50 năm giải phóng miền Nam
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hào khí chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước vẫn vang vọng trong từng bước phát triển của đất nước. Hà Nội - trái tim của cả nước, tự hào là nơi khởi nguồn nhiều phong trào cách mạng tiêu biểu, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hào khí chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước vẫn vang vọng trong từng bước phát triển của đất nước. Hà Nội - trái tim của cả nước, tự hào là nơi khởi nguồn nhiều phong trào cách mạng tiêu biểu, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.

“Chiếc gậy Trường Sơn” không chỉ là vật dụng thô sơ mà trở thành biểu tượng cho ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó và khát vọng chiến thắng của quân dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Đỗ Văn Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thái Hòa (trước năm 2025 là xã Hòa Xá) cho biết, địa phương nằm trong cái nôi kháng chiến, là quê hương của “chiếc gậy Trường Sơn” - Hòa Xá luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng.
Trong những năm 1960, cũng như nhiều địa phương khác, phong trào chống Mỹ cứu nước sôi nổi tại xã Hòa Xá. Phong trào tòng quân chi viện cho chiến trường miền Nam là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Hòa Xá thời điểm đó khoảng 2.500 đến 2.700 dân, nhưng có những năm hơn 100 thanh niên nhập ngũ. Nhiều thanh niên mới chỉ 17, 18 tuổi, nặng chưa đến 40 cân nhưng vẫn hăng hái xung phong lên đường ra trận.
Hòa Xá còn xây dựng phân đội dự bị nhằm tập trung tất cả thanh niên độ tuổi 16, 17 để rèn quân vào 2 buổi/tuần. Trong rèn luyện, những thanh niên này cũng phải trải qua những công việc nặng nhọc như một quân nhân thực thụ: Đeo ba lô nặng và hành quân liên tục ở nhiều địa hình khác nhau, tập đội ngũ, bơi vượt sông, luyện bắn súng, ném lựu đạn. Mỗi buổi tập, các bà, các mẹ phục vụ nước cho thanh niên; các cụ già chặt tre, chặt cây làm gậy, đan sọt đựng gạch, đá nặng thay ba lô... cung cấp cho phân đội dự bị rèn luyện.

Ông Phùng Văn Mạnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá cho biết, phong trào của Hòa Xá được nhiều nơi đến học tập và ký giao ước thi đua. Nhiều nhà văn, thơ cũng lấy bối cảnh ở Hòa Xá để sáng tác thơ văn cổ động phong trào.
Nổi bật trong số văn nghệ sĩ đó có nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông về thực tế tại địa phương khoảng 1 tuần và ở trong gian nhà cũ của trụ sở ủy ban xã. Cảnh những buổi tối các thanh niên hăng say luyện tập đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”. Bài hát đi vào chiến trường, trở thành ca khúc nằm lòng của thế hệ thanh niên kháng chiến chống Mỹ và là niềm tự hào của người dân xã Hòa Xá nói riêng, huyện Ứng Hòa nói chung.
Ông Lưu Tiến Tảo, cựu chiến binh xã Hòa Xá, từng chiến đấu trong chiến trường miền Nam chia sẻ, chiếc gậy ấy không chỉ giúp các chiến sĩ chống chọi với những chặng đường hành quân gian khổ, mà còn là điểm tựa tinh thần trong mỗi trận đánh sinh tử. Chiếc gậy quê hương đã nâng bước ông Tảo vượt qua những thử thách cam go nhất, để cuối cùng góp phần vào chiến thắng vĩ đại, ngày non sông thu về một mối.
Đối với ông Lưu Tiến Tảo, “chiếc gậy Trường Sơn” không chỉ là một kỷ vật của quá khứ, mà còn là biểu tượng của niềm tin, của lòng tự hào và là điểm tựa tinh thần vững chắc suốt cuộc đời. Nó đã tiễn chân, đón chào biết bao lớp thanh niên Hòa Xá lên đường chiến đấu, để rồi có người trở về xây dựng quê hương, có người vĩnh viễn nằm lại chiến trường... “Và tôi tin, ngay cả trong khoảnh khắc cuối cùng, những người con ấy vẫn cảm nhận được quê hương ở ngay bên mình qua chiếc gậy Trường Sơn mộc mạc nhưng chan chứa nghĩa tình”, ông Tảo xúc động nói.

Ông Đỗ Ngọc Bình, người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cho biết, “Chiếc gậy Trường Sơn” là biểu tượng của lòng kiên trung và sự hy sinh, là sức mạnh tinh thần giúp các chiến sĩ vững bước, dù trên chiến trường khắc nghiệt. “Nó là sự nối dài của những lời hứa, tình yêu và niềm tin chiến thắng mà nhân dân gửi gắm vào từng người lính. Mỗi lần nhìn vào chiếc gậy, tôi lại nhớ về quê hương, về những hy sinh lớn lao mà người dân đã dành cho chúng tôi. Và đó là động lực để chúng tôi chiến đấu đến cùng, vì tự do, vì độc lập của đất nước”, ông Đỗ Ngọc Bình chia sẻ.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, Ba Đình) còn lưu giữ một phần xác pháo đài bay B-52. Hình ảnh này gợi nhớ 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến 29/12/1972), quân và dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ.
Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi trên cả ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao. Để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ âm mưu tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 với mật danh “Linebacker II” nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân gấp rút củng cố, bổ sung lực lượng và phương án tác chiến để đáp ứng các yêu cầu chiến lược. Trên địa bàn Hà Nội, Sư đoàn Phòng không 361 được bổ sung 3 trung đoàn pháo cao xạ 57 và 37 ly (mới thành lập). Tháng 11/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, âm mưu của Mỹ là dùng B.52 đánh phá Thủ đô Hà Nội nhằm gây sức ép cuối cùng, buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô.

Xác máy bay ném bom B-52 bị tên lửa của Tiểu đoàn 72, Sư đoàn 361 bắn rơi xuống phố Hoàng Hoa Thám, tháng 12-1972. Ảnh: TTXVN
Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Lúc 10h30 ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Riêng Hà Nội, trong 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Bệnh viện Bạch Mai, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Đài Phát thanh Mễ Trì... làm gần 2.400 người chết và 1.355 người khác bị thương.
Nhưng với quyết tâm bảo vệ Hà Nội, quân và dân Thủ đô cùng miền Bắc đã đập tan âm mưu của địch. Không quân Mỹ bị thiệt hại tới 81 máy bay, trong đó có 34 B.52. Riêng Hà Nội bắn rơi 25 B.52. Thắng lợi này là một trong những nhân tố quyết định góp vào thắng lợi chung của dân tộc, khi buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược nước ta.
Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Chắt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363 - đơn vị bắn rơi máy bay B.52 chưa kịp cắt bom tại hồ Hữu Tiệp, nhớ lại cho biết, hôm đó khi đang chiến đấu ở Hải Phòng, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ thu hồi khí tài hành quân về chốt tại trận địa Đại Chu, Yên Phong (Bắc Ninh). Sau nhiều trận hợp đồng tác chiến diệt máy bay địch, đêm 27/12/1972, Tiểu đoàn 72 báo cáo cấp trên xin được đánh đường bay độc lập. “Được sở chỉ huy nhất trí, tôi lệnh cho anh em chuẩn bị vũ khí, khí tài, sẵn sàng tác chiến. Kíp chiến đấu hôm đó, tôi là Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy. Khi bắt được tín hiệu nhiễu của B.52, chúng tôi đã quyết định bắn ngay trước khi nó kịp ném bom xuống Hà Nội”, ông Phạm Văn Chắt.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không Không quân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tên lửa 77 bảo vệ Thủ đô Hà Nội năm 1972 cho biết, trong 12 ngày đêm, chúng ta đã chiến đấu với đối thủ mạnh hơn hẳn ta về trang bị vũ khí, khí tài, có trình độ khoa học tiên tiến; là đội quân thiện chiến nhà nghề, có tiềm lực kinh tế to lớn. Nhưng chúng ta đã chiến đấu, chiến thắng bằng ý chí, trí tuệ Việt Nam, bằng sự thông minh, sáng tạo, bằng truyền thống bất khuất của dân tộc, với sự đồng lòng quyết tâm triệu người như một, quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Tướng Nguyễn Văn Phiệt khẳng định, chiến thắng vĩ đại đó còn bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân ta, của các lực lượng. Sự hiệp đồng quả cảm của các lực lượng đã đánh sập uy thế của B52 - một thần tượng của đế quốc Mỹ đã ngã gục trước Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và nhân dân Việt Nam kiên cường, bất khuất.
Tại buổi gặp mặt các chiến sĩ từng trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày 24/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, từ năm 1965 đến năm 1975, Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên hơn 8,6 vạn thanh niên chi viện cho các chiến trường miền Nam; trong đó quân tăng cường là 119 tiểu đoàn (gồm 42 tiểu đoàn của Hà Nội và 77 tiểu đoàn của tỉnh Hà Tây). Hàng nghìn gia đình có từ 2 đến 7 người con đi bộ đội; trên 53 ngàn người con ưu tú của Hà Nội và Hà Tây đã anh dũng hy sinh và hàng vạn người đã cống hiến một phần xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Hà Nội luôn xung kích, đi đầu, khởi nguồn nhiều phong trào thi đua yêu nước. Tiêu biểu như các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, phong trào kết nghĩa “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”. Đây là minh chứng sống động về tinh thần cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Thủ đô, mà đỉnh cao là đã phối hợp cùng quân dân miền Bắc lập nên kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972.
“Những chiến công oanh liệt của Hà Nội đã góp phần “chia lửa” và cùng quân dân miền Nam đã buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari rút quân về nước, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, mở ra thời cơ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.


Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu công an nhân dân dự buổi gặp mặt là đại diện tiêu biểu cho thế hệ đã sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân, xương máu cho độc lập dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. “Các bác, các đồng chí đã nêu gương sáng về lòng quả cảm, đức hy sinh, với tinh thần “Vì Tổ quốc quên mình, vì Nhân dân phục vụ” cả trong thời chiến cũng như trong giai đoạn xây dựng đất nước”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; là trang sử hào hùng và chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta với khí thế tiến công, niềm tin tưởng, tự hào, tự tin, vững bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
30/04/2025 03:36