50 năm giải phóng miền Nam: 'Về nguồn' cùng Cựu Chiến binh miền Bắc

Gần 140 cựu chiến binh thuộc các tỉnh, thành phố phía Bắc 'Nam tiến' thăm chiến trường xưa - nơi một thời thanh xuân họ đã 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.'

Đoàn cựu chiến binh phía Bắc chụp ảnh kỷ niệm tại Đài tưởng niệm Đăk Tô. (Nguồn: Vietnam+)

Đoàn cựu chiến binh phía Bắc chụp ảnh kỷ niệm tại Đài tưởng niệm Đăk Tô. (Nguồn: Vietnam+)

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, chúng tôi được “tháp tùng” gần 140 cựu chiến binh thuộc các tỉnh, thành phố phía Bắc “Nam tiến” thăm chiến trường xưa - nơi một thời thanh xuân họ đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 để non sông Việt Nam liền một giải, cách đây vừa tròn 50 năm (30/4/1975-30/4/2025).

Đoàn đầu tiên tham gia Chương trình là những cựu chiến binh phía Bắc như thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An... xuất phát từ Hà Nội với lịch trình cả đi lẫn về 12 ngày, kể từ ngày 24/4-5/5.

Đoàn sẽ được thăm các di tích lịch sử tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đắk Lắk, Kon Tum, Dinh Độc Lập, Nghĩa trang Trường Sơn...

Sau khi kết thúc lịch trình của Đoàn phía Bắc, nối tiếp là Chương trình của Đoàn Cựu Chiến binh phía Nam thăm các di tích lịch sử chống thực dân Pháp tại 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Quá khứ hào hùng

Trong số cựu chiến binh tham gia Đoàn “Nam tiến,” có vợ chồng Trung tá Bùi Hữu Duyên. Vợ của bác nguyên là du kích Trung đội trực chiến huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Bà “tháp tùng” chồng với lý do ông vừa bị tai biến, nhưng vẫn khăng khăng tham gia Chương trình, “vì ông ấy muốn được giao lưu với những người lính cụ Hồ tham gia đánh Mỹ, cùng nhau thăm viếng những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường năm xưa.”

Cho dù bị tai biến chưa lâu, nhưng khi hỏi về những năm tháng trong quân ngũ, Trung tá Bùi Hữu Duyên hoạt bát hẳn lên. Ông kể rằng: “Mình sinh năm 1951 ở xã Nam Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nhập ngũ tháng 3/1967, cuối năm đó đơn vị 198 đặc công của mình tập kết ở Bắc Kon Tum.”

Trong nhiều trận chiến đấu với lực lượng của Mỹ Ngụy thuộc Bắc Tây Nguyên, ông 4 lần bị thương. Lần bị thương mà ông nhớ nhất là cùng 1 đồng đội đi trinh sát trận địa pháo của địch đặt ở Làng Huỳnh thuộc tỉnh Gia Lai, đồng đội của ông sơ ý vấp phải mìn bị thương cụt 1 chân.

Địch liền xối đạn như mưa vào chỗ 2 người đang nằm, ông bị nhiều mảnh đạn pháo găm khắp người, nhưng hai người vẫn cố dìu nhau vượt qua hàng rào thép gai thoát ra ngoài.

Do mất nhiều máu, ông ngất đi. Khi tỉnh lại ông bò khoảng 5 tiếng đồng hồ mới đến trạm gác của đơn vị D37. Sau đó phải điều trị 3 tháng ở Trạm Quân y, khi ấy ông mới biết đồng đội của mình dù được đơn vị cử người đón được ra ngoài, nhưng mất quá nhiều máu nên đã hy sinh trên đường về căn cứ.

Sau khi Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, đơn vị của ông cấp tốc hành quân đánh điểm chốt chặn của quân ngụy tại Hóc Môn thuộc cửa ngõ Sài Gòn thành công, mở đường cho Quân đoàn 3 tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Trung đoàn đặc công 198 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Sau đó đơn vị được sáp nhập vào Binh chủng Không quân bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất.

Đến tháng 2/1979 ông được điều sang Campuchia tiếp quản sân bay Pochentong. Tháng 3/1993 ông xuất ngũ.

Cựu đặc công dưới quyền chỉ huy của Trung tá Bùi Hữu Duyên là Đồng Mạnh Hùng nổi bật với dáng cao gầy. Ở tuổi 78 nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Song suốt chặng đường đi trên xe vào Nam ông không hề chợp mắt, mà chỉ đăm đắm ngắm nhìn những vùng đất đi qua.

Sau 50 năm giải phóng miền Nam, ông mới có dịp trở lại chiến trường xưa. Ông Hùng kể năm 1971 để đến được mặt trận Kon Tum, Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 198 phải hành quân băng rừng vượt núi suốt 3 tháng 19 ngày.

Kể từ thời điểm đó cho đến tháng 4/1975, ông đã tham gia hơn chục trận đánh lớn nổi tiếng, tiêu biểu như trận đánh cụm phòng thủ kiên cố của địch ở Đăk Tô-Tân Cảnh, Phi trường Phong Dực (nay là Hòa Bình)...

Sau Chiến dịch Tây Nguyên, Tiểu đoàn 5 được giao nhiệm vụ khẩn trương tiến về tiêu diệt chốt phòng thủ của địch ở Hóc Môn.

Trong trận chiến này ông bị thương, song khi điều trị khỏi ông tự nguyện ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Tiểu đoàn, đến tháng 3/1976 ông mới trở về quê hương “thành Nam” Nam Định.

 Cựu đặc công Đồng Mạnh Hùng xúc động thắp hương cho đồng đội cùng đơn vị tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đăk Tô. (Ảnh: Vietnam+ phát)

Cựu đặc công Đồng Mạnh Hùng xúc động thắp hương cho đồng đội cùng đơn vị tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đăk Tô. (Ảnh: Vietnam+ phát)

Đồng hành cùng chúng tôi trên chuyến xe “Nam tiến,” cựu chiến binh Phạm Ngọc Bỉnh kinh qua 2 cuộc chiến chống Mỹ và bảo vệ Biên giới phía Bắc.

Chàng trai quê hương “5 tấn” Thái Bình xung phong nhập ngũ năm 1971, thuộc quân số của Sư đoàn 325. Đến tháng 4/1972, ông được tăng cường cho Tiểu đoàn 8 Bộ binh thuộc Tỉnh đội Quảng Trị, chốt chặn địch tại “Ngã 3 bom” Quốc lộ 1 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Trải qua 81 ngày đêm “mùa Hè đổ lửa” đối mặt với “mưa bom bão đạn” của địch trên tuyến đầu, ông vẫn vẹn nguyên như ông đùa vui: “Tôi thấp bé nhẹ cân nên tránh được các loại hỏa lực của quân Ngụy.”

Năm 1977, ông Bỉnh được điều về Sư đoàn 431 thuộc Quân khu 1 với nhiệm vụ huấn luyện tân binh. Khi chiến tranh biên giới tháng 1/1979 nổ ra, ông tham gia chốt chặn tại Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho đến khi toàn bộ quân Trung Quốc rút lui.

Tâm nguyện của những cựu chiến binh

Gần 140 cựu chiến binh hành quân “Về nguồn” đều đã vào độ tuổi “xưa nay hiếm.” Có lúc họ vui tươi như thời tuổi trẻ cùng nhau hát vang những bài ca truyền thống của Quân đội Việt Nam, cũng có những khoảng lặng và không ít người không kìm được nước mắt khi đi qua những vùng đất máu lửa một thời như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Kon Tum, hay viếng thăm những nghĩa trang liệt sỹ vì nhớ thương những đồng đội đã ngã xuống nơi đây, để đất nước ta thống nhất và ngày càng phát triển vững chắc như Di chúc của Bác Hồ kính yêu.

Những cựu chiến binh trong Đoàn miền Bắc đều chung một ước nguyện là thời gian tới Đảng, Nhà nước và Nhân dân cùng với sự phát triển của khoa học sẽ tiếp tục tìm kiếm quy tập được nhiều hơn những liệt sỹ đang nằm rải rác đây đó trên chiến trường miền Nam và nước bạn Lào, Campuchia. Đồng thời có chính sách thỏa đáng hơn nữa đãi ngộ cựu chiến binh, thanh niên xung phong và các đối tượng trực tiếp tham gia cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/50-nam-giai-phong-mien-nam-ve-nguon-cung-cuu-chien-binh-mien-bac-post1035311.vnp
Zalo