50 năm - Chuyện quê tôi

Dưới ánh nắng chiều vàng dịu, ôm lấy vạn vật trong hơi thở ấm áp, tôi ngồi bên mái hiên nhà, nhìn ra mảnh ruộng trước sân mà bao nhiêu ký ức nó cứ ùa về. Tôi là người con sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời với vùng đất này. Hồi trước ngày 30/4/1975, tôi mới là thằng nhỏ chừng năm, sáu tuổi đầu. Vậy mà lạ thiệt, mấy cái chuyện bom đạn, chạy giặc nó cứ như vết dao khắc vô óc, tới giờ già rồi mà nhớ như mới hôm qua. Mấy cái ký ức tuổi thơ giữa đồng không mông quạnh, nơi bom đạn cày đi xới lại, nó cứ như mấy cái thẹo trên thân cây dầu già đứng ngoài đầu xóm vậy đó, không phai đi đâu được.

Tuổi thơ trong khói lửa

Nhớ lại hồi nhỏ, trời ơi là sợ! Mấy cánh đồng lúa bạt ngàn quê mình lúc đó nó buồn hiu hắt. Giọng má tôi giờ vẫn còn văng vẳng bên tai nè. Mỗi lần nghe tiếng máy bay “rè rè” trên đầu là tôi lại ôm chặt lấy má, run cầm cập. Má lại kéo tôi chui tọt xuống cái hầm trảng xê tối om, ẩm thấp dưới nhà. Hồi đó nhà nào cũng có cái hầm như vậy. Chui xuống đó rồi mà tim nó cứ đập thình thịch, sợ không biết ngày mai mình còn thấy mặt trời mọc nữa không, còn được chạy chơi ngoài đồng nữa không. Giờ chỗ cái miệng hầm ngày xưa má che tạm bằng tấm ván mục, sau này tía tôi đã lấp đất trồng lên một luống rau xanh mơn mởn. Mà hồi đó, dù sợ cách mấy, má tôi vẫn hay xoa đầu, thì thầm: “Ráng đi con, qua rồi con ơi, mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Giọng má lúc nào cũng dịu dàng, làm mình cũng đỡ sợ đi đôi chút.

Quê tôi hồi đó nó heo hút lắm, miệt đồng bưng mà, khác xa mấy đứa nhỏ ngoài thị trấn hay ở mấy vùng ven Sài Gòn. Tụi nó ít ra cũng đỡ cái cảnh nơm nớp lo bom rơi đạn lạc. Còn ở đây, giữa mấy con kinh, rạch chằng chịt với ruộng lúa mênh mông, chiến tranh nó như con ma trơi, lúc nào cũng rình rập nuốt chửng mấy mái nhà lá lụp xụp. Nghe nói tụi nhỏ trên thị xã còn được nghe radio hát hò, thỉnh thoảng còn có bánh, kẹo cứu trợ mà ăn. Còn tụi tôi ở miệt này, có ngày chỉ biết nhai cơm độn khoai, độn sắn khô queo, khát nước thì vục đại miếng nước dưới mương lên uống đỡ. Mà cứ nghe tiếng súng nổ đùng đoàng đằng xa là lại phải co giò chạy trốn muốn chết. Nghĩ lại thấy cũng tủi thân thiệt.

Ruộng đất thì bao la mà toàn của địa chủ không hà. Tía má tôi với người dân trong xóm chỉ là tá điền, đi mần thuê mần mướn quần quật từ mờ sáng tới tối mịt mới về. Người ai cũng gầy rộc, áo quần thì vá tới vá lui. Nhớ có bữa má lội ruộng về, hai cái chân sưng vù, bị đỉa cắn máu chảy ròng ròng. Vậy mà má vẫn cười, tay còn cầm thêm mớ rau dại mới hái ven đường, tối về nấu nồi canh cho cả nhà ăn. Cực thì cực mà tình nghĩa lắm.

Nổi ám ảnh khác là cái cảnh lính tráng nó đi càn quét nữa chứ. Cứ nghe hô hoán là cả xóm già trẻ lớn bé lại ùn ùn kéo nhau xuống hầm trảng xê mà trốn. Trong cái hầm tối om, ẩm thấp, mùi đất, mùi mồ hôi người nó trộn lẫn vào nhau, ngột ngạt muốn chết. Nhưng mà lúc đó, chỉ có cái hầm đó mới là chỗ an toàn nhứt thôi. Có lần, nửa đêm đang ngủ, nghe một tiếng nổ long trời, rồi một trái đạn pháo sáng rực nó rớt cái đùng xuống đám ruộng cặp bên nhà. Cả xóm đêm đó thức trắng, tiếng con nít khóc ré lên, người lớn thì chỉ biết thì thầm khấn vái. Sáng ra nhìn cái hố sâu hoắm ngoài đồng mà lạnh xương sống. Mạng người trong thời chiến nó mong manh như sợi chỉ vậy đó.

Đất trời bình yên mà lòng người bất ổn

Rồi cái ngày 30/4/1975 cũng tới, không còn nghe tiếng máy bay gầm rú, không còn tiếng súng nổ nữa. Trời đất nó im lặng lạ thường. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới thấy bầu trời quê mình nó bình yên đến vậy. Má buông tay tôi ra, tôi với mấy đứa nhỏ trong xóm chạy ào ra ngoài đồng mà la hét, nhảy múa như điên, mừng muốn khóc. Tưởng đâu từ nay hết khổ rồi.

Nhưng mà, hòa bình rồi đâu có nghĩa là sướng liền đâu. Mấy năm sau giải phóng mới là cái thời kỳ khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nhớ cái thời bao cấp, ăn cơm độn bo bo, khoai mì muốn trẹo cả quai hàm. Nghe thì kêu là “cao lương” cho oai chứ nuốt muốn không vô. Có bữa má nấu nồi cháo bo bo loãng le, cả nhà ngồi nhìn nhau chẳng ai buồn ăn. Thằng Tí Nhỏ bạn tôi nó còn nghịch, lấy bo bo khô bỏ vô ống tre thổi phù phù làm tiếng súng, cả xóm cười rần rần, quên đi cái đói một chút.

Rồi cái vụ tem phiếu nữa, nghĩ lại vừa tức cười, vừa tức bụng. Muốn mua miếng vải, ký gạo, hộp sữa, lít dầu đốt,… là phải xếp hàng ở hợp tác xã từ gà gáy tới xế chiều. Cô Ba hàng xóm nhà tôi có lần xếp hàng cả ngày trời, tới lúc về nhà mới phát hiện rớt mất cuốn sổ gạo với mớ tem phiếu, ngồi khóc bù lu bù loa. Hồi đó, mấy cái đó quý còn hơn vàng, có tiền chưa chắc mua được đồ đâu nghe. Đúng như người ta hay nói vui: “Tem phiếu trong tay anh giữ gìn, mua dầu, mua gạo phải xếp hàng”. Nó cực vậy đó mà thiếu nó thì cả nhà đói meo.

Vui nhất là cái vụ xếp hàng mua thịt heo. Nghe nói hợp tác xã có thịt là cả xóm í ới nhau đi từ sớm tinh mơ. Ai cũng xách giỏ, xách bị, chen chúc nhau muốn nghẹt thở. Tưởng được miếng thịt ba rọi ngon lành, ai dè tới phiên mình thì người ta nói: “Thịt hết rồi, còn mỡ không!”. Nhìn mấy miếng mỡ trắng hếu, bầy nhầy, tính bỏ về. Mà thấy ai cũng giành giựt: “Mỡ hả? Lấy cho tui hai miếng!”. Hóa ra hồi đó người ta quý mỡ hơn thịt, mua về thắng lấy tóp mỡ, trữ ăn tới cả tháng trời. Thế là tôi cũng tặc lưỡi mua đại một miếng. Về nhà má tôi cười khà khà: “Có mỡ là quý rồi con ơi! Tối thắng tóp mỡ, lấy nước mỡ chan cơm ăn là hết sẩy!". Bữa cơm đạm bạc mà sao thấy ngon lạ, tiếng cười nói rôm rả. Đúng là cái thời vừa bi, vừa hài, nghĩ lại thấy thương mà cũng thấy vui vui.

Ngày giải phóng đúng là vui thiệt đó, nhưng không phải ai cũng vui trọn vẹn. Có người lính về được ôm vợ con mừng mừng tủi tủi. Nhưng cũng có nhà khóc hết nước mắt vì người thân không bao giờ về nữa. Rồi có những người hồi trước làm cho chế độ cũ, phải đi học tập cải tạo, không khí trong xóm nó cũng chùng xuống. Tôi còn nhớ có mấy gia đình, đêm hôm lặng lẽ gói ghém đồ đạc, xuống xuồng rời quê mà đi, không một lời chào. Như nhà cô Sáu hồi đó hay cho tôi kẹo, thấy cổ đứng bên bờ kinh nhìn chiếc xuồng chở chồng con đi xa dần mà mắt đỏ hoe. Nghe nói họ vượt biên đi tìm cuộc sống mới. Người đi, người ở lại, lòng dạ ai cũng ngổn ngang trăm mối.

Nhưng phần đông người dân quê tôi vẫn bám trụ lại mảnh đất này. Gia đình tôi cũng vậy. Chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau, chia nhau từng, con cá, miếng rau. Cùng nhau vần công, đổi công, làm lụng đổ mồ hôi. Dù có đói, có khổ, nhưng cái tình làng, nghĩa xóm nó ấm áp lắm. Cứ nương tựa, đùm bọc nhau mà sống, mà vượt qua. Đó mới chính là cái cốt cách của người dân quê.

Những ngày đổi mới - Mở lòng ra mà sống

Rồi tới cái thời kỳ đổi mới (từ năm 1986), mừng không thể tả! Cảm giác như cá gặp nước. Người dân được tự do làm ăn, được làm chủ trên chính mảnh ruộng của mình. Ai nấy cũng hăm hở ra đồng, làm quần quật từ sáng tới tối. Lúa thóc đầy bồ, nhà nào cũng có của ăn của để, cuộc sống dần khá lên.

Không còn cảnh chỉ biết cắm mặt vô cây lúa nữa. Người dân bắt đầu mạnh dạn đổi cây này, nuôi con kia. Có người bỏ lúa chuyển sang trồng cam, trồng bưởi. Như ông Bảy kế nhà tôi, hồi xưa nghèo rớt mồng tơi, giờ ổng đào ao nuôi cá tra xuất khẩu, mỗi vụ kiếm cả trăm triệu, cất được nhà tường, mua được xe máy cho thằng con đi làm. Kinh tế đi lên, đời sống nó cũng đỡ cực hơn nhiều.

Đời sống tinh thần cũng khá hơn. Nhà nào cũng sắm được cái ti vi, cái xe máy. Con nít được đi học đàng hoàng. Trường học, trạm xá được xây mới khang trang hơn. Như thằng Hai nhà tôi, hồi xưa chắc chỉ học hết lớp 5 là cùng, giờ nó học lên tới đại học, làm kỹ sư ngon lành. Đúng là thời kỳ đổi mới mở ra biết bao cơ hội.

Nhớ lại cái ngày vui thống nhất, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nói một câu mà tôi thấm thía lắm: “Có triệu người vui, có triệu người buồn”. Vui là đất nước hết chiến tranh, sum họp. Buồn là bao nhiêu mất mát, chia ly. Ông nói đúng quá, cả niềm vui và nỗi buồn đó đều là máu thịt của dân tộc mình. Phải nhìn vào đó mà thương nhau hơn, mà bỏ qua hận thù cũ. Muốn đất nước mạnh lên, người Việt mình phải biết bỏ qua quá khứ, cùng nhìn về tương lai thôi.

Mấy năm sau này, những người hồi đó bỏ xứ ra đi, giờ cũng có nhiều người quay về. Như ông Chín ở xóm trên, hồi đó vượt biên đi, giờ về mở trang trại nuôi tôm lớn lắm, tạo công ăn việc làm cho mấy người trong xóm. Lâu lâu ngồi uống trà, ổng hay kể chuyện xứ người, nhưng kể xong lại nhìn ra con kinh trước nhà, nói giọng rưng rưng: "Đi đâu thì đi, quê mình vẫn là nhứt!". Nghe mà thương.

Rồi lớp trẻ bây giờ nó giỏi lắm. Con cháu mình được đi du học nước này nước kia, mang kiến thức về xây dựng quê hương. Thằng Cu nhà kế bên học bên Nhật về, áp dụng kỹ thuật tưới tiêu gì đó mà lúa tốt thấy ham. Nhưng cũng có đứa nó ở lại bển luôn, coi như quê hương thứ hai. Vừa mừng cho nó thành đạt, mà nghĩ cũng buồn buồn vì nó ở xa quá.

Ước vọng ngày mai tươi sáng

Chiều chiều ngồi nhìn con nước lớn nước ròng trên sông Vàm Cỏ trước nhà, lòng tôi chỉ mong một điều giản dị: "Mong sao con sông quê mình nước lúc nào cũng xanh trong, đừng bao giờ khô cạn, đất đai đừng bao giờ nhiễm mặn. Mong cho tụi nhỏ sau này lớn lên biết quý trọng mảnh đất ông cha để lại, biết sống tử tế, thương yêu, đùm bọc nhau như hồi xưa mình đã từng".

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Nhìn tụi nhỏ bây giờ đạp xe giỡn hớt ngoài đường bêtông mới làm mà thấy tương lai quê mình nó sáng sủa làm sao. Hồi tôi bằng tuổi tụi nhỏ, chỉ mơ sao cho đủ ăn, đủ mặc là mừng lắm rồi. Còn tụi nó bây giờ dám mơ lớn lắm. Có đứa nói muốn làm kỹ sư, bác sĩ, có đứa còn đòi viết phần mềm điện thoại để bán trái cây Long An ra nước ngoài nữa chứ! Nghe mà mát lòng mát dạ!

50 năm nhìn lại, trải qua bao nhiêu thăng trầm, tôi càng nghiệm ra một điều: Muốn đất nước này đi lên, người Việt mình phải biết gác lại chuyện cũ, phải biết tha thứ cho nhau, cùng nhau làm ăn, xây dựng. Như lời Bác Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã nói, hòa hợp dân tộc là chuyện lâu dài, cần kiên nhẫn, cần chân thành. Mình là con Rồng cháu Tiên hết mà, phải biết nắm tay nhau lại, đoàn kết một lòng thì dân tộc mình mới mạnh, đất nước mình mới vững bền được.

Chiều nay bông hoàng anh trước sân nở vàng rực. Tôi ngắt một nhánh cắm vào bình, thấy lòng vui lạ. Ừ thì, cứ sống tử tế, cứ thương yêu, đùm bọc nhau, thì quê hương mình lúc nào cũng xanh tươi, đời mình lúc nào cũng đẹp.

50 năm, một chặng đường dài của đất nước, cũng là hơn nửa đời người của tôi trên mảnh đất Long An này. Nhìn lại để thấy mình đã đi qua những gì, để trân quý hơn hòa bình hôm nay, để tin tưởng hơn vào ngày mai. Dù có đi đâu về đâu, dù cuộc sống có thay đổi thế nào, thì quê hương vẫn luôn là nơi mình thuộc về, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn mình. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết: “Quê hương là chùm khế ngọt,... Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Chỉ cần người Việt mình còn biết thương nhau, còn biết giữ lấy cái tình làng, nghĩa xóm, giữ lấy hồn cốt dân tộc, giữ lấy tình yêu quê hương này, thì chắc chắn Việt Nam mình sẽ còn đi lên mãi, rạng rỡ mãi./.

Trúc Bạch (Long An, tháng 4/2025)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/50-nam-chuyen-que-toi-a194275.html
Zalo