếp truyền thống hào hùng của cha ông, những người lính Trường Sa hôm nay vẫn kiên cường bám đảo, giữ vững từng tấc đất, biển trời thiêng liêng của tổ quốc

Sau khi giải phóng Song Tử Tây, đoàn quân tiếp tục tiến về Sinh Tồn. Từng bước đường hành quân luôn đối mặt với đủ hiểm nguy rình rập. Chiến công của những người lính năm ấy đã khắc sâu trong tâm trí của quân và dân nơi hòn đảo tiền tiêu. Trung tá Hoàng Văn Cường, Chính trị viên đảo Sinh Tồn xúc động: “Dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào thì người lính hải quân cũng phải khắc phục khó khăn, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất, từng sải biển mà cha ông ta đã để lại. Đảo Sinh Tồn được giải phóng vào ngày 28.4.1975, đã góp phần vào giải phóng chung của quần đảo Trường Sa cũng như chiến thắng chung của Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 lịch sử, đưa non sông, đất nước, biển trời của Tổ quốc từ nay về một mối”.

Tấn Tài

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/50-nam-giai-phong-truong-sa-thanh-tri-bat-khuat-giua-bien-dong-post410613.html
Zalo