50 năm giải phóng miền Nam: Ký ức trận đánh cầu Rạch Chiếc oai hùng

Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975 có nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử dân tộc. Trong đó, có một trận đánh tuy quy mô không lớn nhưng mang ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội ta - Trận đánh cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ Đông Bắc. Tại đây, các chiến sỹ đặc công biệt động của các đơn vị Z23, Z22 và D81, Lữ đoàn 316 chiến đấu anh dũng để chiếm giữ, đón đại quân tiến vào trung tâm thành phố.

Người bắn phát B40 làm pháo lệnh

Chúng tôi tìm gặp Trung úy Nguyễn Đức Thọ vào một ngày cuối tháng 3/2025 tại nhà riêng của ông ở Quận 8, TP. HCM. Căn nhà trong con hẻm nhỏ yên bình, phòng ốc trang trí đơn giản, không có một bức hình, không có một tấm huân huy chương nào trưng bày ra.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ, sinh năm 1955, tham gia trực tiếp trận Rạch Chiếc 50 năm trước.

Ngược dòng thời gian, năm 1972, anh thanh niên Nguyễn Đức Thọ nhập ngũ và huấn luyện tại Lữ đoàn đặc công Hải quân 126 ở Hải Phòng.

Đầu năm 1974, Nguyễn Đức Thọ được bổ sung vào Z23, Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, Bộ Tham mưu miền B2.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ, người bắn phát B40 mở đầu trận đánh

Trung úy Nguyễn Đức Thọ, người bắn phát B40 mở đầu trận đánh

Z23 được phân công hoạt động ở khu vực Đông Bắc Sài Gòn, nhiệm vụ chính là đánh Bộ Tư lệnh Hải Quân ngụy ở số 1 Bạch Đằng (ngày nay là đường Tôn Đức Thắng).

Để chuẩn bị cho trận đánh, tổ trinh sát của đơn vị tiếp cận Sài Gòn trước và nằm vùng nhiều tháng ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Thủ Đức.

Sau đó, các chiến sỹ cũng xuống Sài Gòn để áp sát mục tiêu bố trí đội hình, thích nghi với điều kiện chiến trường. Khi đã có dữ liệu của trinh sát đơn vị lại lên sa bàn luyện tập phương án đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy.

Những ngày đầu tháng 4/1975, tin vui thắng trận liên tiếp báo về, anh em Z23 hào hứng và tự nhủ “ngày tiến vào Sài Gòn đã cận kề”.

Chiến sỹ đặc công với nụ cười chiến thắng trong ngày 30/4/1975 tại cầu Rạch Chiếc (ảnh tư liệu)

Chiến sỹ đặc công với nụ cười chiến thắng trong ngày 30/4/1975 tại cầu Rạch Chiếc (ảnh tư liệu)

Đêm 18/4, Ban Chỉ huy điều 2 trung đội đặc công lên chốt đường, ém quân chờ thời điểm đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy.

Tuy nhiên, đến trưa ngày 25/4, cấp trên hủy bỏ toàn bộ phương án đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, đồng thời chỉ đạo Z23 sẽ cùng với Z22 và D81 chuyển sang chiếm cầu Rạch Chiếc, đón đại quân của ta vào giải phóng Sài Gòn. Nhiệm vụ thay đổi phút chót, anh em nhanh chóng trinh sát, lên phương án tác chiến mới.

Cầu Rạch Chiếc là một vị trí quan trọng, nên đầu 1975, địch đã tăng cường lực lượng phòng thủ với nhiều tầng lớp kiên cố, trang thiết bị đầy đủ, lực lượng bảo an thường trực khoảng 400 tên.

"Lúc đấy tư tưởng chỉ đạo của chiến dịch là “thần tốc và thần tốc hơn nữa”. Mà muốn thần tốc thì phải giữ được hành quân của các đơn vị lớn. Phải là đơn vị lớn vào thì mới nhanh chóng giải phóng Sài Gòn chứ các đơn vị nhỏ như chúng tôi thì có ý nghĩa gì. Cho nên khi biết đánh để đón quân đoàn vào thì anh em rất hào hứng, phấn khởi, không ai có phân vân suy tư gì", ông Thọ kể.

Tối 25/4, khi trinh sát báo về, phân tích tình hình thực tế, đơn vị quyết định đánh cường tập, dùng hỏa lực B40, B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ yếu của địch, sau đó toàn lực lượng áp sát dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào lô cốt, công sự…để nhanh chóng chiếm lĩnh.

Sáng 26/4, sau khi chuẩn bị xong thì đến chiều 26/4, lệnh chiến đấu được đặt ra với giờ G là 3h15 ngày 27/4. Z22 và Z23 được giao đánh chiếm giữ đầu cầu phía Bắc hướng Thủ Đức vào, trong khi D81 đặc công chiếm giữ đầu cầu hướng Sài Gòn ra.

Anh em dựa theo kênh rạch dừa nước, áp sát mục tiêu và đến khoảng 2h sáng đã tới nơi, ém quân, chờ đến giờ là nổ pháo. Cứ mỗi lần đèn pha của địch chiếu tới lại tranh thủ quan sát các mục tiêu.

Chiến sỹ Z23 trong trận đánh cầu Rạch Chiếc, ông Lê Đức Thọ ở bên trái, hàng trước (ảnh tư liệu)

Chiến sỹ Z23 trong trận đánh cầu Rạch Chiếc, ông Lê Đức Thọ ở bên trái, hàng trước (ảnh tư liệu)

Đúng giờ, chiến sỹ Nguyễn Đức Thọ triển khai bắn phát B40 để tiêu diệt mục tiêu và làm phát pháo lệnh. Tuy nhiên, do nằm trong thời gian dài, khẩu B40 lại dài nên phát đầu tiên bị trật, ông Thọ nhanh chóng bắn phát thứ hai và thành công.

"Bấy giờ mình được giao nhiệm vụ bắn phát B40 đầu tiên để tiêu diệt tháp canh và cũng là pháo lệnh chung. Nếu mà mình không may bị tiêu diệt, không có pháo lệnh, anh em cứ nằm đây chờ thì rồi cuối cùng khâu hợp đồng tác chiến sẽ không được theo như ý muốn. Rất may là mình cũng đã đã bắn thành công, tiêu diệt được tháp canh theo đúng yêu cầu, tạo cơ hội cho đồng đội"

Hơn 50 chiến sỹ hy sinh để bảo vệ cầu

Sở trường của bộ đội đặc công là đánh nhanh, đánh vỗ mặt…còn giữ cầu lại là chuyện khác. Anh em trang bị súng ống tinh gọn, tối giản với mục tiêu là chiếm cầu, chờ đại quân tiến vào.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316, do địch phá cầu Sông Buông ở phía Đồng Nai khiến cho xe tăng ta không thể di chuyển qua được dẫn đến lỡ nhịp.

Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) năm nay đã 98 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn

Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) năm nay đã 98 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn

Khi đó, Đại tá Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu) cùng với ban tác chiến túc trực bên máy vô tuyến để chỉ huy. Người chỉ huy sốt ruột khi ngón sở trường của đặc công là “luồn sâu đánh hiểm” chứ không phải là chiến đấu trực diện, giữ cầu.

"Cầu Sông Buông anh em công binh phải làm gấp mất 2- 3 ngày để xe tăng qua. Do đó trên này phải phòng ngự. Việc này mới gây hy sinh nhiều, mất 52 đồng chí. Bởi giữ cầu bảo vệ cầu không phải là sở trường của đặc công. Sở trưởng là đánh nhanh, giải quyết chiến trường nhẹ. Thêm nữa vũ khí nhẹ, đi từ Nhơn Trạch lên khoảng hơn 60 người thôi", Đại tá Tư Cang kể.

Cầu Rạch Chiếc hôm nay. (Ảnh: VQ)

Cầu Rạch Chiếc hôm nay. (Ảnh: VQ)

Thực tế chiến trường cho thấy, do chênh lệch cả về lực lượng, vũ khí nên anh em đặc công cũng chỉ cầm cự với địch suốt ngày 27/4. Khi thương vong quá lớn, cả đơn vị phải rút vào rừng dừa nước để chuẩn bị lực lượng tái chiếm cầu.

Cả ba đơn vị đặc công hy sinh 52 đồng chí (chủ yếu là của Z22 và Z23). Đến ngày 29/4, đơn vị nhận được lệnh tiếp tục đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, không cho quân địch phá, chờ đại quân tiến vào.

Lúc này cả Z22 và Z23 còn 29 chiến sỹ tiếp tục chiến đấu được. Thời gian được chọn nổ súng là 3h15 ngày 30/4.

Khi tiếp cận mục tiêu, anh em bàn nhau, đánh như vậy thì sớm quá, do còn phải giữ cầu nên thống nhất thời gian nổ súng là 5h sáng. Đúng giờ, tất cả anh em đồng loạt nổ súng.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhớ lại sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ năm xưa

Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhớ lại sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ năm xưa

Do bị đánh bất ngờ và khoảng cách quá gần nên dù có quân số đông hơn nhiều nhưng địch nhanh chóng xuống tinh thần, chỉ bắn đáp trả chiếu lệ rồi bỏ chạy.
Chiếm được cầu, quân ta nhanh chóng bố trí lực lượng để chống phản kích. Đến 7h, xe tăng Quân đoàn 2 của ta qua cầu tiến vào trung tâm Sài Gòn.

Thời khắc ấy, người chiến sỹ Nguyễn Đức Thọ vui mừng xen lẫn đau xót khi “anh em hy sinh quá nhiều, chưa kịp nhìn thấy giây phút hòa bình”:

"Lúc mà xe tăng đến nơi mình phấn khởi lắm, thấy đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng mà khi đoàn xe đi qua nhìn lại thấy anh em hy sinh, mình có sự hối tiếc vì anh em không kịp chứng kiến giây phút hòa bình. Mình muốn bật khóc vì nhiều người hy sinh quá", Trung úy Nguyễn Đức Thọ bồi hồi.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 (Lữ đoàn biệt động đặc công) nhận xét, trận Rạch Chiếc là trận đánh rất quyết liệt do nằm ở gần Sài Gòn; quân địch tập trung lực lượng và vũ khí đông, cả trên không, dưới nước…

Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Chính ủy Lữ đoàn 316 và Trung úy Nguyễn Đức Thọ trong lần thăm lại cầu Rạch Chiếc. (Ảnh: Nguyễn Đức Thọ)

Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Chính ủy Lữ đoàn 316 và Trung úy Nguyễn Đức Thọ trong lần thăm lại cầu Rạch Chiếc. (Ảnh: Nguyễn Đức Thọ)

Đây là trận đánh quyết liệt nhất của Lữ đoàn 316 kể từ khi thành lập hồi tháng 3/1974. Sự hy sinh anh dũng đó đã đánh đổi lại kết quả là cầu Rạch Chiếc được giữ nguyên, chào đón 2 cánh quân (trong tổng số 5 cánh quân) tiến vào trung tâm Sài Gòn, góp phần cho chiến dịch nhanh chóng giành thắng lợi, giữ được gần như nguyên vẹn thành phố Sài Gòn.

"Tinh thần của bộ đội ta thì giao nhiệm vụ gì cũng phải làm tròn nhiệm vụ đó dù phải hy sinh. Ở trên giao nhiệm vụ chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc thì phải chấp nhận hy sinh làm tròn nhiệm vụ. Chiếm thì rất lẹ nhưng giữ cầu kéo 2 - 3 ngày, anh em chiến đấu rất dũng cảm nhưng đành chấp nhận hy sinh", Đại tá Nguyễn Văn Tàu khẳng định.

Hằng năm, cứ gần đến ngày 30/4 lịch sử, những anh em còn lại của Z23, Z22 và người thân của các liệt sỹ cùng làm lễ tưởng niệm, thả hoa đăng…tưởng nhớ anh linh các chiến sỹ. 52 liệt sỹ nhưng đến nay chỉ mới tìm được 9 người, số còn lại đã hòa vào cùng với sông nước Rạch Chiếc.

Các anh mãi nằm lại đó và chứng kiến bao đổi thay ở đây. Cầu Rạch Chiếc mới hiện đại nằm trên đường Võ Nguyên Giáp (trước là Xa lộ Hà Nội) cùng các khu dân cư hiện đại cũng dần mọc lên, rồi tuyến metro số 1 hằng ngày hoạt động đi qua khu vực trên... là minh chứng cho sự đổi thay của vùng đất Rạch Chiếc của Sài Gòn -TP. HCM.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/50-nam-giai-phong-mien-nam-ky-uc-tran-danh-cau-rach-chiec-oai-hung-post1188390.vov
Zalo