50 năm giải phóng miền Nam: Tây Ban Nha 'Cùng Việt Nam' phản đối chiến tranh
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), sáng 23.4, NXB Kim Đồng ra mắt tập thơ 'Cùng Việt Nam' - biểu tượng sống động của tình hữu nghị và đoàn kết Việt Nam - Tây Ban Nha.
Những vần thơ phản đối chiến tranh Việt Nam từ Tây Ban Nha
Cùng Việt Nam gồm hơn 40 bài thơ được sáng tác những năm 1960, giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất, cũng là lúc phong trào phản chiến lan rộng trên toàn cầu. Tập thơ do nữ sĩ Angelina Gatell biên soạn, với "mong muốn khẳng định lập trường của mình về một trong những cuộc chiến tranh tàn bạo nhất, và tội tệ hơn cả, vô nghĩa nhất lịch sử thế giới".
Tập thơ có sự tham gia của nhiều nhà thơ nổi tiếng như: Rafael Alberti, Gabriel Celaya, Gloria Fuertes, José Agustín Goytisolo, Celso Emilio Ferreiro...
Được biên soạn năm 1968, nhưng do nội dung phản đối chiến tranh và đế quốc, tập thơ đã bị chính quyền độc tài Franco kiểm duyệt và cấm xuất bản. Năm 2016, bản thảo tập thơ được tìm thấy trong kho lưu trữ của cơ quan kiểm duyệt và đã được chính thức xuất bản.

"Cùng Việt Nam" ra mắt nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam
Ngày hôm nay, khi Việt Nam đã hòa bình, Cùng Việt Nam trở lại như một bằng chứng sống động bằng ngôn ngữ thi ca.
Với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Tây Ban Nha, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, tập thơ đã được NXB Kim Đồng đưa tới tay bạn đọc Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại chương trình Giao lưu ra mắt sách Cùng Việt Nam - biểu tượng sống động của tình hữu nghị và đoàn kết Việt Nam Tây Ban Nha, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên khẳng định: hơn nửa thế kỷ trước, tại một đất nước xa xôi ở Tây Nam châu Âu, những vần thơ phản chiến đã được các thi sĩ Tây Ban Nha viết nên không phải chỉ bằng ngòi bút, mà bằng cả trái tim dành cho Việt Nam.

Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên phát biểu khai mạc chương trình
Dù chưa một lần đặt chân đến Việt Nam, những trí thức, nghệ sĩ Tây Ban Nha yêu hòa bình và công lý đã sát cánh và ủng hộ nhân dân Việt Nam bằng chính những hoạt động nghệ thuật của mình. Giờ đây tập thơ ấy đã đến tay bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của dịch giả - TS. Nguyễn Thị Kim Dung tiếp tục là minh chứng sống động cho sức sống mãnh liệt của thơ ca và lòng nhân ái, cũng như tình hữu nghị giữa Việt Nam và Tây Ban Nha.
“Khi giới thiệu ấn phẩm Cùng Việt Nam với độc giả trẻ của NXB Kim Đồng, chúng tôi mong muốn không chỉ giới thiệu một tập thơ lưu giữ ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc mà còn muốn gửi đến các bạn lời nhắn nhủ: hiểu lịch sử để trân trọng hiện tại, hiểu văn hóa để kết nối, tôn trọng và "đoàn kết vì một thế giới hòa bình” - bà Vũ Thị Quỳnh Liên nói.
Những cảm xúc còn vẹn nguyên

Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Carmen Cano De Lasala cho rằng, tập thơ là sợi dây kết nối hai dân tộc
Cùng Việt Nam minh chứng cho tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai đất nước Việt Nam và Tây Ban Nha, dẫu xa xôi về địa lý nhưng lại “thật gần”. Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Carmen Cano De Lasala cho biết: tập thơ mở ra những tình cảm mạnh mẽ mà các nhà thơ Tây Ban Nha dành cho Việt Nam trong tháng ngày gian khó ấy.
Cuốn sách không chỉ là sợi dây kết nối hai dân tộc, mà còn là không gian thơ ca giúp công chúng Việt Nam tìm hiểu và khám phá nền văn học Tây Ban Nha thông qua những tên tuổi lớn đương thời.
Do không thể tìm lại các bức tranh và bản khắc ban đầu họa sĩ Julio Álvarez thực hiện cho bản thảo, ấn phẩm này gồm minh họa mới của các họa sĩ Việt Nam và Tây Ban Nha. Đây là hoạt động trao đổi văn hóa và nghệ thuật giữa các thế hệ nghệ sĩ ngày nay của hai nước, qua đó, phả vào cuốn sách hơi thở thời đại.

Các diễn giả chia sẻ về những vần thơ từ đất nước Tây Ban Nha xa xôi
Dành 2 năm chuyển ngữ tập thơ, TS. Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: "Khi dịch những vần thơ này từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Việt, tôi cảm thấy từ hơn 50 năm trước, dù không trực tiếp cảm nhận, chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam nhưng các nhà thơ Tây Ban Nha đã cảm nhận được nỗi đau, khung cảnh chiến tranh sát thực như vậy và đồng lòng với người dân trên khắp thế giới phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Qua các vần thơ ấy, đến nay, những cảm xúc vẫn vẹn nguyên, với nhiều câu thơ thể hiện cuộc chiến tranh quá tàn khốc, dữ dội, nên nhiều khi đang dịch tôi phải dừng lại một chút vì quá xúc động và ám ảnh”.
Đọc những bài thơ trong Cùng Việt Nam, TS. Phạm Xuân Thạch nhận định: “Tây Ban Nha rất xa Việt Nam, nhưng đọc tập thơ chúng ta thấy sự ủng hộ sâu sắc, nồng nhiệt của các thi sĩ cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất của Việt Nam. Đó là điều hết sức xúc động và nhiều điều đến nay chúng ta vẫn còn thấy vẹn nguyên ý nghĩa thời sự và nhân bản”.

Tham quan triển lãm không gian nghệ thuật thơ - tranh đặc sắc bước ra từ sách "Cùng Việt Nam"
Trong khi đó, theo nhà thơ Đỗ Anh Vũ, cảm hứng phản chiến trong văn học thế giới đã có từ đầu thế kỷ XX, với nhiều tác phẩm được độc giả hưởng ứng nhiệt liệt. Nếu những tác phẩm phản chiến gây tiếng vang là những tiếng nói của những người trong cuộc chiến, thì Cùng Việt Nam được viết từ những người ở rất xa, với những vần thơ là sự thức tỉnh lương tri được viết từ trái tim nghệ sĩ lên án chiến tranh Việt Nam…